Trần Hoàng Thiên Kim & chốn bình yên trong thơ

12/02/2012 11:49 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Tôi nghĩ khi đọc Mưa tượng hình (NXB Văn học 2011), Trần Hoàng Thiên Kim muốn tìm thấy chốn bình yên trong thơ. Phải chăng cuộc sống hiện đại quá căng thẳng, lắm nhiễu nhương và nhiều áp lực nên thơ với một số người, trong đó có Trần Hoàng Thiên Kim, là nơi trú ngụ tốt nhất cho một tâm hồn quá ư nhạy cảm và cũng rất dễ bị tổn thương.

1. Viết, với Trần Hoàng Thiên Kim là để cởi lòng mình với mình trước và sau là với thiên hạ. Nhưng có cảm giác dường như Trần Hoàng Thiên Kim chỉ viết thơ cho chính mình và những người thân thiết ruột thịt nhất. Nhưng có hề chi chuyện viết về ai và điều gì, miễn thơ hay.

Tôi thích những câu thơ gần với văn xuôi của Trần Hoàng Thiên Kim “Mẹ chỉ muốn về nhà thật nhanh/ sau giờ tan sở/ để ôm con trai vào lòng/ để hôn tới tấp lên miệng con, mắt con, má con/ hôn khắp cơ thể con để tận hưởng mùi hương/ của thịt da con/ như tìm chốn bình yên sau bộn bề cuộc sống” (Thư viết cho con trai).

Tôi biết con trai nữ thi sĩ còn rất bé, chưa đọc hiểu được những câu thơ rút ruột rút gan của người mẹ. Nhưng nhà thơ như đang viết cho người con trai mình đã trưởng thành, đã hiểu thấu tình mẫu tử. Viết như thể cởi lòng nên tác giả không quá câu nệ câu chữ, vần điệu, miễn là giãi bày được tâm can của mình. Vì thế đây là bài thơ dài nhất trong tập thơ, đến 97 dòng, có thể gọi là bài thơ - văn xuôi. Viết thơ cho con trai nhưng là cách để nhà thơ thể hiện cái tâm cảm của mình về thời gian sống, thời gian yêu, thời gian lao động nghệ thuật và cả thời gian sinh tồn.

Dường như thời gian của tuổi thơ là vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn là ký ức “Vì điều gì có ở tuổi thơ thì vẫn luôn còn mãi”.

2. Trần Hoàng Thiên Kim trong cuộc đời cũng như trong thơ dường như là những cực đối lập: đang cười mà buồn đấy, reo vui mà cô đơn đấy, tự tin mà bải hoải đấy, dung dị mà kiêu sa đấy, nhí nhảnh mà già dặn đấy, trầm lắng mà ồn ã đấy... Nghĩa là có đủ cung bậc, màu sắc, đường nét và hương vị trong thơ cũng như trong đời sống của Trần Hoàng Thiên Kim. Điều đó làm nên sự sinh động và đa dạng của thơ nữ thi sĩ.

Này đây là tiếng reo thầm (khe khẽ thôi) nhưng người khác lại nghe rất rõ niềm vui sướng khôn tả trong căn phòng nhỏ của một người đang hạnh phúc “Căn phòng đêm ta tìm thấy ta/ Những ngón tay đan nhau đan nhau/ Ta đang say giờ ta đang bay/ Ta cùng ta mỉm cười, kìa, cúc trắng...”.


Nhưng lại có một Trần Hoàng Thiên Kim trang nghiêm, thành kính trước người cha “Con mang theo giấc mơ của cha ra phố/ mang theo cánh đồng trăng rải lúa thơm vàng/ mang theo ngọn gió Lào hong chiều cháy sém/ mang theo sông Lam, Miếu Già long lanh triền cát/ Mong vết thương cha dịu đau mỗi bận trở trời” (Thư gửi cha viết trong đêm Hà Nội). Rồi Thơ tặng mẹ ngày cuối năm cũng thành kính, trang trọng và đằm thắm như thế bởi “Con trầm ngâm như người mắc lỗi/ Ước rằng: những sợi tóc bạc rụng kia sẽ mọc lại/ sợi tóc xanh!”.

Những cực khác nhau như thế trong thơ Trần Hoàng Thiên Kim không làm xô lệch thơ của chị, trái lại, nó gắn kết với nhau bởi một chất keo đặc biệt - đấy là sự đắm đuối với người, với đời, đắm đuối với thi ca, chữ nghĩa. Bây giờ tìm ra một người đắm đuối như thế đâu có dễ. Không tin, quý vị độc giả thử tìm mà xem! Thi sĩ nào mà chẳng hơn một lần thả nỗi cô đơn của mình vào thơ. Trần Hoàng Thiên Kim cũng vậy. Tôi đọc thấy nhiều nỗi niềm cô đơn của nhà thơ “Không có chốn nào để giấu nỗi cô đơn ăm ắp” (Sau giấc ngủ), “Em... một mình đêm cô đơn” (Ngày không anh), “Em cô đơn trước bình minh” (Quên). Nhưng đừng nghĩ nữ nhà thơ này vì thế mà bi lụy. Tôi tìm thấy trên từng câu chữ trong thơ Trần Hoàng Thiên Kim niềm vui sống, lẽ yêu đời và khát khao cháy bỏng hạnh phúc mỗi khi nghĩ và viết về “anh” (như một “ nhân ảnh”).

Trần Hoàng Thiên Kim sinh năm 1981 tại Nghệ An, hiện đang làm báo tại Hà Nội. “Mưa tượng hình” là tập thơ thứ 4 của Trần Hoàng Thiên Kim sau “Vọng mùa”, “Những trò đùa có lỗi” và “Thời gian”.

Nếu thơ Trần Hoàng Thiên Kim rõ ràng từ nhiều phía, thì riêng phía “anh” khiến độc giả yêu thơ chị có cái cảm giác mơ hồ về hình ảnh này (với 48 lần xuất hiện chữ “anh”, như thế có thể nói là nhiều, là đậm đặc). Tôi hình dung có những cơn rùng mình nhẹ mà lâu khi nữ thi sĩ viết “Chẳng lẽ anh không thuộc về em/ sẽ có người đàn ông thuộc về em mãi mãi/ Em biết đặt em vào đâu trong đời anh”“Em lục tung căn phòng tìm bàn tay ngày cũ/ hơi người lạnh đến nghẹt thở tiếng nấc tủi hờn”. Nhưng như một người nữ có cái khả năng thuần hoá những nỗi đau, người đọc thơ thấy nữ thi sĩ đã khéo léo thoát ra được bằng một giấc mơ “Em trót nợ giấc mơ những rung cảm lòng mình/ để tin một ngày anh sẽ đến” (Tin). Tôi nghĩ đó là “khoảng lặng”, là phần tạo nhiều liên tưởng nhất của Mưa tượng hình với những câu thơ gợi cảm kiểu như “Một ngày/ anh của ngàn năm về ôm bầu ngực thanh tân khóc ròng” (Thời gian).

3. Tôi thích những bài thơ năm chữ trong tập thơ mới nhất của Trần Hoàng Thiên Kim như Mưa tượng hình, Thu, Gửi phố. Thể thơ thì không mới nhưng mới ở cách cảm, cách viết “Gửi mùa chim làm tổ/ Từng giọt mưa tượng hình/ sao giờ anh mới kể/ Những đêm dài nhớ em” (Mưa tượng hình), “Hoa đã vàng trước ngõ/ Mây sang tên con đường/ Em về ru lời cỏ/ Mềm xinh trong mờ sương” (Thu), hoặc “Người đừng ao ước nữa/ Xa xôi niềm nhớ mong/ Mai em còn với phố/ Đong lạc dòng cơn giông” (Gửi phố).

Câu chữ trong thơ của Trần Hoàng Thiên Kim ở tập thơ mới này, nói như nhà thơ Vũ Quần Phương, đã bớt “những óng ánh ngôn từ” để “tìm tới chỗ có thơ, có nỗi lòng con người”. Riêng tôi nghĩ, nếu có lúc nào đó nhà thơ có điệu đà một tí chút thì cũng nên thể tất vì đây là phụ nữ. Các cụ ngày xưa thường vẫn nói kẻ đa tài thường đa tình. Tôi thấy Trần Hoàng Thiên Kim là mẫu người này. Đa tình và đa tài mới vừa làm thơ vừa viết văn xuôi vừa viết báo được. Đa tài và đa tình thì mới lúc nào cũng rạng rỡ, tươi tắn mặc lòng cuộc sống thì luôn đa sự, lòng người thì luôn đa đoan.

Đọc thơ Trần Hoàng Thiên Kim, đôi chỗ tôi bỗng váng vất nhớ tới giọng thơ, hơi thơ của một bậc đàn chị trong làng thơ nữ Việt Nam hiện đại. Ai nhỉ? Hình như Xuân Quỳnh?!

Tôi hình dung Trần Hoàng Thiên Kim là người của công việc, ngày ngày vô tận! Chân đi, miệng nói và cười, tay viết và đầu óc lúc nào cũng chật căng ý nghĩ, dự cảm sáng tác và đắm đuối với gia đình, chồng con. Ấy vậy mà tất cả đều hanh thông. Phía trước của nữ nhà thơ này còn rất rộng dài và đáng lạc quan. Tôi tin như thế.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm