17/06/2011 14:07 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Có thể ghi điều đó vào sách… kỷ lục thế giới vì sự chậm trễ trong việc cấp đất cho thiết chế văn hóa - khoa học quan trọng này. Còn nhớ, cách đây 3 năm, ngày 8/8/2009, báo TT&VH đã có bài viết Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - chờ tới bao giờ. Nhưng giờ đây, Bảo tàng này vẫn phải chờ.
30 năm. Đó là cách tính của ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (BTTNVN), nghĩa là từ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu ý tưởng về một bảo tàng thiên nhiên để rồi từ đó bắt đầu những khởi động đầu tiên cho việc hình thành thiết chế văn hóa - khoa học này.
Tuy nhiên xét về mặt “danh chính ngôn thuận” thì BTTNVN đến nay tròn sáu tuổi, tính từ khi có quyết định thành lập. Vâng! Sáu tuổi ấy, lẽ ra, Bảo tàng đã làm được rất nhiều việc để có thể trưng bày bộ sưu tập khổng lồ về thiên nhiên Việt Nam từ cổ đại đến hôm nay... Tuy nhiên điều cần có đầu tiên thì BTTNVN lại chưa có. Đó là đất để xây cất bảo tàng.
BTTNVN mới trưng bày được 3 khúc gỗ hóa thạch
Những hiện vật quý nằm trong kho
chưa có điều kiện trưng bày
Tới thăm BTTNVN hôm nay sau 12 năm lập dự án và 6 năm ra mắt bảo tàng, chúng tôi phải đến Viện KH&CN Việt Nam, đi sâu vào bên trong tới khu nhà cũ kỹ xây dựng từ giữa thế kỷ trước. Đó là cơ ngơi vô cùng tạm bợ cho một thiết chế bảo tàng tầm cỡ quốc tế là BTTNVN.
Khu nhà cũ này đã được Viện KH&CN Việt Nam cho mượn để lấy nơi làm việc và làm kho cất giữ mẫu vật, hiện vật sưu tầm. Đập vào mắt đầu tiên là mấy khúc gỗ hóa thạch kê giữa khu nhà. Những khối đá mà triệu năm trước là những cây gỗ ấy, giờ trơ trọi giữa cái không gian cũ kỹ, chật chội. Trên bức tường tòa nhà là dòng chữ màu xanh Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cạnh đó có hình con sao la - biểu tượng của BTTNVN...
12 năm dõi theo từng bước đi của bảo tàng non trẻ và kỳ thú này, tôi không khỏi buồn lòng khi gặp lại ban lãnh đạo nơi đây. Ông Phạm Văn Lực, ông Trần Văn Ý và Trịnh Xuân Sơn mối lần gặp nhà báo lại nhăn nhó than trời kêu đất vì chả có “đất cắm dùi”. Các anh dẫn khách đi thăm Bảo tàng mà thực ra là đi ngó vào các căn phòng chật hẹp chất đầy mẫu vật thiên nhiên. Hàng trăm ngàn mẫu vật đã được sưu tầm bằng nhiều nguồn khác nhau đang được cất vào kho. Cả một kho ngà voi, sừng tê, xương hổ... hàng ngàn mẫu bò sát côn trùng quý hiếm... Tất cả về ngự trong những căn phòng chật chội thiếu điều kiện bảo quản đúng theo yêu cầu.
Thăm khu chế biến lưu trữ xác động vật ở góc Viện KH&CN Việt Nam, điều ấn tượng nhất là mùi hôi thối từ việc xử lý các mẫu động vật mới được đưa về. Không có không gian và điều kiện làm việc tối thiểu, các nhà khoa học đã phải xử lý các xác chết động vật hoàn toàn thủ công, nghĩa là dùng tay bóc da, cạo xương ngâm rửa những bộ xương thối lâu ngày ấy ngay giữa sân Viện. Mùi hôi thối của xác động vật, bốc lên xông vào các khu nhà làm việc cạnh đó của Viện.
3 lần mừng hụt
12 năm kể từ khi Dự án đầu tư xây dựng BTTNVN đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương tại văn bản số 807/CP - KG ngày 4/8/1999 và văn bản Thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BTTNVN số 1147/CP-KG ngày 25/9/2002 xác định xây dựng tại phường Xuân La, quận Tây Hồ. Nhưng rồi không biết đất ấy là đất vàng hay do chật chội mà người ta đề nghị chuyển đến một địa điểm mới.
Ngày 4/10/2006 Sở QHKT Hà Nội có công văn số 1654/QHKT - P1 đề xuất báo cáo UBND TP xem xét chấp thuận địa điểm xây dựng BTTNVN tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm phía Nam đường Láng Hòa Lạc với quy mô diện tích 10 ha. Từ đây ngỡ đã có đất, BTTNVN đã triển khai chuẩn bị đầu tư đo đạc bản đồ tỷ lệ 1/500... Nhưng rồi có văn bản chỉ đạo khu vực này dành để ưu tiên bố trí các công trình dịch vụ hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Vậy là thêm một lần nữa BTTNVN lỡ mất cơ hội có đất xây dựng.
Quá tam ba bận lỡ hẹn nên BTTNVN đành xuống nước bằng cách xin thành phố Hà Nội cho chỗ nào đó xa xa trung tâm cũng được, miến là chỉ cách trong khoảng 20km. Năm 2008, Sở QHKT Hà Nội đề xuất chọn địa điểm tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai với diện tích khoảng 20 ha trong ranh giới nghiên cứu quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đô thị sinh thái Ngọc Liệp - Đồng Trúc được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt. Vấn đề ngỡ chẳng còn gì để lo lắng nữa, nhưng không hiểu sao hai năm sau, việc cấp đất vẫn chưa được triển khai. Khó khăn lại nảy sinh do địa điểm đề xuất cho BTTNVN tại xã Ngọc Liệp trước đó đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp cho một doanh nghiệp kinh doanh nhà rồi. Lại phải chờ điều chỉnh quy hoạch(?).
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiếp nhận những mẫu vật quý
Lại chờ
Có lẽ thương BTTNVN chờ đợi quá lâu, ngày 7/6/2010, Sở QHKT Hà Nội có văn bản 2139/QHKT- P5 gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận địa điểm xây dựng BTTNVN. Sau khi nêu những điều kiện cần thiết phù hợp với địa điểm xây dựng BTTNVN, rằng: “Địa điểm Sở QHKT đề xuất nêu trên có cảnh quan đẹp, giáp sông Tích, có điều kiện tiếp cận thuận lợi về giao thông, đồng thời đáp ứng được nhu cầu quỹ đất xây dựng BTTNVN. Sở QHKT kính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét có ý kiến về vị trí dự kiến xây dựng BTTNVN... Xin gửi kèm sơ đồ vị trí dự kiến xây dựng BTTNVN để báo cáo...”.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay sau khi quá hạn trả lời gần một năm, Bộ Xây dựng vẫn im lặng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, còn lấn cấn gì tại đây để việc ra văn bản của Bộ Xây dựng chậm trễ như vậy!
Không chờ đợi nổi sự im lặng quá lâu của Bộ Xây dựng, Viện KH&CN Việt Nam - cơ quan chủ quản của BTTNVN - đã hai lần làm văn bản gửi Bộ Xây dựng. Văn bản gần đây nhất, ngày 19/5/2011 ghi rõ: “một lần nữa khẩn thiết đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sớm cho ý kiến giải quyết dứt điểm việc xác định địa điểm xây dựng BTTNVN để Viện có điều kiện triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy hoạch hệ thống BTTNVN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...”.
Vậy là sau ba lần chuyển địa điểm, sau 12 năm chờ đợi và hy vọng, đến nay BTTNVN vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Vì sao việc cấp đất cho một thiết chế văn hóa khoa học Nhà nước lại khó đến thế? Câu trả lời đang được mong chờ từ phía Bộ Xây dựng.
Việt Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất