05/10/2011 10:54 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Cuối tháng 9/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép các cơ quan chức năng lập Ban xây dựng hồ sơ đề cử hai quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và Cát Bà (Hải Phòng) lên UNESCO để xin công nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, ở nội dung Di sản văn hóa thế giới dường như chúng ta vẫn chưa có một lựa chọn ưng ý tiếp sau trường hợp Thành Nhà Hồ.
Thực tế, kể từ lần tham gia đề cử đầu tiên cách đây tròn 20 năm, VN mới chỉ có 2 di tích được công nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long và cụm Phong Nha - Kẻ Bàng). Ngược lại, sau khi 5 di sản tiêu biểu nhất đã được xếp vào danh sách Di sản văn hóa thế giới (không tính di sản phi vật thể) của UNESCO, việc tiếp tục chọn được một trong những di tích có xác suất thành công cao để lập hồ sơ là điều đang làm đau đầu giới chuyên môn.
1. Từng được tham vấn về các mục tiêu đề cử trong thời gian tới, PGS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ VN) cho biết: “Cả tôi và GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - TT&VH) bàn bạc mãi và đều thấy... rất khó”. Từng tham gia xây dựng các hồ sơ “ứng thí”, PGS này còn chia sẻ một thông tin khá đặc biệt: lộ trình dẫn tới danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của Thành Nhà Hồ trong năm 2011 dễ dàng hơn khá nhiều so với trường hợp Hoàng thành Thăng Long năm 2010 - cho dù Hoàng thành Thăng Long có ưu thế rất lớn về quy mô và việc từng tồn tại như một trung tâm văn hóa, chính trị trong suốt nhiều thế kỷ.
Việc tìm được một di tích có xác suất thành công cao như Thành nhà Hồ
để đệ trình lên UNESCO là không đơn giản
Lý do là: sự độc đáo của Thành nhà Hồ đã... đập vào mắt và nhanh chóng được các chuyên gia UNESCO thừa nhận, khi trên thế giới có không nhiều những tòa thành bằng đá như vậy. Trong khi đó, dù đã tiến hành khai quật và khảo sát trên hàng chục ngàn mét vuông suốt 6 năm, nhưng Hoàng thành Thăng Long lại được ban chuyên môn ICOMOS của UNESCO “nâng lên đặt xuống” khá nhiều lần và từng có lúc bị đề nghị hoãn xem xét công nhận. Nghĩa là, để đạt được xác suất thành công cao, bản thân các di sản phải được khảo sát, nghiên cứu kỹ và qua được khâu “tự phản biện” của giới chuyên môn.
Thật ra, rải rác từ vài năm qua, một số địa phương cũng đã nhắc tới ý tưởng lập hồ sơ đề cử cho di sản của mình như các trường hợp Trường Lũy (Quảng Ngãi - Bình Định), hang Con Moong (Thanh Hóa) hay khu di chỉ Óc Eo (An Giang). Trong số đó, việc xây dựng hồ sơ cho hang Con Moong đã được đề ra từ năm 2006 nhưng cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Thậm chí, theo lời các chuyên gia khảo cổ, để có hy vọng được công nhận, di tích cần được “gộp” với Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để có hồ sơ tổng thể mang tính thuyết phục cao hơn.
Theo lời PGS Tín, nếu lập hồ sơ tách riêng, di tích này sẽ có quy mô nhỏ và các địa tầng văn hóa chưa thật phong phú. Ở một góc độ khác, dù đã nhắc tới việc đệ trình lên UNESCO nhưng việc sớm xây dựng hồ sơ đề cử cụm di tích Trường Lũy tại khu vực miền Trung cũng là bất khả thi, khi những nghiên cứu về cụm lũy dài hơn 100 km (và đổ nát khá nhiều nơi) này cũng chỉ được coi là nằm ở giai đoạn đầu.
2. Riêng trường hợp di chỉ văn hóa Óc Eo, từ đầu năm 2010, UBND tỉnh An Giang đã rất nhiệt tình khảo sát và tổ chức các hội thảo quanh ý tưởng đệ trình hồ sơ về di tích này lên UNESCO. GS Lưu Trần Tiêu và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng đang dành khá nhiều lời động viên cho nỗ lực này, khi hiện nay vẫn chưa có một di tích nào tại khu vực Nam Bộ lọt vào danh sách di sản văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, theo GS Lưu Trần Tiêu, để sớm có thể xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO, bản thân tỉnh An Giang cũng cần có một chương trình hành động tổng thể và nhận được sự chú ý cao từ dư luận. Điển hình, dù tổ chức khá nhiều cuộc nghiên cứu trong nước và quốc tế về văn hóa Óc Eo và vương quốc cổ Phù Nam nhưng việc khảo sát tại khu di chỉ văn hóa này bị đánh giá là chưa đồng bộ, khi hầu hết các di tích đang bảo tồn chỉ mới miêu tả được yếu tố ngoại sinh”thượng tầng kiến trúc”(di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng) mà gần như chưa có di tích mang yếu tố nội sinh “hạ tầng cơ sở” (như di tích cư trú).
“Việc tìm hiểu giá trị của những di tích tầm cỡ thì bắt buộc phải tiến hành nghiên cứu và khai quật ở quy mô lớn”- PGS Tống Trung Tín cho biết - “Điển hình như trường hợp Thành Nhà Hồ, bên cạnh việc bảo tồn “ tòa thành nổi” và giữ gìn khu vực sinh thái xung quanh thì liên tục từ năm 2004, cụm di tích này cũng được khảo sát trên diện tích hơn 18.000m2 tại khu vực đàn tế Nam Giao để tìm hiểu thêm về các giá trị tự thân”.
Với những khó khăn khách quan, việc tìm được di tích hợp lý để hoàn thành hồ sơ xây dựng đệ trình lên UNESCO cho danh hiệu Di sản văn hóa thế giới sẽ còn phải chờ thêm một thời gian dài?
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất