17/10/2011 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - 20h ngày 18/10 tại Nhạc viện TP.HCM sẽ khai mạc Piano Festival 2011 do Nhạc viện TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Nhạc viện. Festival sẽ diễn ra trong vòng 6 ngày, từ 18 - 23/10. Ngoài các nghệ sĩ Việt Nam còn có các nghệ sĩ đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Đây là festival piano quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam, được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã gửi thư chúc mừng và “đánh giá cao nỗ lực của Nhạc viện TP.HCM, BTC trong công tác tổ chức, quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng từ các nước đến tham dự Festival quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM”.
Mục đích của festival là nhằm “tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm và phát triển kỹ năng chuyên môn cho các nghệ sĩ, sinh viên piano, giới hoạt động và hâm mộ âm nhạc cổ điển”, góp phần xây dựng văn hóa đỉnh cao của TP.HCM và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Nhạc viện TP.HCM với các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước.
TT&VH có cuộc trao đổi với nghệ sĩ Lê Hồ Hải, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành biểu diễn piano tại Pháp, Quyền Trưởng khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM, chuyên gia phụ trách nghệ thuật của Piano Festival 201l.
* Anh có thể cho biết về sự chuẩn bị của Piano Festival 201l?
- Đây là festival piano chuyên nghiệp mà Nhạc viện TP.HCM ấp ủ từ lâu, nay mới thực hiện được. Ý tưởng thì đã có từ nhiều năm và để có được festival như sắp diễn ra, BTC đã khởi động suốt một năm nay. Nhạc viện đã huy động toàn bộ nhân lực, cơ sở vật chất của mình và phải tốn một khoản kinh phí lớn, vừa của cơ sở đào tạo vừa của các nhà tài trợ. Theo tôi biết, thì đây là festival piano chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mang tầm vóc quốc tế.
2 đêm Piano Concert (21 và 23/10) do các giảng viên và nghệ sĩ khách mời biểu diễn. Đêm Young Pianist (22/10) do HS-SV piano xuất sắc của Việt Nam và các pianist trẻ quốc tế biểu diễn. 3 đêm biểu diễn, tiết mục kết thúc chương trình mỗi đêm đều là hòa tấu piano 8 tay (do 4 nghệ sĩ cùng trình tấu) trên 2 cây đàn piano đắt giá nhất hiện nay. Hứa hẹn sẽ là những tiết mục đặc sắc của festival.
* Anh đánh giá như thế nào về chất lượng nghệ sĩ tham gia festival lần này?
- Những nghệ sĩ tham gia cũng là những nghệ sĩ đã từng cộng tác với Nhạc viện TP.HCM, họ là những nghệ sĩ giỏi, có khả năng chuyên môn rất cao. Đến với festival có nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều trường phái piano khác nhau như: trường phái Nga, Mỹ, Pháp, châu Âu... họ là những nghệ sĩ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế hoặc đang là trụ cột của các cơ sở đào tạo, biểu diễn âm nhạc.
* Là người từng du học ở Pháp và tiếp xúc với những festival piano quốc tế, theo anh festival lần này chúng ta đang theo “mô hình” tổ chức nào?
- Tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình festival piano trên trên giới. Nói chung, thường có 2 cách: mời nghệ sĩ lớn đến để biểu diễn và mời nghệ sĩ lớn đến biểu diễn kết hợp với hoạt động sư phạm. Festival piano lần này theo phương cách thứ hai. Nghĩa là trao đổi, giao lưu nhằm học hỏi kinh nghiệm chuyên môn thông qua biểu diễn và mở rộng nâng cao kiến thức qua các sinh hoạt chuyên đề.
Piano Festival sẽ trở thành biểu tượng văn hóa của TP. HCM?
* Lần đầu tổ chức, theo anh có những khó khăn nào cần khắc phục cho lần sau và festival này có trở thành định kỳ?
- Những gì mà BTC đề ra trong dự án là rất cao, nhưng có cân nhắc trong khả năng có thể thực hiện được, cho đến giờ này, chúng tôi rất hài lòng. Lần đầu tổ chức thì gặp muôn vàn khó khăn, nhưng BTC đã nhận được sự ủng hộ của nhiều ngành, nhiều giới và đặc biệt là sử ủng hộ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Huế. Ngoài ra còn có nhiều nghệ sĩ là giám đốc nghệ thuật, trưởng khoa piano các nhạc viện ở Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, trực tiếp tham gia biểu diễn trong festival.
BTC cũng dự kiến tổ chức định kỳ 2 năm/lần, điều mà festival hướng đến là phấn đấu xây dựng một festival chất lượng để có thể trở thành biểu tượng văn hóa nghệ thuật cho một thành phố lớn như TP.HCM. Đó cũng là điều mà các festival piano trên thế giới đã từng làm.
- Ngày 18/10: Hội thảo về Lịch sử đàn piano (tiền thân đàn piano, quá trình cải tiến, các trường phái piano trên thế giới, các nhà sáng tác tiêu biểu cho piano...) do thạc sĩ Võ Bảo Lạc Nhân (chuyên gia về sư phạm và tâm lý giảng dạy tại trường Stepman, Bỉ) làm diễn giả. - Ngày 19/10: Hội thảo chuyên đề về nhạc sĩ Franz Liszt, do thạc sĩ Văn Hùng Cường (Giám đốc âm nhạc của Loudoun Lyric Opera Company, giảng viên tại ĐH Shenandoah, Mỹ) làm diễn giả. - Ngày 20/10: Piano masterclasses, do GS Boris Kraljevic và nghệ sĩ Rena Cheung Phua (Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore) giảng dạy. |
Hữu Trịnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất