30/11/2011 10:37 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Có thể nói Bỉ vỏ đã là “tác phẩm nằm lòng” của nhiều thế hệ người xem, từ sách, phim, cải lương, truyền hình cho tới kịch nói. Phiên bản Bỉ vỏ - Cô gái ăn cắp (KB-ĐD: NSND Doãn Hoàng Giang) vừa tái công diễn tại sân khấu Kịch Hồng Vân, TP.HCM với một vài thay đổi về dàn dựng, tăng tính hài hước, nhưng lại đi hơi xa tinh thần câu chuyện và chưa thật hiệu quả như các bản dựng trước đây.
Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) để lại một văn nghiệp đồ sộ, nhiều đóng góp, mà Bỉ vỏ là tác phẩm đầu tiên. Do từ nhỏ lăn lộn trong giới giang hồ, vào tù ra khám, nên ông được mệnh danh là “vua tiếng lóng”. “Bỉ vỏ” là từ lóng để chỉ “người đàn bà móc túi”. Trong tác phẩm này Nguyên Hồng dùng khá nhiều và khá đắc địa nhiều từ lóng như mõi (móc túi), kỳ bẽo (cờ bạc), sò quỷnh (người nhà quê), đông địa (nhiều tiền)... Ví dụ như câu: “Sò quỷnh đông địa tranh vòm” thì phải được hiểu “gã nhà quê giàu có vừa vào quán”. Nhưng những điều này gần như không được chuyển tải vào vở kịch vừa tái diễn.
Dàn trải, không rõ mảng miếng
Khi được hỏi về khoảng cách giữa văn học và kịch nói, NSND Doãn Hoàng Giang từng cho biết: “Thời lượng một vở diễn buộc người làm sân khấu phải biết chọn những nhân vật, những chi tiết đắt nhất, tiêu biểu nhất của tác phẩm. Vì vậy, tôi chủ trương trung thành với tính cách các nhân vật, còn các tình huống có lẽ phải thay đổi chút ít cho thú vị hơn và cũng để phù hợp với người xem hôm nay”. Suất diễn lúc 20h30 ngày 26/11 vừa qua đã cho thấy nhiều thay đổi về tình huống như đạo diễn đã nói.
Tuy nhiên, những tình huống này lại chưa làm rõ được mảng miếng chính phụ, nên chưa khắc họa được thân phận hay tính cách của các nhân vật chính. Bản dựng có một vài nhân vật dễ phát triển thành thân phận trung tâm, như vai của Lan Phương (Tám Bính), Đức Thịnh (Năm Sài Gòn), Hòa Hiệp (Tư Lập Lơ), Xuân Trang (Chín Hiếc), Tiến Thành (A Xìn)… nhưng chưa có vai nào thật rõ nét. Đó là chưa nói vở này còn khoảng 15 diễn viên khác như Thanh Duy, Hoàng Thy, Hồng Ngọc, Việt Cường, Huỳnh Ngân… mà nhiều vai trong số này khá rõ thân phận, nên sự phân tâm của khán giả càng lớn khi tuyến chính mờ nhạt.
Cái cảm giác dàn trải, ít tập trung đã làm cho suất diễn đêm 26/11, vốn đã dài (khoảng 150 phút), càng có cảm giác lê thê hơn. Hy vọng điều này sẽ được điều chỉnh trong các suất kế theo.
Vai Chín Hiếc “đầu bạc” của Xuân Trang là nguồn cơn của các xung đột trong Bỉ vỏ - Cô gái ăn cắp. |
Đoàn Cải lương Quảng Ninh từng đoạt HCV năm 1990 cho vở Bỉ vỏ của Doãn Hoàng Giang; vở cải lương này sáng đèn liên tục trong 10 năm, lâu lâu vẫn còn tái diễn. “Ở sân khấu cải lương, tính kịch bị dàn trải bởi âm nhạc, phải dành thời lượng cho ca hát đồng thời lời lẽ đượm màu lả lướt, còn ở kịch nói, tính kịch chặt chẽ, bạo liệt, sôi động hơn”, ông Giang từng phân tích.
Trong phiên bản lần này, sự bạo liệt gần như bị thay thế bởi chất hài được tỏa ra từ cách diễn của Xuân Trang, Tiến Thành, Diệp Tiên, Minh Dũng… Ngay cả cách diễn của đại ca Năm Sài Gòn và tay anh chị Tư Lập Lơ cũng khá nhiều miếng hài, dễ thấy nhất là cảnh Năm Sài Gòn cầu hôn Tám Bính.
Cũng xin nhắc lại, Bỉ vỏ từng khá thành công tại Kịch Phú Nhuận, có lẽ đây là áp lực cho bản dựng lần này, nên chất hài được gia cố mạnh để đổi hương vị? Có thể đạo diễn muốn nhấn mạnh vào cá tính lãng mạn, thường nhút nhát trước phụ nữ của Năm Sài Gòn, nên mới khắc họa thật nhiều sự ngượng ngùng, bối rối? Và biết đâu, sau 4-5 suất diễn, khi đường dây đã chạy suôn sẻ, chính lớp diễn này sẽ làm nên sự tươi mới, dễ gần cho nhân vật Nam Sài Gòn?
Thế nhưng, trong bối cảnh giang hồ chợ búa, mà tinh thần của tác phẩm là phê phán xã hội, tất cả các câu hỏi trên dường như khó thuyết phục người xem “cười” với số phận của Tám Bính và cuộc đời giang hồ của Năm Sài Gòn. Cho nên, chất hài ở đây rất cần tiết chế cho thật tinh tế, thì các lớp diễn mới thật đắt.
Cảnh vui vẻ trong đám cưới, mà ngay hôm đó, Năm Sài Gòn bị bắt đi tù,
đẩy Tám Bính vào sự khốn cùng miên viễn
Vài điểm sáng
Không hổ danh là mảnh đất của diễn viên trẻ khi vở này được bà bầu Hồng Vân gần như giao toàn bộ sân khấu cho họ (hơn 20 người). Ngoài Đức Thịnh và Lan Phương đã khá tròn vai, người xem bất ngờ với cách diễn vai ác vừa lạnh lùng vừa tưng tửng của Xuân Trang. Vai Chín Hiếc đã phác họa được tính cách vùng miền của một gã giang hồ ma mảnh, tay trong chân ngoài, “không vì mình trời tru đất diệt”.
Cũng xin nói thêm, có thể nói Xuân Trang là nghệ sĩ “nằm vùng” của Kịch Hồng Vân trong nhiều năm qua. Gần đây, Xuân Trang đã cho thấy sự nhẫn nại nằm vùng của mình là có lý khi sáng đèn thành công vở Oan gia (đồng ĐD với Diệp Tiên) và sắp sửa là vở Người sói (KB và ĐD).
Thêm một điểm sáng khác trong Bỉ vỏ - Cô gái ăn cắp là vai diễn của Tiến Thành (A Xìn), anh đã chứng tỏ được sự phát triển nghề diễn của mình. Dù chưa thật nhuần nhuyễn, nhưng Tiến Thành đã diễn tả được sự đồng bóng, đanh đá của một tay chủ chứa.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất