06/08/2011 10:04 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Một ngày cao hứng nhân có bạn phóng viên đi biệt phái ở Lai Châu, chúng tôi tiễn anh đến tận nơi. Và đó là cơ hội hiếm hoi để tôi tới bản Hon.
Thị xã Lai Châu cũ nay đã nằm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La, thị xã mới được xây dựng trên đất của thị trấn Tam Đường - một lòng chảo rộng tương đối bằng, cao chừng 900 thước so với mặt biển, xung quanh là những dãy núi trùng điệp cao đến 1.500 thước.
Cảnh vật rất ngoạn mục, giữa mùa Hè nhưng nhiệt độ chiều tối chỉ chừng 20 độ C. Từ đây chúng tôi đi thăm bản Hon, nơi những người Lự sinh sống, con đường chỉ chừng 15 cây số nhưng gập ghềnh vô cùng với nhiều bãi lầy và khúc quanh nguy hiểm.
Phụ nữ người Lự, nhuộm răng đen và quấn khăn
Người Lự (còn gọi là người Duồn, người Nhuồn) sinh sống tập trung ở Lai Châu với khoảng 5.500 người, các nơi khác chỉ là 95 người, nhưng dân tộc này còn khoảng 200 nghìn người ở Thái, Lào và Trung Quốc. Ở Trung Quốc họ được coi là một bộ phận của người Thái, ngôn ngữ Lự cũng thuộc hệ Thái - Tày.
Bản Hon có hai bản nhỏ được gọi là bản Hon 1 và bản Hon 2, một bản chừng 800 nhân khẩu, một bản chừng 700 nhân khẩu. Người ta cho biết thường gia đình người Lự có 7 người. Những nếp nhà sàn nhỏ nép liên tục bên nhau, vườn tược liên kề, trâu bò thường được nuôi ngay gầm sàn, cũng là nơi để nhiều nông cụ.
Một thoáng thăm quan tôi chưa biết được nhiều, nhưng cảm nhận đầu tiên là nghề dệt thủ công được làm hằng ngày trong các gia đình người Lự cũng như các bà các cô trong bản làm giúp nhau càng gắn kết tình hàng xóm. Phụ nữ mặc áo chàm, nhưng hiện thì nhiều người mặc áo mua sẵn, chỉ có váy và khăn choàng đầu là giữ nguyên truyền thống.
Phụ nữ người Lự bên cầu thang nhà sàn
Tấm khăn đâu được dệt thêu cầu kỳ quấn thành nhiều lớp nghiêng về bên trái để lộ khuôn mặt trong sang nhuộm răng đen. Váy có những vạt hoa văn dọc cũng thêu cầu kỳ như người Mông và Dao. Từng chum chàm xếp dưới gầm sàn đang chất đầy vải mộc. Trên nhà sàn gia đình nào cũng thấy vài ba khung cửi, cái để dệt vải, cái để dệt hoa văn. Tất cả các đồ dùng đều làm thủ công như thời thuần nông nghiệp xưa. Trẻ con chơi ngoài sân và vườn, đứa nào cũng khỏe mạnh và rất đẹp.
Người ta cho biết, tuy Lai Châu xa xôi nhưng hằng năm có đến hàng nghìn du khách đến bản người Lự tham quan. Nên hôm chúng tôi đến thấy một lớp sinh viên ngành du lịch đang hướng dẫn người Lự cách tiếp khách và nấu ăn. Tuy nhiên, tôi cũng e rằng du lịch thế nào cũng làm hiện đại hóa một tộc người đang giữ được bản sắc rất nguyên sơ và cuộc sống thanh bình.
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất