01/11/2011 15:00 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Anh không về dù đã hẹn mùa Xuân là câu mở đầu ca khúc Người trễ hẹn mùa Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Nam phổ thơ của người đồng hương Cao Quảng Văn. Tết và mùa Xuân năm nào cũng lại đến, nhưng mùa Xuân tới, Nguyễn Nam không còn nữa.
Nhạc sĩ Nguyễn Nam - Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM đã qua đời lúc 9g20 ngày 31/10/2011 (nhằm ngày mùng 5/10 năm Tân Mão) tại nhà riêng, hưởng dương 59 tuổi. Dù sinh thời, Nguyễn Nam vẫn phải sống chung với bệnh tật hiểm nghèo, nhiều lần “thập tử nhất sinh”, nhưng không ai lại nghĩ ông ra đi đột ngột như thế.
Nhạc sĩ của mùa Xuân
Nhạc sĩ Nguyễn Nam. Ảnh: Hương Trà
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Nam, người yêu nhạc dường như thuộc nằm lòng nhiều bản tình ca tuyệt đẹp của ông. Ca khúc Tình ca cho em được Nguyễn Nam và nhà thơ Phan Vũ cùng viết lời, làm say mê bao người: Tình yêu là chiếc lá xanh là những đám mây bồng bềnh trong nắng/ Tình yêu là những cánh chim là tiếng hát em trong xanh êm đềm... Ngay cả khi viết về một địa danh cụ thể, chất “tình ca” trong Nguyễn Nam vẫn toát lên: Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm/ Mái chèo khua nhẹ tựa sống vỗ lòng anh/ Mê say em hát, mắt sáng long lanh/ Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành... - (Dòng sông và tiếng hát).
Mỗi dịp Xuân về, trong các chương trình ca nhạc phát trên truyền hình hay các băng, đĩa chủ đề mùa Xuân, thể nào nhạc sĩ Nguyễn Nam cũng đóng góp một vài tác phẩm. Bởi Nguyễn Nam là một trong số ít nhạc sĩ cùng thế hệ với ông viết khá nhiều về mùa Xuân, mà bài nào cũng được phổ biến rộng rãi, như: Dịu dàng sắc Xuân, Hoa Xuân trên phố, Mùa Xuân sang, Mùa Xuân yêu thương em được đến trường, Người trễ hẹn mùa Xuân... Nhạc sĩ Nguyễn Nam sáng tác nhiều về mùa Xuân cũng do đặc thù công việc khi ông phụ trách mảng ca nhạc của HTV. Vì mỗi độ Xuân về, không lẽ HTV cứ phát đi phát lại một vài bài hát về mùa Xuân quen thuộc hoài, nên Nguyễn Nam phải chấp bút.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, người có bài thơ Xuân được Nguyễn Nam phổ nhạc, chia sẻ: “Đi tìm sức sống mới cho các ca khúc hát về mùa Xuân vẫn là trăn trở của nhiều nhạc sĩ. Chẳng lẽ, cứ mỗi dạo Xuân về, cứ “đến hẹn lại lên” là những giai điệu, ca từ đã quá quen thuộc với công chúng? Nhưng để một ca khúc mới đi vào lòng người là điều không dễ dàng. Phải qua thử thách của cái gu công chúng, phải qua sàng lọc khắc nghiệt của thời gian”.
Nhạc sĩ Nguyễn Nam đã đặt hàng nhà thơ Lê Minh Quốc viết “một cái gì đó” về mùa Xuân để ông phổ nhạc. Lê Minh Quốc kể: “Cũng vào khoảng cuối năm như thế này, tôi viết bài thơ Giao mùa và đưa cho anh Nguyễn Nam. Bẵng đi một thời gian dài, chừng vài năm sau, gặp nhau tại quán phở bà Dậu, anh đưa tôi một xấp tiền và bảo: “Tác quyền thơ của Quốc”. Tôi hỏi: “Ủa? Bài thơ đã phổ nhạc và đã hát rồi à?”. Anh cười khì khì: “HTV phát sóng ầm ĩ, băng đĩa nhạc ra ào ào, bộ Quốc không biết à?”. Mà quả thật, tôi không biết. Bài thơ Giao mùa phổ thành ca khúc Hoa Xuân trên phố đã trở thành “gạch nối” giữa một tình bạn của tôi và anh”.
Lê Minh Quốc ngậm ngùi: “Sáng nay, nghe tin anh mất, tôi đã nghe lại ca khúc này qua giọng hát của ca sĩ Đan Trường: Tháng Giêng đến sớm/ Lộc nõn như em/ Em thơm như lá/ Biêng biếc môi mềm/ Anh như ngọn cỏ/ Lan man ngoài thềm/ Sáng mai rạo rực/ Chờ gót hài sen...”. Nghe xong, khác hẳn mọi lần, lòng buồn rười rượi. Và tôi nhủ thầm: “Xin chào anh. Anh đã về đến tuyệt lộ. Vậy là xong một đời người”.
Hết lòng với âm nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Nam sinh ngày 25/2/1953 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Họ và tên thật của Nguyễn Nam giống với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã làm lại giấy khai sinh.
Linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Nam được quàn tại nhà riêng, số L36 đường số 7, khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 5g, lễ động quan diễn ra lúc 6g ngày 3/11, lễ an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. Đêm chia tay nhạc sĩ Nguyễn Nam diễn ra lúc 20g tối 2/11 với sự quây quần của các nhạc sĩ, ca sĩ, bạn bè thân hữu của nhạc sĩ Nguyễn Nam, ngay tại nơi quàn linh cữu ông.
Trước năm 1975 tại miền Nam, Nguyễn Nam được biết đến như một trong những sinh viên - nhạc sĩ tham gia tích cực vào phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, với ca khúc: Thư gửi người em gái Sài Gòn... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, cho biết: “Nhạc sĩ Nguyễn Nam là một trong những nhạc sĩ hát hay nhất trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định thời đấu tranh chống Mỹ, lúc bấy giờ anh đang là sinh viên Trường ĐH Vạn Hạnh và ĐH Văn khoa Sài Gòn”.
Nguyễn Văn Hiên hồi tưởng: “Những năm tháng khi đất nước mới giải phóng, còn khó khăn trăm bề, nhưng lại có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Những đêm đến với TNXP, đến với trí thức, đến với học sinh, sinh viên, nhạc sĩ Nguyễn Nam luôn có mặt bên cạnh các anh: Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, bác sĩ - nhạc sĩ Trương Thìn... với những ca khúc nóng bỏng tình yêu cuộc sống”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: “Nguyễn Nam viết không nhiều, có lẽ một phần do tập trung thời gian cho công tác quản lý ở đài. Tuy vậy, đôi lúc anh cũng cố gắng sắp xếp tham gia với anh em trong những chuyến đi xa, những đêm hát bên ánh lửa rừng Tây Nguyên với anh em TNXP, những chuyến đi thực tế sáng tác ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên... về miền Trung với Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn... Cách đây vài tháng anh còn hứa đi Đắk Nông để sáng tác. Bài hát sắp tới chắc chắn không có rồi! Nhưng tôi biết anh cũng còn một bài đã viết cho thiếu nhi Đắk Nông: Ở Đắk Nông nghe em hát. Hy vọng sẽ giới thiệu bài hát này trong chương trình “Vì người nghèo - Nghĩa tình Đắk Nông” (đêm 18/3/2012) như tấm chân tình của một nhạc sĩ suốt đời hết lòng vì âm nhạc”.
Trạc Tuyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất