14/03/2012 10:40 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Chỉ mới ra mắt cuối tuần qua, vở diễn thử nghiệm Nguyễn Du với Kiều của đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ đã nhận được những phản hồi trái chiều từ dư luận. Trong đó, tâm điểm gây tranh cãi là một số ý kiến cho rằng đạo diễn NSND Lan Hương đã... sáng tạo tới mức để Thúy Kiều hóa thân thành Phật bà Quán Âm vào cuối câu chuyện.
Cảnh trong vở Nguyễn Du
Cụ thể, trong suốt vở diễn, Phật bà Quán Âm nhiều lần được đạo diễn cho “xuất hiện” từ trên cao, như một chứng nhân trước những tấn bi kịch mà Thúy Kiều đang trải qua. Rồi cuối vở, khi màn tái hồi Kim Trọng diễn ra Thúy Kiều của đạo diễn Lan Hương bước dần, bước dần lên bục và hòa cùng ánh đèn đứng vào nơi Phật bà từng được “bố trí” trước đó.
Trao đổi với TT&VH, NSND Lan Hương tỏ ra ngạc nhiên trước những ý kiến cho rằng mình “sáng tạo quá đà” tới mức để nàng Kiều của Nguyễn Du hóa thân thành Phật bà Quán Âm. “Khi dàn dựng, tôi không hề có ý định đặt một nàng kỹ nữ từng chịu cảnh Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần vào vị trí Phật bà. Đơn giản, những xử lý ấy chỉ đưa ra để khán giả cùng liên tưởng tới sự cao quý của con người giữa nỗi đau trần thế”.
Theo giải thích của NSND Lan Hương, liên tưởng này đến từ những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại mà chị luôn được nghe từ nhỏ: chuyện về nàng Kiều bán mình chuộc cha, chuyện về kiếp nạn ở trần thế của Phật bà ngàn mắt ngàn tay khi là nàng công chúa tự cung hiến mắt và tay mình cho vua cha để làm thuốc. Cùng hiếu hạnh với gia đình, cùng giữ được tâm hồn minh bạch và đức tin khi thân xác phải chịu nỗi đau, đó là những điểm chung mà đạo diễn này tìm thấy và muốn khái quát để đưa lên sân khấu.
“Nàng Kiều và công chúa Diệu Thiện trong truyền thuyết về Phật Quán Âm có thể coi là những phụ nữ chịu nhiều đau khổ và cũng đáng được tôn vinh nhất trong văn hóa VN. Lấy góc nhìn từ Nguyễn Du, việc viết Truyện Kiều cũng là để ông chia sẻ cái nhìn và tâm sự của mình về người phụ nữ, về thế sự” - Lan Hương nói thêm- “Tôn vinh và đau đớn cùng 2 con người cụ thể là nàng Kiều và hóa thân của Phật bà trong thân xác một người phụ nữ phải chịu kiếp nạn khác với việc “hô biến” để nàng Kiều trở thành Phật Quán Âm”.
Tuy nhiên, khá thẳng thắn, NSND Lan Hương cũng thừa nhận: “Khi vở diễn ra đời, khán giả có quyền đưa ra cách hiểu và quan điểm của mình. Nếu cách hiểu đó chưa trùng với mong muốn của người dựng, đạo diễn phải chấp nhận thực tế”.
Mang tính chất của một vở diễn thử nghiệm, Nguyễn Du với Kiều thuật lại 15 năm lưu lạc của nàng Kiều một cách khá sát với nguyên tác. Sáng tạo chủ yếu chỉ nằm ở vai trò của người dẫn chuyện, với cuộc gặp gỡ mở đầu của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du - 2 tác giả cùng thời. Rồi cứ thế, đưa đẩy qua lại trong cuộc đối thoại giữa hai văn sĩ tài hoa này là từng lớp, từng lớp tình tiết trong Kiều. Không kể một số ít câu Kiều được diễn xướng bằng lời, ngôn ngữ của câu chuyện là tổng hợp của kịch hình thể, của múa, của diễn xuất... với đủ mọi làn điệu âm nhạc truyền thống như chèo, hát văn, ca Huế, và cả đờn ca tài tử Nam bộ với khúc Dạ cổ hoài lang nổi tiếng. Cũng để tăng yếu tố thể nghiệm trong vở, hai người dẫn chuyện là Hồ Xuân Hương (NSND Lan Hương) và Nguyễn Du (Như Lai) cũng liên tục chuyển vai sang các nhân vật chính khi cần: nếu Hồ Xuân Hương đảm nhiệm vai Hoạn Thư thì Nguyễn Du trở thành Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải và cả Sở Khanh.
Dự kiến, buổi diễn tiếp theo vào ngày 26/3 tới của Nguyễn Du với Kiều sẽ được “đặt hàng” bởi Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN – đơn vị đã nhiệt tình hỗ trợ 100 triệu đồng cho đoàn dựng vở kịch thể nghiệm này.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất