Đã tìm thấy Căn phòng hổ phách?

23/01/2010 09:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Căn phòng hổ phách ở thành phố Leningrad thuộc Liên Xô (cũ) trước đây, tức Saint Petersburg của Nga hiện nay, vốn mất tích hồi Thế chiến II, có khả năng đã được tìm thấy và sẽ ra mắt công chúng trong thời gian sắp tới.

Căn phòng hổ phách nổi tiếng nói trên được xây dựng từ năm 1701 đến 1709. Khi đó Quốc vương nước Phổ học đòi lối sống xa xỉ của Hoàng đế Pháp Louis XIV, nên đã ra lệnh cho các kiến trúc sư và nghệ nhân nước mình tạo ra một căn phòng rộng 55m2 gồm 12 bức tường, 12 cột trụ đều được khảm hoặc dát bằng hổ phách. Thời đó, hổ phách đắt gấp 12 lần giá vàng. Tổng cộng, người ta đã dùng tới 6 tấn hổ phách, vàng và đá quý, trị giá khi ấy là hơn 500 triệu bảng, để tạo nên công trình này. Trong ngày khánh thành, 565 cây nến đã được thắp sáng làm cho Căn phòng hổ phách lấp lánh, chói lọi một màu vàng.


Căn phòng hổ phách

Năm 1716, khi kết giao đồng minh với Nga, Quốc vương nước Phổ đã quyết định tặng Căn phòng hổ phách cho Sa hoàng Pyotr Đại đế. Năm 1717, công trình này được tháo rời và chuyên chở tới Saint Petersburg. Sau Cách mạng tháng Mười, Căn phòng hổ phách được đưa vào gìn giữ, bảo quản trong Cung điện Catherine và trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Liên Xô (cũ) khi đó.

Trong Thế chiến II, phát xít Đức tấn công vào Leningrad năm 1941 và bao vây thành phố. Khi đó những người làm việc ở Viện bảo tàng (nằm trong vùng bị quân Đức chiếm đóng) đã tìm cách bao bọc Căn phòng hổ phách bằng giấy và vải để ngụy trang. Nhưng quân Đức đã nhanh chóng phát hiện và tháo gỡ căn phòng, đóng gói vào 27 thùng lớn rồi vận chuyển về thành phố Koenigsberg ở miền Đông nước Phổ. Tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô (cũ) tấn công thành phố này và pháo, bom đã san bằng Koenigsberg. Kể từ đó, Căn phòng hổ phách cũng biến mất và trở thành một bí ẩn lớn.

Trong hơn 60 năm qua, có nhiều lời đồn đại về công trình từng được xem là “kỳ quan thứ 8 của thế giới” này. Có tin cho rằng Căn phòng hổ phách đã bị phá hủy trong chiến tranh. Một giả thuyết khác được nêu ra là quân Đức đã giấu nó dưới lòng hồ Toplitz của nước Áo. Hồ này có chiều dài khoảng 2km và sâu tới 103m. Vì vậy, từ năm 1945 đến 1950, các nhà khảo cổ và thám hiểm của một số nước đã lập hai trạm tìm kiếm ở bờ hồ. Sau đó, nhiều chuyên gia khác cũng đến đây với cùng mục đích nhưng thất bại.


Cung điện Catherine

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Koenigsberg được đổi tên thành Kaliningrad, thuộc Nga. Các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử của Liên Xô (cũ) trước kia cũng như Nga hiện nay đã được chính quyền các cấp trợ giúp đắc lực để tìm kiếm Căn phòng hổ phách.

Mới đây, nhà sưu tầm nổi tiếng người Nga Sergey Trifonov cho biết ông đã tìm thấy dấu vết “kỳ quan thứ 8 của thế giới”. Theo nghiên cứu của Trifonov thì hiện Căn phòng hổ phách nằm sâu dưới lòng đất chừng 12m, trong một pháo đài ngầm gần Nhà thờ Lớn của thành phố Kaliningrad. Trifonov khẳng định rằng vào năm 1945, căn phòng đã được quân Đức đưa sâu xuống lòng đất nhằm tránh bị pháo, bom tàn phá.

Trifonov nói hiện ông đang dùng loại radar thăm dò lòng đất để xác định chính xác vị trí của công trình, tiếp đó sẽ hút nước đang đọng trong hầm ngầm. Dự tính cuối tháng này, ông sẽ tìm cách mở đường xuống hầm. Thông tin trên khiến các nhà khảo cổ và sử học trên thế giới rất quan tâm. Tuy nhiên, có không ít chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi. Riêng chính quyền tỉnh Kaliningrad rất tin tưởng vào phát hiện trên và đã hỗ trợ tài chính cho Trifonov tiếp tục tiến hành công tác thăm dò.

Kiều Tỉnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm