Tchaikovsky - nhạc sĩ đồng tính vĩ đại (Bài 1)

13/12/2011 08:10 GMT+7 | Văn hoá

 

 

Sự “khác biệt” về giới tính không ngăn cản, thậm chí có thể còn là chất xúc tác của những tài năng lớn. Giới nghệ thuật quốc tế ghi nhận nhiều tên tuổi lớn của giới này vốn là người đồng tính. Chuyên đề tuần này khắc họa một số ít trong những tài năng “phi giới tính” ấy. (*)

(*) Xem từ TT&VH Cuối tuần số 47

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG

 

(TT&VH Cuối tuần) - Ai cũng biết về phương diện âm nhạc, Piotr Ilyich Tchaikovsky là một nhạc sĩ thiên tài. Nhưng vẫn còn những bí ẩn về con người ông chưa bao giờ được hé lộ công khai, nhất là ở khía cạnh tình cảm cá nhân. Đã có những chứng minh Tchaikovsky là một người đồng tính, và trên hết, đó là một nhạc sĩ đồng tính thiên tài.

Cái chết bí ẩn

 

Nhạc sĩ thiên tài Tchaikovsky

Năm 1980, nhà nghiên cứu âm nhạc Alexandra Orlova đưa ra giả thiết Tchaikovsky tự sát dựa theo lời kể của nhà sử học cao niên Alexander Voitov. Theo đó, Tchaikovsky là người đồng tính đã nhiều năm và ông có quan hệ với người cháu của Công tước Stenbock-Fermor. Thời đó, đồng tính ở Nga bị cấm, người nào mắc tội này phải chịu những hình phạt rất nặng như bị đày đến Siberia hay bị đánh bằng roi. Công tước Stenbock-Fermor nổi điên và đã viết một bức thư kể tội ông với Nga hoàng Alexander III. Bức thư được chuyển đến tay Nikolai Jakobi, công tố viên trưởng của Nghị viện Nga. Jakobi từng là bạn học của Tchaikovski tại trường luật ở St.Petersburg nên đã nghĩ ra một cách “danh dự” để cứu vớt danh tiếng của trường: Buộc nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Nga lúc bấy giờ phải tự vẫn.

Giả thiết này được một số học giả chấp nhận và được đưa vào từ điển New Oxford. Tuy nhiên, qua mấy lần tái bản, cuốn từ điển này vẫn phải chua thêm dòng chữ “chưa được kiểm chứng”. Trong khi đó nhiều nhà nghiên cứu không tin vào giả thiết của Orlova. Trong cuốn Những ngày cuối cùng của Tchaikovsky: Một công trình nghiên cứu tài liệu công phu, tác giả Alexander Poznansky cho rằng Stenbock-Fermor không phải là tên của một vị công tước mà là tên gọi một tòa án và không có người nào chuyển thư kể tội cho Nga hoàng Alexander III cả.

Về việc nhạc sĩ Tchaikovsky tự tử, để giữ uy tín cho trường luật, Poznansky biện bạch ngôi trường đó thật sự là nơi ăn chơi trác táng của các sinh viên nam có khuynh hướng đồng tính. Theo tác giả Poznansky, đời sống nghệ sĩ ở Nga thời đó là một chuỗi các cuộc tình đồng tính, những chai rượu sâm-banh, mốt thời thượng của St.Petersburg. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nga, giáo sư Richard Taruskin bình luận: “Hiện trạng đồng tính được coi là một sự phóng đãng và bỉ ổi. Nước Nga vẫn là một xã hội phong kiến cho đến năm 1861 và “những trò đùa giỡn của quý ông” (ý nói bệnh đồng tính) như vậy là trò chơi có từ lâu của các lãnh chúa”.

Trong các bức thư viết cho bạn bè, người thân, nhà soạn nhạc cảm thấy căm ghét bản thân vì thói đồng tính. Ông luôn lo lắng về trạng thái tâm sinh lý bất bình thường của mình hơn là lo học hành. Cuộc hôn nhân của ông với cô sinh viên Antonina Miliukova cũng chỉ là cái cớ để gạt bỏ “những niềm say mê nguy hại” và tạo sự tôn trọng giả tạo cho trạng thái này nên đã dẫn đến kết cục bi thảm cho cả hai người.

Có lẽ người nói gần đúng nhất về câu chuyện này là nhà phê bình âm nhạc Aleksandr Amfiteatrov, người sống cùng thời với Piotr Tchaikovsky: “Nếu hiểu đồng tính chỉ là sự thỏa mãn thô thiển những thèm khát tình dục thì hiển nhiên những tin đồn như thế là bịa đặt: Piotr Tchaikovsky không hề bị dính vào những chuyện như vậy. Sẽ là một việc khác nếu đó là sự đồng tính trong tư duy, hoàn toàn thoát tục. Khó có thể phủ nhận một thiên hướng như vậy ở ông!”. Chính Piotr Tchaikovsky cũng đã công nhận điều này, trong một lá thư viết cho người em trai Modest ngày 19/1/1877, một lá thư rất chân tình mà ông chẳng cần phải nói dối làm gì: “Tuy nhiên, anh cực kỳ xa lạ với ham muốn quan hệ thể xác. Anh sẽ cảm thấy rất ghê tởm nếu cậu thanh niên tuyệt vời đó lại hạ mình để có quan hệ thể xác với anh. Nếu thế thì thực là tệ bẩn và anh thực là sẽ rất kinh tởm bản thân mình. Anh đâu có cần như thế”.

Theo một số nhà nghiên cứu, sự đồng tính trong tâm tưởng của Piotr Tchaikovsky đã được nhà soạn nhạc vĩ đại tìm ra nguồn thỏa mãn trong chính thứ âm nhạc mà ông sáng tác: cực kỳ lãng mạn du dương, dịu dàng và thậm chí, đầy nữ tính, thứ âm nhạc đã giúp ông trở nên nổi tiếng.

Một cuộc đời không êm đềm

Piotr Ilyich Tchaikovsky sinh ngày 7/5/1840 trong một gia đình kỹ sư mỏ ở Votkinsk, gần núi Uran. Giống Schumann, nhà soạn nhạc đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông, Tchaikovsky đã từng học về luật một cách rất nghiêm túc trước khi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc thực sự của mình.

Một trong những mối tình nổi tiếng nhất của Tchaikovsky là khi ông quen biết và chơi thân với nhà thơ Aleksey Apukhtin. Những năm 1852 - 1859 cả hai học chung Trường cao đẳng Luật Sankt-Peterburg. Tchaikovsky từng sống một năm trong nhà của Apukhtin, hai người cùng đi du lịch ra nước ngoài, còn khi trở về Apukhtin sống ở nhà của Tchaikovsky. Tình bạn của Aleksey Apukhtin và Piotr Ilyich Tchaikovsky được người đời coi là tình cảm của những người đồng tính luyến ái, giống như Arthur Rimbaud và Paul Verlaine. Tuy nhiên cả hai đều muốn giấu kín chuyện ấy. Ngày nhận được tin Aleksey Apukhtin qua đời, Tchaikovsky viết cho nhà thơ Denis Vasilyevich Davydov: “Mặc dù không bất ngờ vì cái chết của Aleksey Apukhtin, thế mà tôi cảm thấy khiếp sợ và vô cùng đau đớn. Một thuở đấy là người gần gũi và thân thiết nhất của tôi”. Piotr Ilyich Tchaikovsky đã viết 6 khúc lãng mạn phổ từ thơ của Aleksey Apukhtin.

Ngôi mộ của Tchaikovsky tại nghĩa trang Alexander Nesii,
phía trên là hình ảnh của một thiên thần nam

Có rất nhiều sự giải thích về mối liên hệ giữa các tuyệt tác giao hưởng của Tchaikovsky với tình yêu đồng giới của ông. Nhưng được nhấn mạnh hơn cả, là bản Khúc phóng túng Overture trên chủ đề Romeo And Juliet, người truyền cảm hứng sáng tạo là Eduard Zak, một trong những người tình của ông, người đã tự tử vào năm 1873, và bản giao hưởng số 6 Pathetique, đề tặng cho Vladimir Davidov, người cháu họ của ông, cũng là người tình của ông trong thời gian dài tới cuối đời, sau đó đảm đương vai trò là người quản lý Bảo tàng Tchaikovsky, và cũng tự sát ở tuổi 35!

Năm 1877, Tchaikovsky đã vấp phải một sai lầm khi cưới một trong những học trò của mình, Antonina Ivanova Miliukova. Tchaikovsky, một người đa cảm quá mức, bất hạnh và luôn giấu kín bệnh đồng tính của mình, hy vọng rằng một cuộc hôn nhân đáng trân trọng với một học trò tôn kính thần tượng sẽ là một giải pháp khả thi cho cảnh ngộ khó khăn. Thật không may, ông đã chọn phải một phụ nữ không chỉ không thông minh, lại còn mắc chứng cuồng tưởng. Ông gặp cô Antonina tháng 5/1877, ba ngày sau xin cưới cô, tháng 7 làm đám cưới, đi tuần trăng mật ở St.Petersburg và tháng 9 chấm dứt cuộc hôn nhân buồn bã. Tchaikovsky nghĩ rằng việc kết hôn với Antonina Miliukova là một hành động nhằm ngăn chặn những lời đồn đại về quan hệ đồng tính của mình. Nhưng kết quả thật tai hại. Tchaikovsky đã phải chạy trốn người vợ của mình trong sự ghê sợ, thậm chí đã tìm đến cái chết bằng cách ngâm mình dưới băng giá của sông Moskva (để lại chứng viêm phổi). Không chết được, nỗi ám ảnh về căn bệnh đồng tính là nỗi ám ảnh đè nặng trái tim Tchaikovsky. Ông đành nhờ người anh trai là một luật sư đứng ra dàn xếp để Antonina Miliukova thuận tình sống ly thân nhưng không ly hôn. Thất bại của cuộc hôn nhân đẩy Antonina Miliukova vào tình cảnh đau khổ, rồi bị mắc chứng tâm thần và chết trong nhà thương điên.

Tchaikovsky đột ngột từ giã cõi đời lúc 6 giờ sáng ngày 25/10/1893. Ông được chôn trong nghĩa trang danh dự Alexander Nesii. Sinh mệnh ông chấm dứt đột ngột, nhưng những nhạc phẩm của ông cho đến nay vẫn được truyền bá rộng rãi trên thế giới và có một sức sống mãnh liệt.

Bài 2: Những mối tình u ẩn

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm