Nhà thơ và nguyên mẫu "Dáng đứng Việt Nam" sẽ trở thành anh hùng

01/12/2011 14:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm qua 30/11, tại văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Văn hóa Văn nghệ và gia đình nhà thơ Lê Anh Xuân đã có buổi họp mặt thân mật giới thiệu cuốn Nhật ký Lê Anh Xuân vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ và trường ĐH KHXH&NV Hà Nội ấn hành.

Cuốn nhật ký được Lê Anh Xuân viết trong thời gian chiến đấu tại miền Nam. Ngoài những ghi chép thuộc về tình cảm cá nhân, còn có những ghi chép dưới dạng tư liệu dùng để viết báo, sáng tác văn chương của Lê Anh Xuân. Đọc cuốn nhật ký này, độc giả có thể biết được quá trình lao động để có tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Xuân ra sao.

Nhà giáo, nhà thơ ra trận

Nhà thơ Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, ông sinh năm 1940 tại Bến Tre. Bút danh của Lê Anh Xuân liên quan đến tình bạn và tình yêu của ông. Sinh thời, Ca Lê Hiến và cô Xuân Lan quen nhau từ thuở lên 10, học chung trong chiến khu thời chống Pháp. Sau này Ca Lê Hiến gặp lại Xuân Lan tại Hà Nội, hai người yêu nhau và đã hứa hôn.

Cô Xuân Lan là em nhà văn Anh Đức, nên bút danh Ca Lê Hiến đã dùng chữ lót của ba người đặt thành: Lê (Ca Lê Hiến), Anh (Anh Đức) và Xuân (Xuân Lan).

Ca Lê Hiến đang làm giảng viên môn sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và có một mối tình đẹp với cô Xuân Lan. Thế nhưng, ông lại xung phong vào chiến trường miền Nam vì nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhà báo Đinh Phong, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, bạn thân với Ca Lê Hiến, kể: “Thời điểm đó, có thông tin Bác Hồ muốn luyện tập đeo đá để Bác đủ sức khỏe vào Nam trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nghe được chuyện của Bác, Hiến nói: Bác còn muốn vào Nam thì trẻ như bọn mình không thể ở lại Hà Nội. Hiến và chúng tôi cùng nhau luyện tập đeo đá để vào Nam”.

Nhà thơ Lê Anh Xuân rời bục giảng lên đường vào Nam ngày 22/12/1964 và ông bắt đầu viết nhật ký từ đó. Cuốn nhật ký của Lê Anh Xuân được tìm thấy trong chiếc ba lô ông mang theo lúc hy sinh ở ven đô Sài Gòn ngày 24/5/1968 trong đợt 2 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Sát cánh với Lê Anh Xuân trong giờ phút cuối cùng có nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Chính Lê Văn Thảo đã tìm thấy cuốn nhật ký Lê Anh Xuân và nộp lại cho nhà thơ Bảo Định Giang, Giang Nam... đang lãnh đạo văn nghệ khi đó. Hiện bản gốc cuốn nhật ký này lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre. Sau ngày vừa thống nhất đất nước, chính Lê Văn Thảo là người đi tìm mộ Lê Anh Xuân.

Nhà thơ và nguyên mẫu sẽ nhận danh hiệu Anh hùng

Ông Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ĐH Tổng hợp từ Hà Nội vào chia sẻ: “Hình ảnh Lê Anh Xuân in đậm trong tâm trí những người Khoa sử chúng tôi. Khi biết tin cuốn sách nhật ký này xuất bản, nhiều người đã tìm tôi nhờ mua giúp. Sau bao nhiêu năm, hình ảnh thầy giáo trẻ Ca Lê Hiến vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức mọi người ở ĐH Tổng hợp Hà Nội”.

NSƯT Ca Lê Hồng, GS Ca Lê Thuần - chị và anh ruột nhà thơ Lê Anh Xuân - rưng rưng lắng nghe những lời ông Vũ Thanh Tùng nói.

Tháng 8/2010, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức cuộc hội thảo để tập hợp tài liệu đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng cho nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân. Tháng 5/2011, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng có cuộc tọa đàm nhân ngày giỗ của Lê Anh Xuân. Hiện nay, giới viết văn chỉ có nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, danh hiệu anh hùng với nhà thơ Lê Anh Xuân sẽ được trao tặng trong thời gian tới. Và Lê Anh Xuân sẽ trở thành người vừa là nhà thơ vừa là nhà giáo nhận được danh hiệu này.

Bút tích nhà văn Lê Văn Thảo trong nhật ký Lê Anh Xuân

Dòng cuối cùng trong nhật ký, Lê Anh Xuân viết ngày 23/5/1968. Ngày hôm sau (24/5/1968), nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh, tuy nhiên, trong cuốn nhật ký vẫn được viết tiếp: “Hôm nay là ngày Hiến hy sinh. Khoảng trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM. Lạ thật. Đến tối, Thảo và anh em chôn Hiến ở ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước”. Những dòng chữ viết thêm này là do nhà văn Lê Văn Thảo ghi.

Trở lại bài thơ Dáng đứng Việt Nam, nhà báo Đinh Phong cho biết thêm: “Sau này có nhiều người nhận rằng bài thơ Dáng đứng Việt Nam là viết về đơn vị mình. Sự thật thì, bài thơ này Lê Anh Xuân viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Mao - Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 6 Bình Tân, hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1966”.

Nhà báo Đinh Phong khẳng định: “Bài thơ có câu: Anh tên gì hỡi anh yêu quý, vì lúc đó không ai biết người hy sinh ở tư thế đứng bắn trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1966 tên gì. Mãi sau tra lại mới biết anh tên Nguyễn Văn Mao, nên Lê Anh Xuân mới viết câu thơ như thế vào năm 1968”.

Cũng theo nhà báo Đinh Phong: “Tiểu đoàn 6 Bình Tân được phong anh hùng có sự đóng góp của hai nhà văn: Nguyễn Thi và Lê Anh Xuân. Nguyễn Thi trực tiếp cầm súng chiến đấu ở Tiểu đoàn 6, còn Lê Anh Xuân có Dáng đứng Việt Nam viết về một liệt sĩ của tiểu đoàn này”. Được biết, nhà văn Nguyễn Thi cũng được đề nghị truy phong anh hùng vào thời gian tới.

Vậy còn nguyên mẫu Nguyễn Văn Mao trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam có được truy phong anh hùng không? Vì liệt sĩ Nguyễn Văn Mao đã hy sinh anh dũng, trở thành một huyền thoại khiến nhà thơ viết nên Dáng đứng Việt Nam. Theo tiết lộ của nhà báo Đinh Phong: “Bài Dáng đứng Việt Nam có tên ban đầu là Anh giải phóng quân, khi đưa in báo được nhà văn Anh Đức sửa lại thành tên gọi như bây giờ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Mao cũng đã được đề nghị truy phong anh hùng và sẽ nhận danh hiệu này cùng đợt với Lê Anh Xuân”.

Trạc Tuyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm