25/07/2011 11:25 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tây Nguyên vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn trong con mắt của giới nghiên cứu Việt Nam. Thật ngạc nhiên khi đến tận cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, người ta mới phát hiện ra bộ sử thi của người Mnông và tiếp theo đó cả một kho tàng sử thi đồ sộ với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ mới lần lượt được biết đến... Nhưng văn hóa Tây Nguyên không hề xa lạ đối với nhiều nhà dân tộc học nước ngoài, như Dam Bo (Jacques Dournes) hay Georges Condominas (tên bạn bè thường gọi là Condo)...
Từ hơn 60 năm trước, Condo đã gắn bó với mảnh đất này, các tác phẩm của ông đã được xếp vào số “các cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học”. Các tác phẩm Chúng tôi ăn rừng, Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á, Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar của ông đã được ấn hành ở Việt Nam. Những chuyến trở lại Việt Nam của ông gần đây; và đặc biệt, cuộc trưng bày hiện vật, phim ảnh, ghi chép Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào năm 2007 đã gây sửng sốt trong công chúng và giới nghiên cứu Việt Nam không chỉ ở tầm vóc đồ sộ và những nghiên cứu có tính khai phá của ông từ hơn nửa thế kỷ trước, mà còn cả ở tình cảm và sự gắn bó máu thịt của ông với Tây Nguyên như một người con của làng.
Đó chính là điều gây xúc động sâu sắc trong lòng công chúng và cũng là điều hình như còn đang thiếu ở những người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên ngày nay.
Trước sự ra đi của Georges Condominas hôm 17/7, TT&VH đã gặp lại một trong những nhà nghiên cứu Tây Nguyên thuộc thế hệ sau ông. Đó là PGS.TS Đỗ Hồng Kỳ, người nổi tiếng với công trình phát hiện và sưu tầm bộ sử thi Ot Ndong đồ sộ và cùng Y Wơn Kna tìm được dị bản sử thi Đam San có thể nói là đầy đủ nhất. Là người nhiều năm điền dã, gắn bó với Tây Nguyên, hiện nay ông là Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên (thuộc Viện KHXH Việt Nam).
PGS.TS Đỗ Hồng Kỳ (trái) và Condo trên đường dự hội thảo ở Buôn Mê Thuột (1999)
* Thưa PGS.TS Đỗ Hồng Kỳ, những công trình nghiên cứu của Condo có ý nghĩa như thế nào với một người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên thuộc thế hệ sau như ông?
- Tôi thấy Condo có hai nhận định có thể nói là có phẩm chất của một thiên tài. Ông là người đầu tiên khẳng định sử thi Đam San là tuyệt tác. Ông cũng là người đầu tiên khẳng định đoạn Đam San bỏ vợ ở nhà để đi chinh phục nữ thần Mặt Trời là “sáng tác sau này”. Nhân đây, tôi cũng nói thêm, văn của sử thi Ê Đê hay hơn, đẹp hơn người ngoài đồng tộc tưởng rất nhiều.
Có thể nói “Chúng tôi ăn rừng đá thần Gô” của Condo là mẫu mực, là kinh điển của việc ghi chép dân tộc học, tiếp cận văn hóa dân gian. Chẳng hạn đoạn sau đây: “Đoàn người lại tiếp tục đi, vẫn ngoằn ngèo trên đoạn rộng của con đường mòn cũng uốn lượn thành nhiều khúc ngoặt quanh co. Đến nỗi người đi dầu đến chỗ nào khi quay lại cũng không nhìn thấy được đoạn đuôi của đoàn gồm một đám đông sặc sỡ bước hàng một...”
Các công trình của Condo có ý nghĩa mở đường về dân tộc học và văn hóa dân gian Tây Nguyên
Năm 1972, Condo được Hội Nhân học Mỹ mời làm khách mời thỉnh giảng. Ông đã bênh vực người thượng Tây Nguyên và tố cáo Mỹ hủy hoại môi trường sống của họ.
* Ông từng kể rằng có một lần trở về Tây Nguyên, Condo mang theo cả quần áo để tặng đồng bào và đồng bào cũng coi ông như người thân trong cộng đồng. Ông nghĩ sao về sự gắn bó của Condo đối với mảnh đất mà ông nghiên cứu? Đó có phải là điều mà nhiều nhà nghiên cứu ngày nay đang thiếu?
- Dam Bo, người viết “Miền đất huyền ảo” đã nói rất hay rằng: “Nếu phải hiểu để mà yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”. Câu nói này rất đúng với Dam Bo, càng đúng với Condo.
Thời trai trẻ, Condo đã dành trọn một năm (1948-1949) sống cùng người Mnông ở làng Sar Luk, xã Krông Nô, huyện Lak, tỉnh Đăk Lăk để hòa nhập, quan sát, ghi chép. Ông sinh hoạt như một thành viên của cộng đồng. Điều quan trọng hơn là ông có mối giao hòa tuyệt vời với những con người ở đây.
Mỗi lần Condo về thăm Sar Luk đều được coi là một sự kiện quan trọng của làng. Già trẻ đón ông như đón một người thân của quê hương lâu ngày trở về. Năm 2007, Condo dẫn theo con trai về thăm “quê hương thứ hai” của mình. Ông và bà Wil bạn cùng trang lứa thuở tuổi còn xuân xanh, nay đã lòa nắm chặt tay nhau. Condo dẫn người bạn gái thuở nào đến cây mít cổ thụ. Hơn 60 năm về trước, nhà của Condo nằm dưới tán cây mít này. Năm đó, mất mùa, quả cây mít này đã nuôi ông và nhiều người qua cơn giáp hạt. Dân làng và ông làm cúng thần đá Gô (tên ngọn núi) và năm sau, được mùa... Có thể là ngẫu nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là tình người và tên sách cũng như chủ đề của “Chúng tôi ăn rừng đá thần Gô”. Một cái tên kỳ lạ hấp dẫn ám ảnh người đọc. Theo ông Trương Bi, PGĐ Sở VH,TT&DL Đăk Lăk, người đi cùng Condo về Sar Luk lần ấy cho biết, trước lúc chia tay nhau, dân làng nhiều người ứa nước mắt, còn Condo thì khựng lại. Khó khăn lắm ông mới lên được ô tô.
Cuộc sống thật công bằng, ít nhất là với Condo. Ông có tình yêu, lòng chân thành và nhiệt huyết đối với nền văn hóa Mnông và nền văn hóa đó là nền tảng giúp ông trở thành nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới.
Sự gắn bó máu thịt, tình yêu với mảnh đất, con người nơi mình nghiên cứu còn thiếu đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, như anh nói, tôi nghĩ nhìn chung là đúng. Để khắc phục hạn chế này, bản thân tôi đã cố gắng rất nhiều.
“Chúng tôi ăn rừng” của Condo
* Là người nghiên cứu lớp sau, chắc ông rút ra được nhiều điều từ cuộc đời cũng như di sản của Condo?
- Tôi chỉ mới biết Condo vào khoảng năm 1993. Khi đó cố PGS.TS Võ Quang Nhơn, thầy hướng dẫn luận án PTS của tôi nhất quyết bắt tôi phải tìm bằng được xuất xứ về sự khẳng định của vị giáo sư người Pháp nói rằng người Mnông có hình thức tự sự, tương đương với thuật ngữ épopée (anh hùng ca). Năm 1996, luận án Sử thi thần thoại Mnông của tôi được NXB Khoa học Xã hội ấn hành. Sau đó GS Ngô Đức Thịnh nói rằng Condo cần ấn phẩm này. Và tôi đã tặng ông.
Bổ ích nhất, thiết thực nhất đối với tôi là nhận định của Condo về việc Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ như đã nói ở trên. Đấy là một trong số ít nguyên nhân giúp tôi và Y Wơn Kna tìm được dị bản khác của Đam San có lẽ là “cổ hơn” phù hợp hơn với nếp cảm, nếp nghĩ của người Ê Đê so với các ấn bản trước đó.
* Văn hóa Tây Nguyên vẫn còn nhiều bí ẩn với giới nghiên cứu thời hiện đại. Chứng cớ là đến thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ông còn phát hiện ra bộ sử thi Ot Ndrong và sau đó là hàng trăm sử thi được phát hiện. Vậy theo ông, chúng ta cần phải có chiến lược nghiên cứu khám phá về văn hóa Tây Nguyên như thế nào?
- Đúng như anh nói, Tây Nguyên còn nhiều điều cần khám phá lắm. Bây giờ đến Tây Nguyên không còn thấy nhà mồ, nhà sàn, nhà rông, nghi lễ, lễ hội, hát kể sử thi... như trước đây nữa. Nhưng đó là bề ngoài. Văn hóa Tây Nguyên còn rất nhiều điều thú vị. Vấn đề còn lại chỉ là điều kiện, tài năng, nhiệt huyết, dấn thân và nhất là vấn đề tổ chức để nghiên cứu. Số sử thi đã sưu tầm là kho tư liệu vô giá. Không biết bao giờ mới khai thác hết.
Chiến lược nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cần đồng bộ nhiều ban ngành. Dưới góc độ nghiên cứu, tôi thấy cần phải có nhà nghiên cứu am hiểu Tây Nguyên, tri thức dân tộc và các nghệ nhân. Nếu thiếu một trong ba nhân tố này khi nghiên cứu sẽ đạt chất lượng không cao.
* Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất