Văn hóa toàn cảnh trong tuần: Sóng gió

28/05/2011 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Giữa mùa Hè mà Hà Nội lại có gió mùa, còn mùa mưa ở TP.HCM bắt đầu sớm hơn mọi năm nhưng khí hậu nóng nực hơn cả mùa khô và “thời tiết” văn hóa nghệ thuật trong nước cũng… sóng gió theo.

Sóng gió cấp mạnh nhất đã “táp” vào ngành du lịch sau tai nạn thảm khốc chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và vài khách nước ngoài. Sự việc này không chỉ làm người dân và nhà chức trách bàng hoàng mà còn hạ chỉ số an toàn về du lịch của nước ta xuống thấp, nhất là khi cứ đọc báo là thấy “quả bóng” trách nhiệm đang được đá từ chân người nọ sang chân người kia, thậm chí “bóng” còn đến cả chân những người xấu số. Trong nửa năm mà có tới 3 vụ chìm tàu du lịch (2 vụ ở Hạ Long) làm chết hàng chục người thì cho dù có giảm giá, khuyến mãi hay thậm chí… cho không thì chắc cũng chẳng du khách nào còn dám lên tàu du lịch nữa.



Một lĩnh vực khác đã, đang (và chắc là sẽ) phải chịu đựng sóng gió dai dẳng là các di sản, di tích còn chuyện ngăn chặn, khắc phục thì dường như vẫn vô phương. Ở Vũng Tàu, hàng loạt di tích quốc gia thành phế tích, đó là ang-ten viba trên Núi Lớn - hệ thống ra-đa hiện đại bậc nhất Đông Dương do quân đội Mỹ dựng năm 1967, giờ hoen gỉ giữa không gian đang bị xé nhỏ để trở thành nhà hàng, khách sạn; trận địa pháo cổ Cầu Đá cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ… Ở Huế, lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên Bắc Khuyết đài ở cổng sau Hoàng thành vừa được Nhà nước trùng tu với kinh phí 9,3 tỷ đồng đã được cho thuê để mở quán cà phê. Theo những người trong cuộc thì đây là một cuộc thử nghiệm tạo ra “cuộc sống” cho di tích, nhưng thử nghiệm theo kiểu này thì e hơi mạo hiểm và không cần thiết vì đã có nhiều bài học được rút ra sau khi nhiều di tích được sử dụng làm nhà hàng và bị thực khách tàn phá không thương tiếc. Rồi An Lăng, nơi thờ 3 vị vua xấu số nhà Nguyễn cũng đang xuống cấp nghiêm trọng…



Di tích thì thế, bảo tàng vừa khánh thành với kinh phí xây dựng khổng lồ 2.300 tỷ cũng không thoát cảnh “xuống cấp”. Cảnh tượng tủ trưng bày trống trơn, hiện vật dầm mưa dãi nắng ngoài trời, dây điện thì loằng ngoằng trên sàn với lưa thưa vài khách tham quan của Bảo tàng Hà Nội được vị giám đốc lý giải rằng công trình mới chỉ hoàn thành phần xây dựng và khai trương để kịp cái đích đại lễ, sau đó đóng cửa để hoàn thiện công tác trưng bày. Ông cũng cho biết hiện đã có 60.000 hiện vật nằm trong bảo tàng.



Sóng gió cũng sẽ ảnh hưởng dài dài tới làng nhạc khi tuần trước mới có “hiện tượng” Phương My với ca khúc Nói dối thì tuần này “nữ hoàng thảm họa V-pop” Phi Thanh Vân trở lại tranh giành ngôi vị bằng ca khúc Tâm hồn vĩnh cửu còn “lợi hại” hơn cả 2 bài “thảm họa” Da nâu trước đó. Đã thế, Phi Thanh Vân còn khẳng định sẽ “hát đến hơi thở cuối cùng”! Trước đó chưa lâu, ca sĩ trẻ Quỳnh Nga bị phát hiện hát nhép thì tuần này tới lượt Thu Thủy đánh rơi micro mà giọng vẫn vang vang. Dư luận lại dậy sóng phong trào diệt hát nhép khiến người ta nhớ lại sáng kiến khá lãng mạn được một forum đưa ra cách đây vài năm là lấy 1 triệu chữ ký để chống hát nhép.



Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, hội thảo chủ đề Ca khúc cho nhà trường phổ thông - Thực trạng và giải pháp vừa diễn ra tại Hà Nội. Ca khúc Chú ếch con được một em thiếu nhi gốc Việt trình bày ở Italia với cách dàn dựng công phu, hấp dẫn đang làm mưa làm gió trên YouTube đã được mang ra “mổ xẻ” nhưng giải pháp để “hàng nội” hấp dẫn được như thế vẫn chưa có lời đáp.

Cuộc thi và triển lãm nghệ thuật quốc tế lần thứ sáu tại Việt Nam 2011 (VN 11) đã khai mạc với sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế. Ngoài đề tài tự do, riêng năm nay, cuộc thi có thêm chủ đề Hình ảnh Việt Nam qua ống kính bạn bè quốc tế dành cho các tác giả nước ngoài. Đặc biệt hơn, năm nay, quy cách của tác phẩm dự thi cũng được đổi mới, người dự thi có thể gửi ảnh dưới dạng file ảnh kỹ thuật số. Cuộc thi nhận tác phẩm từ 15/6 và trao giải vào cuối tháng 11/2011. Cũng trong lĩnh vực nhiếp ảnh, một vinh dự vừa được trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh khi anh được Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế FIAP trao tước hiệu Master Photographer Of FIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy) cùng 11 nghệ sĩ khác trên thế giới với bộ ảnh đen trắng Cảm xúc tuổi thơ miền quê Việt Nam (ảnh). Lê Hồng Linh từng nhận được trên 10 tước hiệu nhiếp ảnh, đoạt gần 400 giải thưởng quốc tế và có 21 tác phẩm được trưng bày tại các bảo tàng nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế.



Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh một lần nữa mang lại vinh quang cho tác giả, nhà văn Bảo Ninh - với Giải thưởng châu Á của báo Kinh Tế Nhật Bản (Nikkei Asia Prizes). Bảo Ninh là đại diện đầu tiên của Việt Nam được nhận giải với tư cách là nhà văn. Lễ trao giải đã diễn ra tại khách sạn Imperial ở Tokyo vào ngày 25/5.

Yxine Film Fest, tiệc phim trực tuyến dành cho phim ngắn mùa thứ hai sẽ khởi động vào 29/5 tới và kéo dài trong 7 tháng. Năm ngoái, sân chơi này đã thu hút đông đảo bạn trẻ yêu điện ảnh trong nước và người Việt trên khắp thế giới tham gia, gây chú ý với những người làm phim chuyên nghiệp. Các phim tham dự trình chiếu online tại tại địa chỉ www.yxineff.com ở 3 danh mục: Tranh giải, Toàn cảnh và Cận cảnh kể từ ngày chính thức bắt đầu đến hết ngày 28/8, lịch chiếu sẽ được công bố vào ngày chiếu phim khai mạc 2/9.2011 và lễ trao giải dự kiến được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 31/12.

Một sự kiện khác cũng đáng được chờ đợi là Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật CAMA sẽ bắt đầu vào lúc 13h ngày thứ Bảy 28/5 tại (19 - 21 Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lần thứ năm được tổ chức, sự kiện thường niên này hứa hẹn sẽ là lễ hội âm nhạc sôi động đầy chất Rock với nhóm nhạc P.K.14 (Trung Quốc), Okamoto (Nhật), The Standards (Anh/TháiLan), Ball Park Music (Úc), 6789 (Malaysia/Việt Nam) cùng với sự kết hợp của các ngôi sao nhạc Rock và nhạc điện tử trong nước như Phương Đặng, Trí Minh và Vũ Nhật Tân.

Bàn Phím

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm