Hàn Quốc "tấn công văn hóa" châu Á

11/02/2012 15:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sabrina Kaur, 12 tuổi, người Singapore hoàn toàn không hiểu gì phần lời trong các bài hát của Hàn Quốc, cũng chưa từng gặp những người Hàn Quốc ở ngoài đời. Nhưng điều đó không cản cô tham gia vào một lực lượng hơn 1.000 cô gái Singapore tìm tới cuộc biểu diễn thử hồi tháng 1 vừa qua, để tìm kiếm tài năng cho một ban nhạc pop Hàn Quốc với thành viên trải rộng trên khắp đất châu Á.

"Cháu muốn trở thành cô bé Singapore gốc Ấn đầu tiên tham gia một nhóm nhạc Hàn Quốc" - cô bé nói trước khi bước vào phòng diễn thử, bên trong đang đầy những ứng cử viên tới từ cộng đồng người Hoa thiểu số ở Singapore. 



Các tập đoàn giải trí lớn của Hàn Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm tài năng tại châu Á, với hy vọng sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tại châu lục

Làn sóng xuất khẩu văn hóa mới

Từ trẻ em trước tuổi teen cho tới những người về hưu, hàng triệu người hâm mộ trên khắp châu Á đã vượt qua rào cản về chủng tộc và tuổi tác để chia sẻ một cơn sốt chung do nhạc pop và phim ảnh Hàn Quốc tạo ra. Hiện tượng này còn được biết tới với tên "Hallyu" hay làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc hiện đang cố gắng củng cố vị trí trong lòng người hâm mộ, bằng cách tạo nên một ban nhạc gồm các ngôi sao nước ngoài, dựa trên mô hình các nhóm nhạc nội địa với vẻ bề ngoài bắt mắt và lối biểu diễn lôi cuốn đã khiến vô số người hâm mộ trên thế giới đắm say.  "Kể từ đây, chúng tôi không thể lùi bước được nữa" - Eric Yun, giám đốc điều hành công ty Alpha Entertainment Korea cho biết, trong cuộc thi tổ chức ở Singapore, một trong vài địa điểm tại châu Á đã được chọn làm nơi tìm kiếm tài năng.

Đối thủ của Alpha là công ty SM Entertainment, nơi cho ra đời nhóm nhạc nữ Girls' Generation lớn nhất Hàn Quốc, gần đây cũng công bố các kế hoạch tổ chức những cuộc thi tương tự ở khu vực châu Á, trải rộng tại ít nhất 5 quốc gia trong năm nay.

Song song với việc tìm kiếm tài năng châu Á, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc còn có những động thái cởi mở hơn, khi tổ chức Lễ trao giải âm nhạc châu Á Mnet với sự tham dự của nhiều ngôi sao tại Macau hồi năm 2010 và Singapore vào tháng 11 năm ngoái. Người ta đã phá vỡ truyền thống chỉ tổ chức trao giải tại Hàn Quốc nhằm tiếp tục khuếch trương ảnh hưởng. 



Rất đông người hâm mộ nhạc pop Hàn Quốc đã tới dự cuộc thi tìm kiếm tài năng do Alpha Entertainment Korea tổ chức ở Singapore hồi đầu năm

iệu có thành công?

"Sau châu Á, bước tiếp theo là để văn hóa Hàn Quốc chinh phục thế giới" - Yun cho hãng tin AFP biết.

Ngành công nghiệp nhạc pop Hàn Quốc (K-Pop) trị giá nhiều triệu đô la hiện đã để mắt tới thế giới nhạc pop phương Tây. Girl's Generation đã lên báo khi tổ chức một buổi biểu diễn tại Quảng trường Madison ở New York hồi năm ngoái, trong đó vé vào cửa nhanh chóng bán hết veo. Gã khổng lồ Internet Google cũng đã công bố ý định mở một kênh riêng cho nhạc pop Hàn Quốc.

Văn hóa pop Hàn Quốc lần đầu tiến vào các nước Đông Á hồi đầu những năm 2000 với các bộ phim tình cảm gây xôn xao dư luận như "Bản tình ca mùa đông". Tiếp đó, các nhóm nhạc với vẻ đẹp quyến rũ như Girls' Generation, TVXQ, Super Junior và Shinee đã đưa làn sóng bùng nổ Hallyu trong khu vực lên một tầm cao mới.

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Văn hóa Hàn Quốc tiến hành hồi năm ngoái, ước tính có 2,31 triệu người hâm mộ Hallyu ở châu Á, chỉ tính riêng số thành viên các CLB hâm mộ chính thức.

Nhà nghiên cứu phim ảnh người Singapore Liew Kai Khiun nói rằng châu Á đã sinh ra nhiều thể loại văn hóa pop, như các bài hát và điệu nhảy trong phim Bollywood, các thế võ trong phim Hong Kong. Nhưng Hallyu lại có những đặc điểm vô cùng khác biệt.

"Sự lan tỏa của văn hóa pop Hàn Quốc rất đặc biệt, bởi nó không dựa trên các yếu tố thống trị về mặt quân sự hoặc kinh tế như các nước đế quốc phương Tây, hay các cộng đồng đông đảo những người người Trung Quốc và Ấn Độ" -  Liew, người đã nghiên cứu về văn phóa pop Hàn Quốc trong gần một thập kỷ cho biết.

Ông chỉ ra việc văn hóa pop của Mỹ tiến ra toàn cầu song song với sự mở rộng ảnh hưởng của "đế quốc Mỹ" giai đoạn thế kỷ 20 là một ví dụ minh chứng. Trong khi đó, sự lan tỏa của Hallyu, ngoài những yếu tố hấp dẫn nội tại, còn có tác động từ chính sách khuyến khích của chính phủ Hàn Quốc.

Tuy nhiên việc làn sống Hallyu có tiếp tục mở rộng hay không khi K-Pop thu nạp thành viên là người ngoài Hàn Quốc vẫn là điều mà người ta phải chờ. "Tôi phải thừa nhận rằng ngoại hình là một trong những lý do vì sao người Thái rất thích các ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc" - Chanika Sriadulpun, Tổng biên tập The Boy Kimji, một tạp chí Thái Lan chuyên về K-Pop, nhận xét.

Tác động tiêu cực hay tích cực?

Tất nhiên không phải ai cũng hưởng ứng làn sóng lan rộng của văn hóa Hàn Quốc. Một số người coi đó là việc Hàn Quốc đang cố thể hiện quyền lực mềm của họ.

Hồi tháng 8 năm ngoái, hàng ngàn người Nhật Bản đã tổ chức biểu tình để phản đối đài Fuji TV vì tội đã "buộc" khán giả phải xem các chương trình Hàn Quốc. Nhưng có nhiều người khác như Emiko Shimizu, 62 tuổi đã về hưu và đang sống ở Tokyo, vẫn rất mê Hallyu, dù rằng điều này có nghĩa "bà đang khiêu vũ theo giai điệu của chính sách xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc".

Tại Philippines, chuyên gia quản lý tài năng Chris Cahilig đã bày tỏ lo ngại làn sóng văn hóa Hàn Quốc có thể làm lụi tàn sự xuất hiện của các tài năng địa phương. Ông nói với AFP rằng bản thân "rất quan ngại" trước việc có một lượng lớn thanh thiếu niên đã mất đi bản sắc và tinh thần Philippines bởi họ tiếp xúc và nghe nói quá nhiều về văn hóa giải trí Hàn Quốc. Tuy nhiên cũng chính ông đã thành lập 1:43, một ban nhạc với các thành viên Philippines nhưng có phong cách biểu diễn kiểu K-Pop và lập tức thành công. Album đầu tay của ban nhạc đã trở thành một trong những đĩa hát bán chạy nhất Philippines trong năm ngoái.

Liew, nhà nghiên cứu người Singapore, đã bác bỏ những lo ngại về làn sóng xâm lấn văn hóa từ Hàn Quốc. Ông chỉ ra rằng hiện tượng K-Pop nói riêng và sự lan tỏa của văn hóa pop Hàn Quốc nói chung thực tế đã có tác động tích cực lên bức tranh giải trí ở châu Á, giúp nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm giải trí trong khu vực.

K-Pop làm “sưởi ấm” thời tiết lạnh giá ở Paris

Các ngôi sao K-Pop lại lại làm tăng nền nhiệt ở Paris khi hôm 8/2, 8 nhóm nhạc Hàn Quốc, trong đó có Girls Generation, 2PM, Beast, Sister, 4Minute và SHINee, đã có một màn trình diễn thành công tại sân vận động Bercy.

Chương trình hòa nhạc này do Music Bank của KBS 2TV tổ chức và đã nhận được sự cổ vũ của 10.000 khán giả. Nhiều người đã đến từ nhiều vùng khác nhau của nước Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Italia. Họ đã gọi tên các ca sĩ yêu thích, hát cùng các nghệ sĩ và cổ vũ nhiệt tình trong suốt 3 giờ đồng hồ mặc cho thời tiết lạnh giá.

Tuấn Vĩ (theo nguồn tin nước ngoài)



Tường Linh (Theo AFP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm