19/12/2011 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tiếp sau thành công của chương trình Luala Concert (từ 11/11/2011), được lọt vào danh sách 10 sự kiện nổi bật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011, ngày 17/12, Luala tiếp tục biến đoạn vỉa hè Lý Thái Tổ (trước cửa NXB Âm nhạc) thành một “gallery ngoài trời” ngay bên cạnh chương trình hòa nhạc Luala concert bằng việc mời thêm giới nghệ sĩ cầm cọ tham gia chương trình với hai tác phẩm.
Một là sắp đặt Đi qua mùa Đông ngay trên vách tường NXB Âm nhạc của nghệ sĩ điêu khắc Phan Phương Đông đến từ TP.HCM. Hai là triển lãm Giao hưởng cuộc sống của một số họa sĩ trẻ Hà Nội dưới vỉa hè Lý Thái Tổ.
Vừa nghe hát thính phòng, vừa chiêm ngưỡng xe đạp bay
Tại buổi họp báo, đại diện BTC cho biết, chương trình Đi qua mùa Đông và triển lãm Giao hưởng cuộc sống diễn ra ngay bên cạnh chương trình Luala concert nhằm mục đích lớn nhất là mong muốn mang đến cho công chúng những thử nghiệm mới cho âm nhạc đường phố. Đồng thời việc kết hợp với những nghệ sĩ lớn có tên tuổi và uy tín như NSND Quang Thọ, nghệ sĩ Hồng Vy và nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long, những người sẽ xuống đường vì nghệ thuật, vì công chúng là thể hiện sự cam kết của BTC trong việc mang lại một chương trình thực sự có chất lượng chuyên môn tới với công chúng.
Ngay sau buổi họp báo, đúng như lời BTC công chúng đã được thưởng thức giọng hát của NSND Quang Thọ, Hồng Vy, Hà Phạm Thăng Long ngay trên hè phố Lý Thái Tổ. Tuy đây không phải là không gian đạt chuẩn như trong các nhà hát sang trọng, nhưng bằng kỹ năng bậc thầy và giọng hát đẳng cấp của mình, các nghệ sĩ đã kết nối được với công chúng yêu nhạc đủ mọi thành phần đang nán lại trên hè phố Lý Thái Tổ.
NSND Quang Thọ hát thính phòng trên vỉa hè Lý Thái Tổ
Ai không muốn nghe nhạc, có thể ngước mắt lên vách tường nhà thờ cũ (nay là trụ sở NXB Âm nhạc) ngay kế bên để chiêm ngưỡng tác phẩm Đi qua mùa Đông của nghệ sĩ điêu khắc Phan Phương Đông. Trên vách tường nhà thờ cũ, tác giả cho treo hơn 20 bộ khung xe đạp (được Phan Phương Đông sưu tầm trong 3 năm) sơn hai màu chủ đạo là màu trắng và đỏ. Đoàn xe này như là một “vế đối” với đoàn xe đang chạy trên đường và gợi lên nhiều ý niệm cho người xem về một giai đoạn, một quá khứ và những thử thách chưa xa trong mỗi con người khi hoặc đang còn gắn với loại phương tiện giao thông này.
Chương trình giao hưởng Luala Concert Thu Đông 2011 sẽ kết thúc vào ngày 15/1/2012 (Chủ nhật) thay vì ngày 11/1/2011 như dự kiến ban đầu. Lý do được BTC đưa ra là “để Luala Concert có thể chia tay những khán giả đã yêu mến và ủng hộ chương trình thêm một chương trình cuối tuần được trọn vẹn”.
Và biết đâu, trong thời buổi văn hóa giao thông đang ngày một ách tắc, nan giải như hiện nay, khung xe đạp bay như đoàn tuần lộc của Phan Phương Đông trên nóc nhà thờ như là một lời nhắn nhủ: “Hãy nghĩ, hãy dùng những cái cũ để làm cho cái mới được tốt hơn lên?!” Hoặc cũng có thể đưa ra một ý niệm khác: Đoàn xe bay chỉ là “phương tiện” để những câu chuyện phía sau nó băng qua suốt chiều dài của không gian và thời gian, từ quá khứ đến hiện tại, tương lai và có thể không muốn dừng lại!?
Phan Phương Đông cho biết, anh sưu tầm hơn 20 khung xe đạp này trong vòng 3 năm. Anh tham gia “hội tụ nghệ thuật trên hè phố” lần này chỉ vì yêu và nhớ mùa Đông của Hà Nội (Phan Phương Đông hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM). Anh bảo, việc mang khung xe từ TP HCM ra không ngại, không sợ bằng ngại rét và sợ rét...
Từ nay, công chúng sẽ có cơ hội được tiếp cận với mỹ thuật ngay trên hè phố
mà không cần vào bảo tàng, gallery hay đến xưởng vẽ của họa sĩ
Bản giao hưởng màu sắc trên hè phố
Cùng với việc ra mắt tác phẩm Đi qua mùa Đông của Phan Phương Đông, dưới sân nhà XB Âm nhạc còn trưng bày những tác phẩm mỹ thuật mang chủ đề Giao hưởng cuộc sống của các tác giả Nguyễn Khắc Chinh, Trần Tuấn Nam, Nguyễn Hồng Phương và Đỗ Tuấn Hiệp.
Nếu như Nguyễn Khắc Chinh xuống phố bày tranh với những tác phẩm khắc họa chân dung một xã hội phù du ngày hôm nay thông qua những thân hình người phụ nữ bằng những bệt màu ghi và xanh làm chủ đạo thì Trần Tuấn Nam mang ra vỉa hè trưng lên bên cạnh những người chơi nhạc loạt tác phẩm về những người chơi đàn dây vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Trong khi đó, Nguyễn Hồng Phương lại “góp vui” bằng loạt tác phẩm trừu tượng rất khó để người hời hợt với mỹ thuật giải mã ý tứ gửi gắm của tác giả. Còn với Đỗ Hiệp thì khác. Hiệp tham gia Giao hưởng cuộc sống bằng loạt tác phẩm thể hiện nhiều cách vẽ khác nhau, “phảng phất” chất châm biếm về đề tài khác nhau của đời sống xã hội bằng chất liệu tổng hợp.
Tất cả những tác phẩm của 4 họa sĩ trẻ này cùng với Đi qua mùa Đông của Phan Phương Đông không chỉ là bản “giao hưởng của màu sắc” đơn thuần mà còn được “nâng đỡ”, bao bọc và chấp cánh bởi âm nhạc được chơi bởi dàn nhạc Luala trên hè phố, đang muốn xóa bỏ những rào cản giữa nghệ sĩ và người xem.
Bản “giao hưởng” còn cho thấy một sự khác (đa số) với các cuộc trưng bày khác ở chỗ nó không có giám tuyển mà chỉ có tinh thần “mang những thứ tưởng chừng như chỉ có thể chiêm ngưỡng trong bảo tàng, những thứ gợi lên cái gì đó rất nghiêm trang đến gần hơn với công chúng”. Nó cho thấy một xu hướng mới, mục đích mới đầy tính nhân văn là các nghệ sĩ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình mở rộng hơn nữa các hoạt động nghệ thuật, không gian nghệ thuật hướng tới công chúng và vì công chúng!
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất