08/03/2012 08:29 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Mỗi dịp 8/3 hàng năm, cả thế giới lại ào ạt nói về phụ nữ. Tôi là một phụ nữ. Nhưng hôm nay, tôi muốn viết về đàn ông.
1. Không, tôi đã viết về đàn ông từ 16 năm trước, từ bài thơ đầu tiên cho Anh - người đàn ông tưởng tượng. “Anh” là một biểu tượng bền vững về cái đẹp và mơ ước, Anh luôn được viết hoa trong tác phẩm ViLi. Khi sáng tạo, tôi hầu như không khi nào bị/để cảm giác giới tính chi phối. Tôi không thích phân biệt nhà thơ nữ/nhà thơ nam. Tôi không đồng tình những người đồng giới dùng yếu tố nữ trong các cảnh huống nhằm đòi sự ưu ái. Phụ nữ luôn đòi hỏi sự bình đẳng song với số đông, tâm lý muốn được ưu tiên, châm chước, thậm chí nhường nhịn và chiếu cố, đã là thiếu tự tin và kiêu hãnh. Hãy để những điều trên là tự thân đàn ông.
Với nghệ thuật, người sáng tạo cần chứng minh tài năng bằng tác phẩm, sản phẩm cụ thể, không cần tác giả và độc giả - ở cách ứng xử và tiếp nhận văn minh nhất: không dùng giới tính soi chiếu và định giá. Trên thực tế, thói quen ấu trĩ này tồn tại trong số đông độc giả phổ thông. Khán giả biết thưởng thức chỉ quan tâm nhận định về tác phẩm căn cứ vào chất lượng, cảm xúc vẻ đẹp nó mang tới. Đối tượng tinh tuyển hơn, sẽ bình luận về phong cách, thi pháp, tư duy của nghệ sĩ hay ê-kíp sáng tạo (đối với các bộ phim, lịch).
Tôi chưa bao giờ “nổi loạn” trong thơ như ai đó hay nhầm. Sự thành thật mãnh liệt giữa đầy rẫy “giả” và “diễn”, tự thân thành sự khác biệt. Tìm kiếm, khơi gợi và tôn vinh những vẻ đẹp đã mất hoặc thất thoát, khi khám phá chiều sâu của tâm hồn con người, là một chủ định của tôi. Cuộc đấu tranh dai dẳng đòi quyền bình đẳng ở nữ giới, qua kiến giải của nhiều nhà khoa học xã hội học, nhà báo nữ (phải nhắc đến giới tính của họ, và họ luôn phân biệt điều này như nền tảng “đấu tranh”) thường nhằm các mục đích: đòi bình đẳng, chia sẻ công việc gia đình. Và diễn tiến này là liệt kê, kể khổ và kể công.
Nhà thơ Vi Thùy Linh tại Pháp, năm 2011. Ảnh: Phan Quế Dung
Đảm nhận thiên chức một cách tự nguyện từ nền tảng là cách để nhiều chịu em tự giải thoát khỏi những ấm ức, ức chế. Khi phụ nữ còn đòi ưu tiên, nhượng bộ, coi quá trình tìm bình đẳng là “đấu tranh”, “chiến đấu”, tự họ đã bộc lộ sự mặc cảm và đòi hỏi ở phái mạnh. Hãy đích thực phụ nữ, hãy phấn đấu là người phụ nữ đẹp, văn minh trước đi, sẽ nhận thấy cuộc sống của mình đổi khác trước khi những gì đòi hỏi ở phái mạnh được thể hiện tự nguyện. Đã có câu danh ngôn: “Nếu Thượng đế sinh ra phụ nữ trước, Người không cần tạo ra hoa hồng” tụng ca phái đẹp. Thực tế vẫn còn nạn bạo hành chứ không phải “không ai nỡ đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một nhành hoa”.
Trong 2 giới, sẽ có một giới sinh đẻ và chăm sóc con. Thượng đế tạo ra và trao thiên chức thiêng liêng ấy cho đàn bà, chúng ta hãy tự hào thay vì nhiều chị em than vãn như áp lực, gánh nặng. Nhà văn Cao Hành Kiện, trong tiểu thuyết Linh Sơn (Nobel 2000) khẳng định ngọn núi cao nhất không phải ở thiên nhiên, mà ở trong lòng mình.
2. Thực tế là, người phụ nữ không thiệt thòi đến mức nhiều người “sát cánh” rủ nhau “vùng lên”. Lịch sử nghệ thuật thế giới luôn ưu ái phụ nữ. Họ là nhân vật chính của hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh, văn chương, âm nhạc, ballet luôn dành vị trí trung tâm cho nữ solist. Diễn viên nam hầu hết làm “nền”, bệ đỡ cho bạn diễn. Trong tôn giáo, có Phật Bà Quan Âm, Việt Nam có Đạo Mẫu. Ấn Độ giáo và tín ngưỡng Chăm, thờ cả Linga lẫn Yoni. Đặc biệt trong thơ và ca khúc, số lượng tác phẩm lấy cảm hứng từ phụ nữ, coi phụ nữ là chính yếu, chiếm áp đảo.
“Hai người đàn bà với con vịt thành cái chợ” phụ nữ không phủ định được câu này, họ vốn phức tạp và “lắm chuyện”. Chẳng thế mà nhiều dèm pha, tọc mạch, tủn mủn, thường bị gọi chung là “thói đàn bà”. “Đàn bà” thành tính từ để ám chỉ, nhận xét cho cả những anh/ông ki keo, nhỏ mọn, hẹp hòi và “nhiều lời”.
Tôi nói những điều này không nhằm bênh giới nào, mà không muốn hòa vào xu hướng dây chuyền tôn vinh phụ nữ là kể tội giảm vai trò đàn ông. Không nên! Biết “nâng” đàn ông là nghệ thuật ghi nhận và tôn vinh, để họ tôn vinh, yêu quý phụ nữ hơn. Phái đẹp đừng “nam tính”, đanh đá, ghê gớm và “hung dữ”. Nguyên thủ hay minh tinh dù quyền lực, danh vọng lớn đến đâu, cũng coi trọng tổ ấm, những bữa ăn cho chồng con, để họ còn có chỗ bình yên, được làm đàn bà. Sao lại có xu hướng một số phụ nữ coi việc nhà là gánh nặng, muốn thoát ly?
3. Thập Nhất, nhạc sỹ gốc Bắc sống ở TP.HCM, có bài hát thiếu nhi viết về cha thật sinh động và tình cảm. “Bố là bờ đê cho con nằm ngủ/ Bố là phi thuyền cho con bay vào không gian”. Thật đáng yêu câu kết: “Nhưng lúc bố mệt, bố là bố thôi”.
Hơn 20 năm trước, bố tôi đã làm “ngựa” bằng lưng, “cần cẩu”, “máy bay” bằng chân cho chị em tôi. Bố lặn lội khắp các vùng núi, cho những bộ phim. Bao nhiêu người bố vất vả, trĩu gánh trên cõi đời này, họ cần vợ cần các con yêu thương hơn nữa chứ.
4. Tối 4/3 vừa qua, trước Quốc tế phụ nữ 4 ngày, nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm live show Mình là đàn ông. Bài hát chủ đề này được chính anh hát tự đệm guitar. Theo “định nghĩa” của anh, đàn ông là/phải là “Nói ít làm nhiều. Phải biết nấu cơm, chăm sóc em bé trong tương lai. Không được khóc nhè từ ấu thơ đến lúc khôn lớn sải cánh chim bay. Không được sống bông phèng, phải biết vắt tay lên trán suy nghĩ. Phải luôn tươi cười, dù gặp bao khó khăn, lo toan, thân xác mệt nhoài. Phải nhường nhịn phụ nữ”. Và kết luận “Mình là đàn ông, đừng giống như con chim công”. Tức là đừng chỉ biết, phô diễn mà…không làm gì.
Ngày 8/3, những người phụ nữ ngoài việc nhận hoa, quà, được tán thưởng ngợi ca, hãy dành khoảng tĩnh lặng nghĩ đến người đàn ông gần gũi trong cuộc sống. Nhiều người chồng/vợ trên hôn thú mà không phải bạn đời, người yêu của nhau trong hiện thực. Sao lại có sự “thất lạc” éo le này? Và những người đàn bà 8/3, có ai dành một chút gì cho người đàn ông thấy tự hào và mạnh mẽ hơn, không chỉ bởi nhu cầu của cả hai về sự che chở.
Người ta có mấy định mệnh không được lựa chọn, cha mẹ, nơi sinh và giới tính của mình. Nếu được lựa chọn, Tôi muốn được sinh ra là đàn ông và tôi tin mình sẽ là người đàn ông chân chính, trước hết bởi biết sống hết sức mạnh bản nguyên và biết yêu mình, người đàn bà của mình.
Quang Anh (lược ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất