Cản trở vô hình của cơ chế xin - cho

03/02/2011 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tự nhận mình là “vú em”, là “ô sin” thầm lặng của giới văn nghệ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung Ương) thường xuyên có mặt trong các triển lãm, sự kiện, chương trình nghệ thuật. Vẫn khuôn mặt nhỏ, dáng người nhỏ, nụ cười hiền, mái tóc dài điểm bạc, ăn vận giản dị trên chiếc xe đạp cũ, ông đi khắp nơi, đến với những người nghệ sĩ đang cần ông, và ông cũng cần họ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chính là chiếc cầu thanh mảnh mà vững chãi, nối giữa nghệ sĩ và những nhà quản lý… Trước thềm năm mới, ông chia sẻ cùng TT&VH về nghệ thuật nước nhà cũng như công việc của ông trong thập kỷ qua.

Cái nhạt khó tránh trong buổi giao thời

* 10 năm qua, ông có nhận xét gì về sự phát triển chung của nghệ thuật Việt Nam?

- Với riêng tôi, thập kỷ đầu thế kỷ đã vụt qua, nhanh đến ngỡ ngàng nhưng cũng kịp để lại một toàn cảnh nghệ thuật Việt không thiếu những nét chấm phá thỏa mãn thị giác bề mặt của bất kỳ ai. Cũng đủ vui để mà kỳ vọng. Nhưng nỗi buồn thì vẫn dai dẳng, khó ngắt khi những cản trở vô hình của cơ chế xin - cho vẫn không hề suy suyển. Số đông người làm nghệ thuật vẫn vui lòng từ năm này sang năm khác nhận đồng tiền tài trợ của Nhà nước như một thứ lộc trời đương nhiên, dửng dưng và vô can với những tác phẩm nghệ thuật được các hội nghề nghiệp nghiệm thu nhưng chẳng ai biết đấy là đâu và không để làm gì.

* Còn hướng đi của nghệ thuật Việt Nam trong mười năm đó? Và ở mỗi loại hình?

- Dòng chảy khỏe mạnh, tự tin của nghệ thuật Việt trong những thập kỷ đầu của đổi mới và hội nhập cứ như đã sớm bằng lòng nhanh với dung nhan “vang bóng một thời” mở cửa. Và cứ như nó chẳng liên quan gì đến thập niên đầu của thế kỷ sau.

Có thể là tôi nghĩ quá, đòi hỏi quá nên nói vậy. Vì dù sao, 10 năm qua, mỗi loại hình nghệ thuật đều tự mình nhận diện, xoay chuyển, tìm kiếm cơ may cho những cuộc cách tân ngôn ngữ và thay đổi thị hiếu thẩm mỹ. Các nghệ sĩ trẻ vượt lên, bứt phá nhanh, gây sốc và gây khó cho các nhà quản lý khi không gian nghệ thuật đương đại ngày một rộng ra, gần hơn với thế giới bên ngoài nhưng vẫn giữ một khoảng cách khó gần với công chúng trong nước.

* Ông có thể nói cụ thể hơn về loại hình nào phát triển mạnh mẽ và loại hình nào bị suy giảm, loại hình nào đang ở mức báo động?

- Ai cũng thấy ngay là mỹ thuật vẫn cả gan đương đầu với cái mới, cái khác và quả quyết lựa chọn sự dấn thân không vụ lợi cho nghệ thuật. Tôi chia sẻ cái nhạt khó tránh trong buổi giao thời của nhiều loại hình nghệ thuật khác khi các nghệ sĩ trẻ vẫn đơn độc tìm kiếm những con đường riêng, từ chối khoác tay nhau làm nghệ thuật tập thể, “bầy đoàn”.

Là ô sin thầm lặng của giới văn nghệ

* Ông có thấy ông là một trong số ít ỏi các nhà quản lý luôn đi sâu đi sát vào đời sống nghệ thuật nước nhà nói chung, mỹ thuật nói riêng?

- Vài thập kỷ qua, tôi vẫn là vú em, là ô sin thầm lặng của giới văn nghệ. Nếu có chức phận hiện thời, cũng chỉ là để giúp tôi làm tốt hơn, nhanh hơn những việc cần phải làm cho người khác. Thật may mắn là cho đến lúc này, tôi vẫn đủ tư cách là một người sáng tác để đi cùng nhịp, bước cùng đường với các đồng nghiệp của tôi ở mọi khúc quanh của đời sống nghệ thuật.

* Bởi thế mà không ít lần ông đã có tiếng nói trong việc điều chỉnh các văn bản hành chính để làm sao cho phù hợp với thực tế hoạt động nghệ thuật?

- Tôi thấu hiểu nỗi khổ của những người hàng ngày đuổi theo vụ việc để làm tròn chức trách quản lý Nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật. Cho đến bây giờ, ở nước ta vẫn chưa có luật cho hoạt động nghệ thuật, luật hành nghề tự do để thừa nhận tư cách pháp nhân của người nghệ sĩ độc lập. Người làm nghệ thuật vẫn ám ảnh sự bất cập muôn thuở của cơ chế xin - cho và việc cấp giấy phép của Nhà nước. Mặc dù cho đến lúc này, đường lối văn nghệ của Đảng từ Nghị quyết 05 đến Nghị quyết 23 vẫn khẳng định sự tôn trọng tự do sáng tác của người nghệ sĩ, chấp nhận mọi phong cách cá nhân và các khuynh hướng nghệ thuật đa dạng để cùng tồn tại, phát triển và hướng tới một nền nghệ thuật đỉnh cao.

* Điểm chênh giữa các nghị định, quy chế, văn bản dưới luật trong việc quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật với thực tế nghệ thuật, theo ông là gì?

- Từ nhiều năm nay, Nhà nước bao giờ cũng chậm chân trước sự thay đổi nhanh của đời sống nghệ thuật. Người quản lý “cũ” nhanh hơn người sáng tác và thật khó để cải thiện nhanh sự bất cập này.

* Ông có mong muốn gì vào sự phát triển của nghệ thuật cũng như việc quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ rằng thập kỷ bản lề trong 10 năm tới đặt trong tay các nghệ sĩ trẻ. Họ đã phát đi những tín hiệu vui trong 10 năm qua và đặt cược sứ mệnh nghệ thuật của mình cho những cuộc dấn thân mới.

Sớm có luật, người quản lý thôi công việc giám sát hà ng ngày với người làm nghệ thuật để lãnh một trách nhiệm cao cả hơn là công tâm phát hiện những cống hiến âm thầm của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, trả lại bài vị bát hương cho họ bằng sự tưởng thưởng tôn vinh xứng đáng của Nhà nước khi dứt khoát đoạn tuyệt với cơ chế xin - cho.

* Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm