27/06/2011 14:18 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - LTS: “Sự thô sơ của những cỗ xe vận tải trong thế kỷ 19, khiến người ta nghi ngờ về sự có mặt của những cỗ xe cổ xưa. Đặc biệt là xe đẩy một bánh bằng gỗ đặc cho thấy khoa chế tạo xe ở nước ta rất lạc hậu” - họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng tiếp tục câu chuyện về các phương tiện đi lại của người Việt sau bài Sống và chết trên thuyền trên TT&VH số vừa qua.
1. Nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam cái thuyền xuất hiện trước cái xe, thậm chí với ý kiến này, đến thế kỷ 11, Đại Việt cũng chưa dùng đến phương tiện xe. Dấu tích lịch sử để lại không khẳng định cái xe ra đời ở nước ta như thế nào, nhưng người Trung Hoa có xe ngựa từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, và khi quan thái thú Trung Hoa sang cai trị ở Việt Nam cũng đi lại bằng xe ngựa. Việc đó diễn ra khoảng đầu Công nguyên đến thế kỷ 2.
Tác giả Phan Cẩm Thượng tại buổi ra mắt sách và triển lãm về “Văn minh vật chất của người Việt” tại Đà Nẵng hôm 25/5
Hình ảnh bánh xe có trong điêu khắc Champa vào thế kỷ 10, còn trong văn thơ của Nguyễn Trãi thế kỷ 15 cũng nhắc đến xe cộ. Khi các vua Trần chạy giặc Nguyên, người ta gọi là xa giá hai vua (Thái thượng hoàng và hoàng đế). Chúng ta không rõ xa giá chỉ là từ để chỉ đoàn vi hành của vua, hay là nhất thiết vua phải ngồi trên xe ngựa. Sự thô sơ của những cỗ xe vận tải trong thế kỷ 19, khiến người ta nghi ngờ về sự có mặt của những cỗ xe cổ xưa. Đặc biệt là xe đẩy một bánh bằng gỗ đặc cho thấy khoa chế tạo xe ở nước ta rất lạc hậu.
2. Cái bánh xe đã ra đời như thế nào với nguyên lý quay duy nhất. Có lẽ bàn nghiền thời nguyên thủy cho người ta cảm giác rõ rệt về sự quay, khi người ta dùng một chiếc chầy đá ngoáy dọc, hoặc lăn ngang trên bàn nghiền bằng đá để nghiền nhỏ các hạt ngũ cốc, giống như hiện nay các bà già dùng một chiếc chai nghiền đỗ xanh trên mâm đồng. Sau đó là cối xay lúa, bàn xoay làm gốm đã gợi ý cho việc chế tạo bánh xe. Người ta cho rằng bánh xe chỉ là mặt chiếc cối xay đá quay dọc lên.
Nhưng trong lịch sử làm gốm người ta chế tạo những bàn xoay bằng đá, để giảm độ nặng người ta đã trổ những khoảng rỗng trong bàn nghiền khiến nó rất gần chiếc bánh xe với những nan hoa. Thực ra ngay từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, những chiếc xe ngựa Hy Lạp đã rất hoàn thiện, bánh xe được đúc bằng kim loại có nan hoa quay trên trục rất trơn tru. Trong nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, xe ngựa kéo đã xuất hiện. Người Maya trong nền văn minh cổ xưa Mexico đã biết làm bánh xe cho đồ chơi của trẻ con, nhưng không hiểu tại sao họ lại không vận dụng trong đời sống và xây dựng. Trong nền văn minh Ấn Độ bánh xe lại ra đời khá sớm, nhưng là nguyên lý luân hồi, bánh xe mặt trời và từ đó đến cái bánh xe thật cũng mất nhiều thời gian nữa.
3. Chúng ta không còn một chiếc xe nào cổ xưa để có thể khảo cứu chính xác, nhưng có thể hình dung những cỗ xe thời phong kiến qua những xe ngựa xe trâu bò kiểu thức không thay đổi nhiều từ thế kỷ 19 đến thời bao cấp gần đây.
Những cỗ xe phong kiến có bánh gỗ, có nan hoa nối từ ổ trục ra vành ngoài tương đối khỏe, chuyển động tròn trên một trục gỗ cứng. Tuy nhiên trục này vẫn tỳ trực tiếp vào ổ trục nên ma sát rất lớn, khiến bánh xe khó có thể quay, và tuổi thọ của ổ trục không cao. Người Trung Hoa thường làm trục xe bằng gỗ cức hay gỗ lê, gỗ táo những loại gỗ rất cứng. Ở Việt Nam không thiếu gỗ cứng như vậy. Để ổ trục có thể giữ cho bánh xe chạy đều và bền người ta phải làm ổ trục rất dày và lớn đồng thời bôi mỡ động vật vào lòng trong ổ trục cho trơn.
Ở miền Bắc về căn bản người ta chỉ thiết kế những xe do một động vật kéo, trong khi người Trung Hoa có thể điều hành xe hai ngựa, ba ngựa và bốn ngựa, nhưng ở miền Nam không hiếm những xe hai động vật kéo, đặc biệt là xe bò. Người nông dân miền Bắc cũng chỉ cày bừa bằng một trâu kéo, nhưng nông dân miền Nam có thể cày bằng đôi trâu hoặc đôi bò. Vùng trung du đến vùng cao miền Bắc còn sử dụng trâu kéo xe rất phổ biến. Đó là những con trâu đặc biệt, nặng đến cả tấn, sừng cong dài, khi đi các bàn chân đặt đúng vào một đường thẳng và lưng có thể đặt một bát nước mà không đổ. Bánh xe miền Bắc hầu như không bao giờ cao quá thành xe, nhưng những bánh xe miền Nam, có thể cao hơn thành xe, đường kính lên đến hai thước, thành xe lọt thỏm vào hai làn bánh đang quay.
Ngựa và bò cũng được dùng phổ biến trong kéo xe, nhưng hai động vật này ở nước ta thường thấp bé, sức kéo cũng hạn chế, cho nên xe ngựa chủ yếu dùng chuyên chở khách đi xuyên huyện và làng gọi là xe thổ mộ, và có xe ngựa và xe bò vận tải hàng hóa không quá nặng ở thành phố và nông thôn đường bằng. Khi kỹ nghệ phương Tây du nhập, người Việt bắt đầu biết đến ổ bi rời bằng kim loại lắp thêm vào ổ trục gỗ, trục xe tỳ khít vào những viên bi trong ổ quay, làm cho bánh xe triệt tiêu bớt ma sát, quanh nhanh và trơn tru. Chiến tranh đã để lại nhiều ô tô hỏng, dân vận tải bèn lấy bánh xe ô tô lắp vào xe động vật kéo, khiến một con bò có thể kéo một khối lượng hàng hóa lớn.
Kỳ 4: Chuyện chiếc cối xay
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất