Lối thoát hay… giá treo cổ? (Bài kết)

15/09/2011 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Không phải ngẫu nhiên UBND TP.HCM mới đây cho biết sẽ thí điểm việc dạy Sử qua các video clip cho học sinh các cấp, bắt đầu từ năm học 2012-2013 thí điểm ở bậc tiểu học, như một đột phá trong phương pháp dạy và học môn này. Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cũng sẽ phối hợp với Đài truyền hình thành phố xây dựng các bộ phim về lịch sử chiếu cho học sinh xem. Quan điểm “người Việt Nam thuộc sử Tàu, sử Hàn hơn sử Việt” cũng xuất phát từ thực tế rất nhiều bộ phim đề tài lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc được chiếu trên màn ảnh nhỏ thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả. Nghệ thuật, nhất là phim ảnh và sân khấu được “gửi gắm” một trọng trách lớn: Dạy người Việt, nhất là giới trẻ, yêu sử Việt.

Nhưng, một trong những người được giao “sứ mạng” cao quý và nặng nề ấy, lại từng thốt lên một sự thật đau đớn: Khi bước vào làm phim (lịch sử) thì coi như đã bước lên đoạn đầu đài. Còn khi làm xong thì cũng có nghĩa hàng ngàn mũi tên bắn vào mình” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh phát biểu sau khi làm phim Khát vọng Thăng Long).

Lịch sử thậm chí còn… ăn khách

Poster phim Ngã ba Đồng Lộc một trong số ít phim truyện về những nhân vật có thật lấy được nhiều nước mắt của người xem.

Trái ngược với một vài ý kiến cho rằng sử ta ít được các nhà làm nghệ thuật hoặc giải trí quan tâm, đến mức “người Việt Nam thuộc sử Tàu, sử Hàn hơn sử Việt” vì xem nhiều phim lịch sử của hai nước này, đề tài lịch sử đã từng và vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, thậm chí ăn khách.

Trong bữa nhậu đang xôn xao vì chiến dịch vây bắt cụ rùa hồ Gươm năm rồi, chủ nhân bộ sưu tập ảnh cổ Hà Nội - KTS Đoàn Bắc cứ mười lăm phút lại gọi điện cho người thân lúc đó đang túc trực bên hồ Gươm. Ai nấy đều nóng lòng muốn biết đã bắt được cụ rùa để “đưa đi bệnh viện” hay chưa. Rồi anh thận trọng đón chiếc iPhone từ tay người bạn. Để giết hồi hộp, họ cùng nhau chơi game Giải cứu cụ rùa - trò chơi thuần Việt được Apple phát hành trên Apple Appstore. Ngay trong tháng đầu tiên, nó trở thành trò chơi đạt số lượt tải về ở Việt Nam cao nhất! “Khi xem những tấm ảnh cụ rùa bị lở loét đầy người, con trai tôi đã ngay lập tức vẽ phác thảo về cụ rùa với con rùa tai đỏ trên lưng”, mẹ của Lê Đức Hiếu - cậu học trò lớp 5 đã phát triển hình ảnh của game này cho biết. “Giải cứu cụ rùa” chính là hiện thân của việc người dân, trong đó có trẻ em, vẫn luôn quan tâm đến nhiều vấn đề, câu chuyện lịch sử. Nó cũng cho thấy game có thể trở thành con đường chuyên chở lịch sử.

Tiếc là những người xây dựng game này đã thể hiện sự “ăn theo” lịch sử một cách thiếu chiều sâu, thiếu thấu đáo, không chuyên nghiệp. Trên nền nhạc bát âm, người chơi sẽ trở thành một người đàn ông ria rậm, mắt kính tròn to soán cả khuôn mặt, đầu đội mũ cối, trên tay nhăm nhăm chiếc gậy bóng chày. Việc của họ là phải nhảy lên, dùng chày đập trúng con rùa tai đỏ vô lễ đang nhung nhăng trên mai cụ rùa. Một trong những người sáng tạo ra game này cho biết nó khó có thể coi là một game hoàn chỉnh. Trò chơi có quá nhiều yếu kém nhìn từ góc độ công nghiệp trò chơi, tuy đánh trúng tâm lý và ăn điểm thời sự. Trò chơi quá đơn giản, thậm chí đơn điệu, dễ dẫn đến nhàm chán. Hình ảnh chưa tinh tế, chưa mang tính biểu tượng cao. Nó cũng thiếu những bước tiến để người chơi khao khát “lên bài”. Vì thế, tuy xuất phát rất nhanh, Giải cứu cụ rùa đã không thể trụ lại lâu trên đường đua game Việt.

Cảnh trong Đêm hội Long Trì - một phim đề tài lịch sử
được khán giả nhớ nhất

Đề tài lịch sử được đặc biệt khai thác cũng như đạt những thành tựu nghệ thuật đáng kể trong lĩnh vực văn học và sân khấu ở Việt Nam. Thời mới nổi lên như một hiện tượng của văn đàn Việt Nam vào cuối những năm 1980, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vốn xuất thân từ sinh viên khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội, đã từng gây xôn xao với bộ ba truyện ngắn lấy cảm hứng từ các nhân vật có thật trong lịch sử: Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết. Một trong những tiểu thuyết Việt Nam nổi tiếng nhất và bán chạy nhất ở nước ngoài, Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, cũng có thể xem là một tác phẩm văn chương xuất sắc về một giai đoạn lịch sử hiện đại Việt Nam - cuộc chiến tranh chống Mỹ. Và nếu như chiến tranh là một ám ảnh khôn nguôi trong các tác phẩm (truyện ngắn, tiểu thuyết) của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì cuộc cải cách ruộng đất lại là một ám ảnh khác trong toàn bộ sáng tác của nhà văn Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Đi tìm nhân vật). Lùi lại xa hơn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đang trở thành một trong những cây bút tiểu thuyết về đề tài lịch sử thành công nhất hiện nay, với bộ ba Hồ Quý Ly (giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2003), Mẫu thượng ngàn (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2006) và Đội gạo lên chùa (2011). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cũng từng được trao cho Giàn thiêu của nhà văn Võ Thị Hảo lấy chất liệu lịch sử về các triều Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và những huyền tích về nhà sư Từ Đạo Hạnh… Điều đáng chú ý là hầu hết những tác phẩm này đều được tái bản nhiều lần và là những đầu sách bán chạy trên thị trường.

PGS-TS Vũ Văn Quân, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội: Hiểu biết lịch sử thì ý thức dân tộc sẽ tự giác hơn rất nhiều

Nói không hiểu biết lịch sử thì không yêu nước là sai. Trước Cách mạng Tháng Tám, 95% dân số ta có được đi học đâu mà họ yêu nước thế. Phải nói là nếu hiểu biết lịch sử thì tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với dân tộc sẽ ở trình độ tự giác hơn rất nhiều.

Đề tài lịch sử từng được xem là “bạt ngàn” trên sân khấu kịch Việt Nam. Từ những năm 1930-1945, khán giả đã say sưa với những tuồng tích lấy từ lịch sử Trung Hoa và Việt Nam như Dương Quý Phi (tác giả Thế Lữ và Vi Huyền Đắc), Tiếng địch sông Ô, Kinh Kha, Huyền Trân Công chúa (tác giả Huy Thông), Yêu Ly (tác giả Lưu Quang Thuận), Hận Nam Quan (tác giả Hoàng Cầm)… Sau cách mạng, nhiều vở diễn thuộc hàng “kinh điển” của sân khấu kịch Việt Nam vẫn tiếp tục khai thác đề tài lịch sử, có thể kể đến như Bắc Sơn, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Lịch sử và nhân chứng của Hoài Giao, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, và sau này có thêm Hoàng hậu hai vua của Lê Duy Hạnh, Bí mật vườn Lệ Chi của Hoàng Hữu Đản… Ngày vở diễn Bí mật vườn Lệ Chi ra mắt lại khán giả sau 7 năm nằm trong “bí mật”, vé thậm chí còn bán hết sạch cả 2 tuần trước suất diễn!

Và bị… chê

Đã có một thời, học sinh học bài sử về chiến dịch Điện Biên Phủ rất khó “vào”, nhưng gần như em nào cũng thuộc làu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn !/Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm/Những bàn tay xẻ núi, lăn bom/Nhất định mở đường/cho xe ta lên chiến trường tiếp viện… (bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu) và có thể nhớ vanh vách: lấy thân làm giá súng là anh hùng Bế Văn Đàn, chèn lưng cứu pháo là anh Tô Vĩnh Diện... Sau này, dù có thể có nhiều ý kiến khác nhau về giá trị nghệ thuật của thơ Tố Hữu, nhưng không thể phủ nhận được sức phổ biến, lan tỏa của những câu thơ “dạy sử” dễ thuộc và dễ nhớ của ông.

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo... (thơ Tố Hữu)

Nhưng thời gian gần đây, hầu như hiếm có những bài thơ, những tác phẩm nghệ thuật “dạy sử”, truyền cảm hứng lịch sử cho người xem, người đọc được dễ dàng chấp nhận như thế. Ngược lại, trào lưu làm phim lịch sử Việt bùng nổ, khởi sự từ dự án phim mừng đại lễ (2010), còn gặp phải làn sóng “săm soi” và lo ó từ phía khán giả. “Đỉnh cao”, Đường tới thành Thăng Long giờ vẫn chưa thể ra mắt sau những tranh cãi nảy lửa về tính thuần Việt của phục trang và bối cảnh. Trước đó, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông bị kiện đạo tư liệu, và sai tính chân thật của các sự kiện. Nguyên đơn - TS Nguyễn Văn Khoan, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thông tin, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Hồ Chí Minh cho đến giờ vẫn còn bức xúc với bộ phim này. Ông cho biết sẽ còn kiện tiếp. Theo TS Khoan, việc hư cấu trong phim đã đẩy bộ phim tới chỗ xuyên tạc, bôi xấu lịch sử. Chẳng hạn, nhân vật Lê Duy Điếm là học viên lớp đào tạo cán bộ Quảng Châu, hoạt động ở vùng đông bắc Thái Lan, sau đó mất năm 1929. Trong phim, nhân vật này được cho hoạt động cùng Nguyễn Ái Quốc, đóng vai trò quan trọng trong cuộc giải cứu Người ở Hồng Kông vào thời điểm… 1931? Một mặt, phim “dựng dậy” một người đã khuất, phần kia làm giảm giá trị của luật sư Lô-dơ-bi. Ông Khoan cũng không hài lòng về việc có một chuyện tình mà nửa kia của Nguyễn Ái Quốc là Lâm Bình, với chữ Bình có nghĩa là lục bình (bèo) chứ không phải hòa bình. “Bươu đầu” với sự chân xác lịch sử cũng là một kinh nghiệm trường kỳ của Sân khấu kịch IDECAF. Vở Bí mật vườn Lệ Chi đã từng rơi vào “bí mật” suốt 7 năm liền chỉ vì trong vở kịch với câu chuyện chính xoay quanh bi kịch người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi có chi tiết bị “kiện” vì không đúng với lịch sử! Mãi tới khi được dựng lại bản mới vào năm 2007, vở kịch mới “sống lại”. Có lẽ cũng vì lý do này mà IDECAF không còn mặn mà với dòng kịch lịch sử, vốn đầu tư tốn kém hơn kịch hiện đại nhiều, lại kén khán giả và cũng rất dễ bị “đụng” với giới sử.

Cảnh trong Đường tới thành Thăng Long - một bộ phim gây nhiều tranh cãi

Không phủ nhận nhiều bộ phim đã không được dựng trên những khung niên đại, hay hiểu biết lịch sử chính xác. Nhưng cũng phải nói lại, sự chân xác lịch sử cũng lại là “thử thách trần ai” cho những người làm nghệ thuật “trót” dính líu tới đề tài lịch sử. Từng nhiều lần “đụng” tới lịch sử trên màn bạc (với các phim: Ngã ba Đồng Lộc, Khát vọng Thăng Long) đạo diễn Lưu Trọng Ninh tâm sự: “Đọc quá nhiều và trao đổi quá nhiều (với giới sử học). Sau đó thấy là vô nghĩa. Bởi vì nếu dựa vào họ mình không bao giờ làm được phim. Mỗi người nói theo một cảm quan khác nhau mà kết lại cũng chỉ chừng này câu chuyện: sinh ra năm bao nhiêu, lên ngôi năm bao nhiêu”. Cái lý của Lưu Trọng Ninh nằm ở chỗ, các nhà sử học thường cung cấp thông tin về niên đại rất kỹ lưỡng. Trong khi đó, chất liệu để tái tạo lại không gian trên phim như trang phục, đồ dùng sinh hoạt, kiến trúc, một số thói quen lại không nhiều. Sử liệu không đủ dày dặn để cho phép họ làm điều đó. Nói cách khác, nhà sử học chỉ cho đạo diễn một vài mẩu xương, còn việc từ đó đắp thịt, thêm da để thành một khuôn mặt hồng hào thì nhà làm phim phải tự bơi. Chưa kể, cũng theo ông Ninh, dựng phim về thời Lý mà cứ chăm chăm phải răng đen thì phim sẽ không đủ độ đẹp để “hút khách”!

Luôn tồn tại một khoảng cách giữa lịch sử của các sử gia và lịch sử trong các sáng tạo nghệ thuật. Nếu với các nhà khoa học, lịch sử là đối tượng để nghiên cứu, thì với các nghệ sĩ, lịch sử là nguồn cảm hứng. Nhưng chỉ cần “khoảng cách” này không được hiểu và cảm đúng là “bão tố” nổ ra ngay. Bởi vậy, ý tưởng của UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM làm phim sử Việt để dạy Sử cho học sinh phổ thông là một đề xuất hay song cũng đầy thách thức. Không cẩn thận, tiền mất mà sử trong phim lại “mang tật” đến cho chính những đứa trẻ cần được giáo dục đúng về lịch sử. Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Đặng Tấn Mầu, nguyên Trưởng phòng Đường hình Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng, song song với việc sản xuất và chiếu các phim lịch sử, nên có những cuộc tọa đàm kèm theo. Trên thực tế, Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai khi phát các phim chuyển thể từ các tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung đều có tổ chức các cuộc trao đổi với sự tham gia của các nhà “Kim Dung học”, giúp khán giả hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử cũng như văn hóa của bộ phim. Đối với các phim lịch sử Việt Nam, nếu thực hiện được điều này, khán giả sẽ học được thêm rất nhiều kiến thức lịch sử và cũng tránh được lối suy nghĩ “phim không đúng sử”

Ngữ Yên - Vân Hạc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm