20/09/2011 14:24 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Ngày nay, nói về nghệ thuật ẩm thực trà đạo, toàn thế giới luôn nghĩ đến Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, trà được dùng như thức uống tráng miệng, giải khát là chính. Những người kén trà, biết và có điều kiện thưởng trà, chỉ là bộ phận nhỏ.
Các phóng sự về “trà bẩn”, phản ánh tình trạng trộn phân, bùn vào trà tại các cơ sở tư nhân ở một số tỉnh chuyên trồng trà phía Bắc vừa qua đã gây nên làn sóng hoài nghi, e sợ chất lượng trà trong dư luận. Điều đó gây thiệt hại cho các vùng trà, cho thương hiệu trà Việt.
Thực trạng ấy càng khiến “Vua cá sấu” Cao Văn Tuấn quyết chí giữ chất lượng Mạc Trà lâu bền. Thưởng trà không phí thời gian, mà ngược lại, cho người ta sự thư thả, khoan khoái và kích thích sáng tạo.
Bí truyền có một không hai của Mạc Trà
Cuối Thu hết mùa sen, trà Mạc xuất hiện. Thứ trà này không cần ướp cũng có hương vị riêng, thanh nhã đậm vị tự nhiên mà vẫn khác thường.
Ở đây, làng Quang Tiến, huyện An Lão, trước thuộc một vùng Dương Kinh, có đình thiêng và nước giếng giai nhân. Gọi thế, vì thôn nữ của làng nhiều nàng xinh đẹp, do ăn uống tắm giặt bằng nước giếng làng. Cao Văn Tuấn đã thành tâm cầu kỳ lấy nước giếng làng cung tiến, như thần dân gần 500 năm trước pha trà Mạc dâng Mạc Thái Tổ. Khai thác mãi, anh mới chịu hé ra bí quyết Mạc Trà. Biểu tượng Mạc Trà là đôi tay thiếu nữ trắng muốt thon dài ấp iu chén trà bốc khói với slogan “Văn thái phong lưu”. Bàn tay ấy chính là bàn tay, tinh thần của những người làm nên Mạc Trà muốn gìn giữ, truyền phổ, tôn vinh bản sắc Việt qua nghệ thuật trà Việt.
Biểu tượng của Mạc Trà với dòng chữ “Văn Thái phong lưu”
Hiện Mạc Trà sản xuất 14 loại, với 7 kiểu hộp, 7 kiểu túi. Trà Việt rất khác với trà Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan, Nhật Bản. Sự khác biệt ấy, Cao Văn Tuấn tìm ra và nhấn mạnh trong cách tạo Mạc Trà. Anh đã “quần thảo” khắp Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên và nhận ra: trà chỉ ngon khi nó không dừng ở công dụng loại cây bán ngọn, lá thương phẩm; nó phải được chăm chút từ lúc trồng, cầu kỳ khi hái, sao và chọn lọc văn hoá từng vùng mà kết tụ đặc thù. Ở các vùng trà, nhiều hộ ký hợp đồng chỉ cung cấp trà cho Cao Văn Tuấn, trồng hái theo yêu cầu của anh. Đặc biệt, Mạc Trà có loại Trinh nữ trà, do các sơn nữ trẻ măng (tất nhiên chưa chồng) hái. Thuận ý cổ nhân, ông chủ Mạc Trà quả quyết: “Người con gái trẻ đẹp khí tiết chuẩn, hái sẽ truyền cảm hơn. Cây trà chỉ lấy ngọn, búp, được hái nhẹ nhàng vào ngày không mưa, không quá nắng. Mưa nắng đều ảnh hưởng vị trà. Thời gian hái từ 5 - 8 giờ sáng”.
Chảo sao chè phải là chảo gang đúc thủ công, cọ rửa sạch nóng đủ tiêu chuẩn. Nghệ nhân dùng tay để kiểm tra nhiệt độ, khi lấy quả chuối rừng cắt ra xát lau vào nền chảo. Củi đốt là gỗ sim, gỗ trắc (không có độ xốp) đảm bảo đượm lửa, ít bụi: không sao chè vào ngày mưa, vì độ ẩm cao. Cụ thể các bước tiếp theo thế nào, hỏi thì ông chủ cười: “Bí quyết mà cứ nói hết ra thì còn gì nữa”.
Từ “Vua cá sấu” đến “Vua trà”
Khích lệ chấn hưng, phục dựng văn hoá trà là sự cẩn trọng từ tiểu tiết. Bí quyết gần 500 năm làm nên sản phẩm trên công nghệ hiện đại của Nhật thế kỷ 21 tạo nên giá trị sản phẩm đỉnh cao. Với tiêu chí tự nhiên, không tẩm ướp hương liệu, Mạc Trà có hai dòng trà xanh và đen. Trà xanh giữ nguyên vị chát nguyên thuỷ; trà đen xử lý bớt chát, có tác dụng giảm béo. Các loại đặc trưng của Mạc Trà là: Mạc đao kỳ trà (búp trà có cánh như hình long đao), Mạc long kỳ trà (búp trà như rồng bay), Trà Thiết quan âm (dùng để dâng phật lễ chùa, các dịp cúng lễ hội làng, giỗ tổ...).
“Vua cá sấu” Cao Văn Tuấn - ông chủ Mạc Trà mời khách thưởng trà
Tại trụ sở Công ty Cá sấu ở Hải Phòng lẫn gian hàng ở khu di tích Dương Kinh, khách đến thăm xem đều được mời dùng trà, khách mua được hướng dẫn pha trà. Tất cả để có những chén trà đạt chuẩn của cái đẹp phong lưu sang cả mà những người gây dựng Mạc Trà tâm huyết. Lịch sử chồng lớp quyện vào từng búp trà đan hương. Lịch sử đồng hiện trên màu nước, làn khói thanh quý mỗi chén trà.
Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất sẽ tổ chức tại Thái Nguyên từ 11-15/11/2011. Mạc Trà sẽ tham dự. “Đã được phong “Vua cá sấu” rồi, anh có khát vọng làm “Vua trà” nữa không?” - Nâng chén hít sâu một nhịp hương trà, Cao Văn Tuấn khẳng khái “Tôi muốn tạo nên huyền thoại mới: Mạc Trà!”.
“Vua cá sấu” hay “Vua trà” nếu thành, cũng vẫn là Cao Văn Tuấn, người biết yêu, biết đầu tư cho văn hoá trong đời sống, kinh doanh như xây dựng tinh thần cho mình, cho nhân viên của mình, cho các con mình từ mỗi ngày thường nhật.
Anh có khu đất 13.000m2 trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, cách Xuân Mai 33km, cách rừng Cúc Phương 40km. Mỗi lần đến thăm khu đất ấy, dựa lưng vào quả núi cao nhất ở huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình, Tuấn nhìn thế núi, mạch sông. Sông Bôi chảy xuống như dòng thác đổ. Cùng cô gái bản địa và hai người bạn, họ đáp 2 chiếc đò ngang vào thăm hang Luồn đối diện cửa sông Bôi. Nơi đây, thời chống Mỹ, các cô văn công đã vào hang trú ẩn, nước lũ về dâng lên, họ chết trong đó, nên dân còn gọi là hang Trinh Nữ. Tuấn đã làm dòng chữ Mạc Trà rất đẹp và đến khi Mạc Trà thành danh trà đất Việt, anh sẽ dựng chữ Mạc Trà trên đỉnh núi kia.
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất