28/11/2011 10:58 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Chiều 26/11, Pilar Alessandra đặt chân tới TP.HCM để chuẩn bị cho khóa học viết kịch bản đúng tiêu chuẩn Hollywood khai mạc hôm nay (28/11), kéo dài 3 ngày. Khóa học này do Công ty Ngôi nhà tri thức (H.O.W.) tổ chức, diễn ra tại Cơ quan đại diện TTXVN (116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) với khoảng 100 học viên.
Tại Hollywood, bà Pilar Alessandra được sánh ngang với các tên tuổi lớn như Syd Field, Robert Mckee, Ellen Sandler, Michael Hauge và Linda Seger… về giảng dạy viết kịch bản phim. Hãng phim danh tiếng DreamWorks mời Pilar làm trưởng bộ phận phân tích kịch bản. Bà cũng từng làm chuyên gia cao cấp về điều này tại các hãng phim như The Robert Evans Company, Cineville Entertainment, Handprint Entertainment, Saturday Night Live Studios, Interscope Communication và Radar Pictures…
Biên kịch thường dễ bị ép
* Thưa bà, hiện nay tại Việt Nam, người ta hay than vãn rằng lối tư duy kịch bản của phim truyền hình đang giết chết phim điện ảnh, ở Mỹ vấn đề có xảy ra không?
- 5 năm trở về trước, đây cũng là mâu thuẫn của nền điện ảnh Mỹ, nhưng bây giờ đã khác, khi truyền hình đang có những kênh rất hùng mạnh như HBO, nơi mà ranh giới thể loại đang bị xóa nhòa.
Trong bối cảnh đang có quá nhiều phương tiện hữu hiệu để truyền tải điện ảnh thì các nhà sản xuất và biên kịch cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm đến nhau. Nhiều nhà sản xuất điện ảnh mê truyền hình và ngược lại, nên các nhà biên kịch tại Mỹ phải chuẩn bị nhiều kĩ năng để “đá chéo sân”.
Tuy thực tế ở Mỹ hiện nay là vậy, nhưng tôi biết câu hỏi của bạn rất xác đáng cho các nền điện ảnh đang chuyển mình, trong đó có Việt Nam. Cho nên khóa học của tôi - dù khá chi tiết về giáo trình - nhưng tập trung giải quyết hai vấn đề chính: Giúp học viên vượt qua các trở ngại thường gặp trong việc chuyển ý tưởng của mình thành kịch bản hoàn chỉnh; Giúp họ thay đổi tư duy để nhìn thấy nhiều cơ hội hơn với ngòi bút của mình, bởi trên thế gian này đâu chỉ có kịch bản cho điện ảnh, mà còn kịch bản truyền hình, sự kiện, phim trực tuyến, các cuộc thi… Việc nào cũng có thể đưa tên tuổi của ta đến với công chúng và tìm kiếm những hợp đồng lớn hơn, đúng đam mê hơn.
Pilar Alessandra tại TP. HCM.
* Vậy thì theo bà, kịch bản quan trọng với phim truyền hình hơn hay phim điện ảnh hơn?
- Không phải vì tôi dạy về kịch bản mà nói điều này, mà khách quan cho thấy kịch bản luôn luôn giữ vai trò chính và quan trọng hơn, bất kể đó là truyền hình hay điện ảnh. Một đạo diễn xịn luôn tìm ra được cái thần của kịch bản hay, nhưng với một kịch bản tồi, thì chẳng thể nào tìm ra được, vì nó đâu có cái thần ấy, nên phim sẽ rất chán.
* Kịch bản quan trọng như vậy, thế nhưng, khi công bố một dự án phim mới, người ta hay nói tới đạo diễn, diễn viên, hơn là người viết kịch bản. Ngay cả kinh phí đầu tư cũng thế, dành cho kịch bản khá ít, nếu so với các bộ phận khác. Theo bà, tại sao có sự lơ là này?
- Đây là một câu hỏi then chốt mà nhiều nền điện ảnh, trong đó có Hollywood, chưa thể trả lời rốt ráo được. Cuối thế kỷ 20, Hollywood còn dám bỏ tiền triệu ra trả cho các nhà biên kịch tài danh, 10 năm gần đây thì người ta trả khá thấp, nên 4 năm trước tại đây mới có cuộc đình công lớn.
Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, vì các nhà sản xuất luôn muốn kiếm lời, nên từng bộ phận họ đều muốn trả mức thấp nhất, mà biên kịch thì thường “dễ ép” nhất, vì nhà văn vốn nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm trong việc nói đến tiền. Hơn nữa, khi người ta có nhiều phương tiện và kỹ xảo để làm phim, tâm lý chung sẽ nghĩ kịch bản không mấy quan trọng, nên lơ là trong việc đầu tư, kết quả là hiện nay chúng ta có khá nhiều phim hoành tráng, nhưng cốt truyện thì khá khiêm tốn, vụn vặt.
Thích Mùi đu đủ xanh, háo hức với Bi, đừng sợ
* Có thể đến 90% số đạo diễn Việt Nam không thích dùng kịch bản của người khác, điều này thường làm cho phim của họ bị đánh giá là không sâu sắc, thiếu mạch lạc về câu chuyện. Để khắc phục điều này cần làm gì?
- Bên Mỹ cũng vậy, trong các dự án phim độc lập, đạo diễn luôn tự viết kịch bản để tiết kiệm kinh phí, để bảo vệ ý tưởng và các chi tiết của tác phẩm. Các công ty lớn thì thường tách bạch các bộ phận, riêng kịch bản phải qua tay nhiều người góp ý, thẩm định. Tôi cho rằng mỗi công ty sẽ có cách làm việc của riêng mình, tách bạch hoặc kiêm nhiệm đều được, miễn là hiệu quả. Nếu các đạo diễn muốn tự viết kịch bản thì phải chịu khó tìm hiểu về kỹ thuật này.
Tôi từng xem Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng - một phim nghệ thuật, kiêm nhiệm kịch bản và đạo diễn - tôi thích cách anh ta dàn dựng các chi tiết. Có lẽ do tự viết kịch bản nên anh ta mới đạt đến những chi tiết vi tế như thế; một hiện thực như anh ta muốn chứ không phải như thực tế vốn có.
Tôi cũng sắp được xem Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di, một phim cũng theo cách thức kiêm nhiệm này, thật háo hức.
* Nhiều nhà biên kịch của Việt Nam muốn tìm kiếm các cơ hội của mình tại Hollywood, bà nghĩ điều này có thể làm được không?
- Viết kịch bản như Hollywood, được thôi! Hãy đến lớp của tôi thì sẽ thấy nó chẳng có bí mật gì ghê gớm (cười). Thời Internet, cơ hội cho mọi người khá nhiều, quan trọng là tài năng và sự xông xáo của mọi người đến đâu mà thôi. Xin đừng tự ti khi bạn đang ở Việt Nam, vì tại Mỹ số biên kịch không kiếm được việc cũng khá nhiều, bởi vì kịch bản hay lúc nào cũng hiếm.
Bìa cuốn The Coffee Break Screenwriter. Ngoài trung tâm đào tạo kịch bản nổi tiếng On The Page, Pilar Alessandra còn có tác phẩm The Coffee Break Screenwriter (Viết kịch bản trong lúc cà phê) bán chạy, được độc giả xa gần hoan nghênh. Tác phẩm sẽ được xuất bản tại VN trong thời gian tới.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất