Lồng tiếng phim: Cứu tinh hay tội đồ? (Bài 1)

21/07/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Lồng tiếng phim - chuyện thế kỷ 21

Tưởng đã bước sang kỷ nguyên của công nghệ làm phim thu tiếng trực tiếp, nhưng không, lồng tiếng phim (thuật ngữ chuyên môn là Dubbing) từ Hollywood tới phim Việt vẫn còn là câu chuyện dài tập.

Lồng tiếng là một trong những quy trình thuộc quá trình hậu kỳ làm phim (post-production), rất phổ biến khi nhà làm phim cần thay thế “giọng gốc” của diễn viên bằng một giọng khác phục vụ cho mục đích của nhà sản xuất, đặc biệt đối với phim nói tiếng nước ngoài.

Nghề lồng tiếng

- 2000: Thời vàng son = Cơn mưa phim truyền hình dài tập Việt Nam và nước ngoài

- 2005: Xuống dốc = Phim bộ Hong Kong, Đài Loan lụi tàn

Sự phát triển của công nghệ thu tiếng trực tiếp

Phim phụ đề được ưa chuộng

- Nay: Hồi sinh = Thu tiếng trực tiếp lộ gót chân Achille

Trào lưu lồng tiếng phim hoạt hình

Châu Âu nói không với phim lồng tiếng

Hầu hết các nước Bắc và Tây Âu, chỉ cho phép sử dụng lồng tiếng đối với các phim truyền hình và phim hoạt hình dành cho trẻ em. Tại Hà Lan, khi những phim này được chiếu rạp màn ảnh rộng thì phải bắt buộc sử dụng bản gốc có kèm phụ đề, như đối với các phim Babe, Atlantis: The Lost Empire, Finding Nemo, Cars, Shrek The Third, Ratatouille, Kung Fu Panda hay WALL-E. Một số nước châu Âu vẫn còn ưa thích sử dụng phim lồng tiếng là Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Nga. Ngược lại, châu Á vẫn còn ưa sử dụng phim nước ngoài lồng tiếng.

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH 


(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi việc lồng tiếng (sử dụng giọng nói khác lồng cho diễn xuất của diễn viên) đã chấm dứt ở các nền điện ảnh tiên tiến từ 30 - 40 năm trước thì ở Việt Nam, lồng tiếng cho đến giờ vẫn là lựa chọn số 1 của các nhà sản xuất phim, nhất là trong lĩnh vực phim truyền hình vì nhiều lý do. Nhưng cũng vì nhiều lý do mà việc này lúc trở thành cứu tinh nhưng luôn luôn đứng trước nguy cơ biến ra tội đồ. Tuy thế, nhận định về sự tồn tại của lĩnh vực này, ít ai dám nghĩ rằng một ngày gần đây, lồng tiếng sẽ nói lời từ biệt...

Người trong nói ra: Cứu tinh

Được sự hướng dẫn của nữ diễn viên một thời Mộng Vân, một trong những người phụ trách lồng tiếng có thâm niên và uy tín cao tại TP.HCM, chúng tôi có mặt tại Saigon Media trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Ở đây có 5 phòng thu hoạt động nhộn nhịp, hiện đang gấp rút lồng cho 2 phim, trong đó có phiên bản Việt của bộ phim Hàn Quốc đình đám Người mẫu từng được khán giả Việt Nam rất yêu thích.

Chúng tôi đến đúng lúc ê-kíp lồng tiếng - thông thường gồm một nhân viên kỹ thuật xử lý âm thanh, một người phụ trách hướng dẫn và thẩm định kết quả lồng tiếng và diễn viên lồng tiếng (với phim Việt Nam thường chỉ một người lồng cho một nhân vật, khác với phim bộ nước ngoài một người nhận đến 2-3 vai) - đang “hô biến” cho giọng Bắc của diễn viên Bình Minh trong vai Duy Thanh (nhân vật của Jang Don Gun ở bản phim Hàn) thành giọng Nam. Người đảm nhận phần “hồn” của Bình Minh là Thiên Bảo, với giọng nói trầm ấm, chững chạc, đã gắn bó với nghề “cho mượn giọng” từ thuở niên thiếu khi còn là thành viên của đội kịch Tuổi Ngọc, được xem như một trong những “sao trẻ” của làng lồng tiếng. Theo nhận xét của Mộng Vân, bộ phim được quay rất tốt, diễn xuất của diễn viên cũng đạt yêu cầu. Nhờ vậy công việc của người lồng tiếng cũng nhẹ nhàng hơn khi dễ nhập vai theo cảm xúc của diễn viên, cũng như đỡ phải “cứu” khi diễn viên thoại sai. Nhưng vẫn có “trục trặc” nho nhỏ: Bình Minh thoại giọng Bắc rất nhanh, đôi khi nuốt chữ cũng gây đôi chút lúng túng cho người lồng tiếng phải “đuổi” bắt khẩu hình nhân vật. Có những câu thoại ngắn phải thu đến 3-4 lần mới đạt yêu cầu về sự rõ ràng, biểu cảm và khớp khẩu hình. Hiện nay, nhờ phần mềm kỹ thuật hỗ trợ nên việc khớp khẩu hình cũng khá dễ dàng, diễn viên chỉ cần nói tương đối trúng, không quá “rớt” là kỹ thuật viên có thể “co kéo” cho khớp miệng, quan trọng vẫn là phần diễn xuất qua giọng nói.

Từ trái sang: Minh Tiệp, Minh Hằng, Đại Nghĩa lồng tiếng cho phim Rio, bộ phim hoạt hình 3D được xem là thành công ở Việt Nam.

Tuy nhiên không phải phim nào người lồng tiếng cũng may mắn như thế! Diễn viên Tấn Thi, một gương mặt quen thuộc trong làng kịch, điện ảnh cũng như giới lồng tiếng, trong một lần trò chuyện cho rằng: bộ phận lồng tiếng đã “cứu” phim Việt nhiều bàn thua trông thấy! Diễn viên thiếu cảm xúc đã đành, lại thường xuyên không thuộc thoại, thoại sai (có trường hợp diễn viên đóng vai công an mà thoại sai toàn bộ thuật ngữ, chính sách), thoại ngoài lề kịch bản, chưa kể đài từ không tốt, phát âm không rõ chữ… thực sự làm khó người lồng tiếng rất nhiều. Vừa bám sát kịch bản, vừa diễn xuất giọng nói cho phù hợp với biểu cảm nhân vật trên phim, vừa phải canh cho khớp khẩu hình buộc diễn viên lồng tiếng phải ứng biến rất nhanh, nhiều lúc phải chỉnh sửa câu thoại (rút ngắn hoặc kéo dài) cho vừa khẩu hình nhân vật mà vẫn sát với kịch bản. Nói thì nghe đơn giản nhưng có những trường hợp để nghe ra được diễn viên đang thoại cái gì (nhất là những đoạn cao trào cãi vã, đôi co qua lại) để chỉnh sửa cũng là cả một vấn đề. Đau đầu không kém là gặp phải những diễn viên có thói quen “ngẫu hứng” trên phim (thường là những diễn viên gạo cội, diễn xuất có “nghề”) nếu thư ký trường quay không ghi chú rõ ràng những “sáng tạo” mới của diễn viên vào kịch bản thì cho dù có mời chính diễn viên đó lồng lại tiếng cho mình thì cũng chưa chắc họ nhớ được mình đã “thêm bớt” gì vào kịch bản mà lồng cho đúng.

Có lẽ vì thế mà người trong giới đều khẳng định lồng tiếng phim Việt Nam khó hơn phim bộ nước ngoài. “Với phim bộ nước ngoài thì nội dung đã quá hay, diễn xuất của diễn viên cũng quá hay từ đài từ đến từng cơ mặt. Khi xem phim, mình bị cuốn theo nội dung, theo diễn xuất của diễn viên rồi nên ít để ý đến hiệu quả lồng tiếng. Là người trong nghề, tôi thấy rằng so với phim gốc người ta đạt 10 thì khi qua lồng tiếng của mình chỉ còn khoảng 5-6 mà thôi. Ngược lại, lồng tiếng phim Việt Nam thực sự là một sự sáng tạo. Người diễn viên lồng tiếng đứng trong phòng thu mà phải theo được những diễn xuất biểu cảm của diễn viên ngoài hiện trường. Khi diễn viên thoại quá dở, hay diễn xuất “đơ” (vốn không phải là chuyện hiếm) thì người lồng tiếng phải nâng diễn viên lên đúng tầm cỡ của nhân vật. Tuy nhiên nếu phim dở quá, diễn viên diễn quá tệ thì dù đội ngũ lồng tiếng có hay đến cỡ nào thì cũng chỉ “cứu” phim được một phần nào đó thôi, không thay đổi được chất lượng phim”, chị Mộng Vân chia sẻ. 

Người ngoài nói vào: Tội đồ

Thế nhưng ở thời hoàng kim của phim truyền hình Việt hiện nay, khán giả lại phàn nàn nhiều về chuyện xem phim truyền hình thấy miệng diễn viên đi một đường mà tiếng đi một nẻo theo chiều hướng vô cảm. Tìm hiểu thì biết lý do gần như “độc quyền”: bộ phận lồng tiếng làm việc cẩu thả.

Và người bất bình không chỉ có khán giả mà còn cả chính những người trong nghề. Đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt đã ghi dấu ấn với bộ phim truyền hình Cuối đường băng từng tâm sự, làm phim ở Việt Nam, việc làm anh bối rối nhất chính là lồng tiếng. Anh không bài xích, lên án chuyện này nhưng ở Mỹ anh không được dạy cách thực hiện khâu này. Vì thế, trước khi nhận lời làm phim, anh phải thỏa thuận cho được điều kiện “cốt yếu” nhất: thu tiếng trực tiếp. Còn Leon Quang Lê, một diễn viên kịch Broadway, thì than phiền rằng anh thấy điều vô lý nhất khi đóng phim ở Việt Nam là phim do mình đóng mà người khác diễn thoại.

Cả nước có hơn 100 kênh truyền hình, gần 40.000 tập phim chiếu/ năm. Riêng các kênh của HTV mỗi năm đã cần hơn 2.500 tập phim mới để phát sóng, mà phần nhiều là phim lồng tiếng.

Nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc hãng phim Sena, một nhà gia công phim khá đắt hàng ở khu vực phía Nam, mới đây khi nói về những vấn đề của phim truyền hình cũng cho biết việc lồng tiếng phim đang khiến công việc của chị gặp nhiều trở ngại. Sự bùng nổ của phim truyền hình đã đưa ngành phim ảnh vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, trong đó bao gồm cả lĩnh vực lồng tiếng. Vậy là đứng trước tình trạng cung không đủ cầu, chủ các nhóm lồng tiếng đã phải “vơ bèo vạt tép”, cung ứng các “sản phẩm” không đạt chất lượng ra thị trường khiến nhà làm phim dở khóc dở cười vì phim đến hạn giao mà phải đình trệ để khắc phục khâu lồng tiếng. “Trong sản xuất phim, mỗi tổ nhóm, bộ phận, từ tiền kỳ đến hậu kỳ đều có vai trò quan trọng để đem đến sự thành công của bộ phim. Nhưng bạn thử nghĩ nếu khi phim phát sóng mà lời thoại lại không khớp miệng với diễn viên, tính cách của người lồng tiếng không hòa nhịp với tâm trạng của diễn viên khi ấy thì chất lượng bộ phim sẽ ra sao? Bấy nhiêu đó cũng đủ trả lời về vai trò và tác động của nhóm lồng tiếng”, nhà sản xuất Lan Hương (hãng phim Nam Sài Gòn) thổ lộ.

Chưa có con số cụ thể về số nhóm và số người làm công việc lồng tiếng cho phim truyền hình ở Việt Nam, vì đây vẫn chưa được xem là nghề riêng nhưng tại TP.HCM, trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn nhất cả nước, khi mà các hãng phim ồ ạt mọc lên, thì số nhóm lồng tiếng vẫn chầm chậm tiến bước, trước đây 5 năm thì chừng 4-5 nhóm, bây giờ khoảng 10 nhóm. Trong khi đó, cả nước có hơn 100 kênh truyền hình, nếu mỗi ngày chỉ có một giờ phát phim, thì số tập phim cần có trong một năm đã là khổng lồ, gần 40.000 tập. Riêng các kênh của HTV mỗi năm đã cần hơn 2.500 tập phim mới để phát sóng, mà phần nhiều là phim lồng tiếng. Vậy mà, chỉ có khoảng chục nhóm phụ trách việc này, nên cứ mở tivi lên là nghe được giọng của một nhóm người. Thậm chí, có ý kiến còn nói rằng, chưa bật tivi thì đã biết giọng của các nhân vật ra sao. Đó là một thứ giọng đều đều, quen quen; nhưng nói cả nước phải nghe. Lý giải về điều này, anh Xuân Tâm, một sếp la-tô (chef de plateau, tạm coi là đạo diễn lồng tiếng) đẳng cấp ở Sài Gòn từng tâm sự rằng, đây là cái nghề bạc bẽo, tên tuổi chỉ xuất hiện trong khoảng 5-10 giây ở cuối phim, thu nhập thấp, mà công việc thì chẳng ít chút nào. Điều đó đã vô tình đẩy những người lồng tiếng vô trách nhiệm đến suy nghĩ: Ôi dào, ai biết mình đâu mà sợ, cứ làm cho xong và nhận tiền. Điều này không chỉ làm cho nhiều phim truyền hình kém chất lượng, mà còn là nỗi bất bình cho những nhóm lồng tiếng chân chính.

Một góc lý giải

Với tốc độ quay phim 2 ngày 1 tập thì diễn viên nào thuộc nổi thoại để thu trực tiếng trực tiếp?

Nhưng theo một chuyên gia sản xuất phim, khó khăn lớn nhất cản trở việc thu tiếng trực tiếp không phải là kinh phí (vì bây giờ mọi thiết bị máy móc đều có giá rất rẻ) mà chính là tài chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn và khả năng của diễn viên. Nếu ai đã xem bộ phim Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh thì sẽ khó mà quên được giọng nói của diễn viên thủ vai Giang Minh Sài. Giọng nói khào khào như hỏng dây thanh, vốn bị “kỵ” trong lĩnh vực phim - kịch, lại có sức biểu cảm và lột tả nhân vật sắc sảo đến nỗi có người trong nghề nhận định rằng diễn viên này - họa sĩ Ngô Thế Quân - được chọn vì chính giọng nói của anh chứ không phải khả năng diễn xuất, bởi anh không phải diễn viên chuyên nghiệp, chưa từng đóng phim nào và sau Thời xa vắng cũng xa vắng luôn màn ảnh. Chính khả năng chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Hồ Quang Minh đã tạo ra một anh Sài ám ảnh đến như vậy. Ngược lại, một diễn viên khác tuy rằng tay ngang nhưng đã lên sân khấu kịch là Bình Minh lại bị khán giả cười khi thể hiện tiếng nói trong phim Giao lộ định mệnh. “Tội nợ” của sự vụ này cũng chính là của đạo diễn khi để Bình Minh cất giọng nghiêm trọng đến buồn cười trong tình huống nước sôi lửa bỏng trên phim, phá tan cảm xúc của khán giả.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, thật khó để thu tiếng trực tiếp khi diễn viên không thuộc thoại, hiện trường luôn oang oang tiếng nhắc tuồng và cả tiếng chỉ đạo diễn xuất ngay khi diễn viên đang diễn. Và lý do quan trọng hơn cả là quan niệm về tầm quan trọng của âm thanh trong phim của các nhà làm phim (trừ các nhà làm phim Việt kiều). Nếu như phim nước ngoài âm thanh được đặt lên hàng đầu, các đoàn phim khi khảo sát bối cảnh thường tìm ngay nơi giấu micro để thu thanh hiện trường thì với phim Việt Nam, đó không phải điều phải quá bận tâm. Cho đến giờ, những bộ phim Việt khi đem tham dự các LHP quốc tế vẫn bị liệt vào hàng phim “sai chính tả” - có lỗi về âm thanh - là vì thế.


Có lẽ nào ta yêu nhau - bộ phim được lồng tiếng trực tiếp nhưng
khán giả đã không chịu nổi giọng nói của diễn viên

Nhưng ngày tàn hãy còn xa

Đến nay nhiều người vẫn còn nhắc về thời vàng son của nghề lồng tiếng vào thập niên 90 thế kỷ XX với sự “bành trướng” của phim bộ. Đó là cái thời mà ngoài những Cổ Thiên Lạc, Âu Dương Chấn Hoa, Quan Vịnh Hà, La Gia Lương… - những tên tuổi diễn viên quen thuộc của Hong Kong - người ta còn thuộc nằm lòng những cái tên: Thế Thanh, Bích Ngọc, Trung Châu…, thành viên nhóm lồng tiếng TVB của FAFILM Việt Nam. Dân ghiền phim bộ chỉ cần nghe tiếng là biết được đó là phim Hong Kong (hãng TVB hay ATV), Đài Loan hay Singapore vì chất giọng của từng ê-kíp rất đặc trưng. Từ khi thị trường phim bộ nói tiếng Hoa bị thu hẹp nhường chỗ cho “làn sóng Hàn Quốc” - vốn chuộng thuyết minh hơn là lồng tiếng, lại thêm các nhà làm phim Việt Nam cũng chuyển hướng sang công nghệ thu tiếng trực tiếp thì rất nhiều người đã nghĩ đến ngày “cáo chung” của công nghệ lồng tiếng phim. Thế nhưng, ngày đó đã không đến mà có vẻ nghề lồng tiếng ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong nền điện ảnh Việt Nam.

Nhà sản xuất Lan Hương - Hãng phim Sài Gòn: “Nhiều bộ phim vẫn chọn phương thức lồng tiếng, bởi:

1. Không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hiện trường như tiếng ồn của máy phát điện, tiếng nhắc thoại của trợ lý đạo diễn…

2. Dễ dàng khi casting diễn viên, không đặt nặng về chất giọng, không cần chú ý về thổ ngữ vùng miền của từng diễn viên.

3. Tiến độ sẽ nhanh hơn khi thu tiếng trực tiếp, diễn viên không cần thuộc thoại, đạo diễn có thể thị phạm ngay trong lúc ghi hình.

Theo Mộng Vân, ngoài lực lượng lồng tiếng phim bộ nước ngoài tương đối ổn định (vốn tập trung toàn “cao thủ” giọng đẹp, nhạy cảm, đọc diễn xuất và ứng biến cực nhanh) chỉ gói gọn trên dưới 30 người, còn lại số cộng tác viên lồng tiếng phim Việt là không hạn chế. Ngoài một số diễn viên có thâm niên trong nghề diễn xuất, tham gia lồng tiếng lâu năm (Khánh Hoàng, Tú Trinh, Kim Xuân, Đàm Loan, Tấn Thi…), một số diễn viên có giọng thoại tốt tự lồng tiếng cho vai của mình, rồi cũng thường xuyên cộng tác lồng tiếng (Lý Thanh Thảo, Thanh Vân, Quý Bình…) - số này thường rất ít; những người xem lồng tiếng như một “nghề” kiếm sống thực sự - số này cũng không nhiều; một số cộng tác viên là ca sĩ, MC, người đọc thuyết minh; còn lại là một lực lượng đông đảo sinh viên của các trường sân khấu điện ảnh, văn hóa nghệ thuật đã theo phim và lân la với nghề lồng tiếng từ năm I, năm II, hoặc học viên của các lớp đào tạo lồng tiếng đang mở ra ngày càng nhiều (thường “năng khiếu” có phần hạn chế vì không có khâu sàng lọc đầu vào, học viên chỉ đóng tiền học vì sở thích là chủ yếu)…

Tuy nhiên, theo một thành viên của FAFILM Việt Nam, thì vẫn có thể điểm qua một số nhóm lồng tiếng có uy tín hiện nay tại TP.HCM: FAFILM vẫn giữ vị thế ở dòng phim bộ với 3 nhóm TVB, Singapore, Đài Loan; nhóm của công ty Trí Việt chuyên lồng cho phim Hàn Quốc, hoạt hình phát trên HTV3 (khoảng hơn 10 người, được tổ chức khá quy củ); trung tâm dịch vụ truyền hình HTV; đài PT-TH Vĩnh Long cũng tổ chức nhóm lồng tiếng riêng tại TP.HCM lồng các bộ phim phát sóng trên đài; các nhóm “kỳ cựu” Hồng Phúc, Mộng Vân, Xuân Tâm, Phước Trang… thường gắn với phim Việt Nam.

Tuy thị trường phim bộ bị thu hẹp nhưng sự xuất hiện của “giờ vàng phim Việt” (mà bộ phim Vòng xoáy tình yêu của Lasta đi tiên phong vào năm 2005) đẩy tỷ lệ phát sóng phim Việt của các đài tăng nhanh (VTV: 35 - 40%, HTV: 40 - 45%) mà đỉnh điểm là chỉ tiêu dành 30% thời lượng phát sóng phim cho phim Việt ở tất cả các đài truyền hình trên cả nước theo Nghị định số 54/2010/NĐ-CP thì số tập phim phải lấp sóng hàng năm là một con số khổng lồ, kéo theo đó là nhu cầu lồng tiếng phim Việt cũng tăng mạnh.

Sau một vài phim theo đuổi công nghệ thu tiếng trực tiếp, các nhà sản xuất nhận ra rằng Việt Nam không phải là… Hollywood mà có đủ thiết bị kỹ thuật, môi trường cách âm bảo đảm cho quá trình thu tiếng. Vì nếu thu tiếng trực tiếp, thì kinh phí sẽ đội lên cao, đoàn phim cần chuyên nghiệp hơn, diễn viên cần giỏi nghề và thuộc thoại. Trong khi cả 5 năm qua, kinh phí cho mỗi tập phim (nếu nhìn từ HTV) giậm chân ở mức 180 triệu đồng. Chưa kể số diễn viên đạt yêu cầu cả về diễn xuất lẫn đài từ khá hạn chế. Với tốc độ quay phim 2 ngày 1 tập (thậm chí là 2 ngày 3 tập) như hiện nay thì diễn viên nào thuộc nổi thoại để thu trực tiếng trực tiếp? Vậy tội gì không quay lại công nghệ lồng tiếng truyền thống vừa tiết tiệm thời gian, vừa hạn chế được cái “dở” của diễn viên? Thành thử, diễn viên không cần quá bận tâm đến việc học thoại, cứ việc ra phim trường là đã có sẵn phó đạo diễn “nhắc tuồng”, lỡ nói sai, nói nhịu, nặng giọng địa phương mà không có thời gian quay lại cũng không sao vì những lời thoại này cùng với mớ tạp âm đem về làm hậu kỳ đã có phần lồng tiếng “giải quyết” giùm.

Khi nào mà phim Việt Nam vẫn được làm với tốc độ “điện xẹt” như hiện nay, khi những chân dài, hot boy, hot girl… vẫn còn tràn ngập màn ảnh thì “ngày tàn” của nghề lồng tiếng ư? Vẫn còn xa lắm!

Nhiệm vụ của người phụ trách nhóm lồng tiếng (trưởng nhóm, còn được gọi là "sếp la-tô" - chef deplateau) tương đối nặng với nhiều công việc lớn nhỏ có thể xem như là một "đạo diễn tiếng" dù ở Việt Nam vẫn chưa có chức danh này. Nhận phim về, trưởng nhóm (thường đạo diễn sẽ chọn nhóm lồng tiếng) phải xem trước, phân đoạn kịch bản, ghi chú rõ tính cách từng nhân vật, yêu cầu diễn xuất từng phân đoạn, phần "màu" (tức âm thanh: khóc, cười, ho, rên rỉ, thở dài, thét, "mi gió"...), nắm rõ diễn xuất của diễn viên, nghe kỹ xem ai thoại chưa tới... từ đó phân vai lồng tiếng, cũng như hướng dẫn nét diễn cho diễn viên.

Bài 2 & hết: Tiếng nói khác từ Hollywood


Ninh Lộc - Văn Bảy - Huyền Thơ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm