07/12/2011 10:49 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Sau khi tiến hành khai quật khoảng 100m2 dưới thềm rồng còn sót lại trong khu vực Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã tìm được một số hệ thống dầm, móng tường, nền gạch Bát Tràng, nền gạch vồ... mang đậm phong cách kiến trúc các thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn tại đây.
Hôm qua (6/12), Viện Khảo cổ học Việt Nam đã công bố những kết quả bước đầu về cuộc khai quật mở rộng tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Theo đó, các thông tin về kiến trúc của điện Kính Thiên – “hạt nhân” của quần thể Hoàng thành Thăng Long – đang dần được làm rõ.
1. Đây là cuộc khai quật mở rộng ra ngoài phạm vi khu vực Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Phạm vi khai quật là khu vực vẫn được coi là nền cũ của điện Kính Thiên – cung điện được xây dựng vào năm 1428 và luôn là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đại hậu Lê. Cuối thế kỷ 19, điện Kính Thiên bị người Pháp phá hủy và hiện chỉ còn lưu lại bậc thềm đá xanh và cặp rồng đá có trên 300 năm tuổi.
Phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – thành cổ Hà Nội, Viện Khảo cổ Việt Nam là đơn vị chính thực hiện cuộc khảo sát trong các tháng 10 và 11 vừa qua. Theo đó, 4 hố khai quật có diện tích từ 10 – 20 m2 và sâu từ 1 – 2,5 m đã được mở trên diện tích 100 m2 dưới chân hệ thống thềm rồng còn sót lại. Về cơ bản, các chuyên gia đã tìm được một số hệ thống dầm, móng tường, nền gạch Bát Tràng, nền gạch vồ... mang đậm phong cách kiến trúc các thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn tại 4 hố khảo sát này. Ngoài ra, một hệ thống các mảnh di vật đồ gốm, đồ sành sứ.. có niên đại trải dài từ thời Lê Sơ tới thời Nguyễn cũng được phát hiện.
Khu vực thềm rồng tại điện Kính Thiên trước khi bị phá bỏ vào cuối thế kỷ 19
(ảnh tư liệu)
2. Ngoài 4 hố khảo sát trên, phía khảo cổ cũng triển khai một hố khảo sát có độ sâu hơn 5m tại khu vực Hậu Lâu trong quần thể Hoàng thành Thăng Long và tìm thêm được một số móng tường có kiến trúc thuộc thời Nguyễn và thời Pháp thuộc. Các kết luận bước đầu từ Viện Khảo cổ cho biết: Rất có thể, hệ thống móng dầm này chính là móng cũ của điện Kính Thiên từ thời Lê Sơ như phỏng đoán ban đầu. Ngoài ra, sự phức tạp và đa dạng của hệ thống dấu vết di tích cũng phù hợp với việc điện Kính Thiên đã được tu sửa nhiều lần trong lịch sử. Riêng hệ thống bậc thềm rồng đá hiện còn lưu giữ là sản phẩm của những đợt tu sửa, nâng cao nền điện thành bậc thềm trong thời Lê Trung Hưng trước khi được trùng tu thêm 2 lần nữa trong thời Nguyễn.
Vì sự phức tạp của hệ thống di tích này, từ diện tích 100 m2 ban đầu Viện Khảo cổ Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất lên UBND TP.Hà Nội xin được tiếp tục mở rộng phạm vi khai quật tại khu vực được cho là nền điện Kính Thiên cũ trong thời gian tới. Cần nói thêm, kể từ năm 1954, khu vực này được sử dụng làm trụ sở chính của Bộ Quốc Phòng, sau đó được bàn giao lại cho UBND TP.Hà Nội để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất