30/10/2011 09:02 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (1959) - con trai họa sĩ Hoàng Lập Ngôn - đã mất hồi 2h sáng 27/10, tại Hà Nội. Lễ viếng từ 7h đến 9h sáng thứ Hai 31/10/2011 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng. TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.
Nếu như ở phương Tây, họa sỹ có thế hoàn thành sự nghiệp ở tuổi 37, 50 rồi lên trời hoặc làm việc khác, thì ở Việt Nam, họa sỹ mất rất nhiều thời gian về cơm áo gạo tiền, rồi rượu chè, tán phét, nhìn lại sự nghiệp chả được bao nhiêu. Những thế hệ gần đây đã chuyên sâu hơn, quăng mình vào hàng chục thước tranh trong một năm, vài ba năm họ có thể vẽ tới hàng trăm bức.
Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Hoàng Hồng Cẩm thuộc về thế hệ cũ những năm 1990 - thế hệ người ta gọi là thời Đổi mới, nhưng gần đây rất nhiều người cho rằng hội họa lúc đó trùng hợp với công cuộc Đổi mới, còn bản chất nó vẫn thế, nhưng Nguyễn Tư Nghiêm chẳng hạn, không thể nói ông là kết quả một biến động xã hội nào. Là con trai của lão họa sỹ quá cố Hoàng Lập Ngôn, Cẩm sinh năm 1959, dường như không thừa hưởng chút nào nghệ thuật và tuổi thọ của cha mình, có chăng là khả năng vẽ nét rất đẹp và sự ham chơi. Nhưng ngay cả sự chơi so với ông Ngôn, Cẩm cũng chẳng là gì.
Ở tuổi 90, nếu có người rủ đi xa hàng trăm cây số, ông Ngôn đi được luôn, không cần chuẩn bị gì. Cái chơi của Cẩm chỉ là vẽ nhăng cuội, đánh đàn piano và guitar, uống rượu và nói năng bộc phát. Nhưng chính những cái đó làm nên tư chất họa sỹ của Cẩm, người không có ý định thành danh, không nghĩ đến phong cách riêng, tất nhiên là cả đời sống cá nhân cũng kệ nó luộm thuộm, Cẩn khá sâu sắc trong từng bức họa chất lượng không đồng đều.
Ban đầu, người ta thấy tranh Hoàng Hồng Cẩm hơi giống Đặng Xuân Hòa, chỗ này chỗ kia hơi Trần Trọng Vũ, nhưng đó chỉ là vẻ ngoài thoáng qua. Cẩm có tư chất riêng, cẩu thả và cẩn thận theo cách riêng, không quá trau chuốt, cái rất khác hai người bạn trên của mình. Tôi từng viết cho Cẩm rằng: Họa sỹ là người dám vẽ xấu.
Tranh Hoàng Hồng Cẩm. Ảnh Soi
Lúc đó anh không hiểu, tợp vài cốc rượu rồi than rằng cái ông này nói năng linh tinh, chả hiểu sao lại bảo mình dám vẽ xấu. Thực ra bi kịch của các họa sỹ trẻ lúc đó và có thể ngay cả bây giờ là đuổi theo cái đẹp, vẽ cho đẹp, điều mà sau này dẫn đến kết quả vẽ càng đẹp, tranh càng xấu. Tranh tất nhiên là phải đẹp nhưng nó là quá trình theo đuổi đời sống nhân văn, không phải là quá trình vẽ cho đẹp. Những tranh chân dung và tĩnh vật của Cẩm luôn rất đằm thắm trong sáng. Họa sỹ lược bỏ hầu hết các chi tiết để nắm bắt một cấu trúc hình trong tranh và bố cục đồng thời, màu sắc hoặc hòa nhập vào cấu trúc đó, hoặc tô vẽ cho vui một cách tách biệt. Tôi cũng không biết Cẩm vẽ được nhiều hay ít, nhưng bức nào trông thấy đều xem được.
Mấy ngày trước, Cẩm qua đời sau một thời gian ốm đau. Anh cũng như nhiều nghệ sỹ khác chết vì rượu - Văn Cao, Thái Bá Vân, Trọng Kiệm... đều uống nhiều ăn ít cho đến khi gan thận hết tác dụng. Đôi khi tôi tự hỏi họ uống rượu vì chán đời hay vì cái gì, song chắc chắn họ biết họ đã sống cho niềm vui nghệ thuật và đặt vào ngôi nhà nghệ thuật một viên gạch vô danh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất