(TT&VH) - Lúc 17h20 ngày 16/12, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hưởng thọ 100 tuổi. Tên tuổi của GS Trần Văn Giàu gắn liền với nhiều giai đoạn quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Những năm cuối đời, tên tuổi giáo sư còn gắn liền với một giải thưởng uy tín chuyên về nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam bộ: Giải thưởng Trần Văn Giàu.
GS Trần Văn Giàu |
Bắt đầu từ năm 2003, vào tháng 9 hàng năm, Giải thưởng Trần Văn Giàu được trao cho các công trình nghiên cứu ở trên hai lĩnh vực: Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và Nam bộ. Vị Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu chính là nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Sau khi cụ Trần Bạch Đằng qua đời, nhà cách mạng lão thành Tô Bửu Giám làm Chủ tịch giải thưởng này.
Theo ông Tô Bửu Giám: “Tâm nguyện của GS Trần Văn Giàu khi thành lập giải thưởng này là muốn thế hệ sau tiếp tục công việc mà cả đời ông đã theo đuổi. GS thường nói, lịch sử nước ta rất lâu dài nhưng chúng ta biết về tổ tiên mình còn rất ít. Với lịch sử Nam bộ lại càng được biết ít hơn, do đó phải nghiên cứu nhiều hơn nữa”.
GS Trần Văn Giàu đã bán ngôi nhà của mình lấy 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng để làm Quỹ Trần Văn Giàu. Từ lãi suất của 1.000 lượng vàng này, hàng năm Giải thưởng Trần Văn Giàu sẽ được trao. Theo ông Lê Sơn - cán bộ của Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu từ những ngày đầu mới thành lập, thì: “Đến nay, vì gián đoạn vài năm không trao giải do không có công trình xứng đáng, nên giải thưởng đã dư ra thêm hơn 2 tỉ đồng. Tất cả đều cộng vào quỹ gốc dành cho các năm sau”.
Được biết, cán bộ nhân viên của Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đều không nhận lương. Như ông Lê Sơn cho biết, tôi làm vì yêu quý cụ Trần Văn Giàu qua lời kể của cha tôi khi tôi hơn 10 tuổi. Chi tiết nhỏ nhoi này có thể góp phần chứng minh về sức hút của một nhân cách lớn - Trần Văn Giàu.
GS Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là Long An). Năm 15 tuổi, ông đã lên Sài Gòn học, sau đó ông du học tại Pháp. Năm 1930, ông bị Pháp trục xuất về nước do biểu tình đòi hủy án tử hình với các chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái. Sau đó, ông tham gia cách mạng và bị tù Côn Đảo. Tháng 4/1940, ông ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng rồi bị tù ở Tà Lài sau đó vượt ngục tiếp tục làm cách mạng.
Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư xứ ủy Nam kỳ, lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám ở miền Nam và được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách của Nhà nước, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học xã hội.
GS Trần Văn Giàu vinh dự được phong tặng các danh hiệu: Nhà giáo nhân dân (1992), Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh... |
Ông Lê Sơn xúc động kể: “Cụ Trần Văn Giàu rất vui về giải thưởng. Dù có bị gián đoạn do không có tác phẩm xứng đáng, nhưng giải thưởng đã tạo ra được không khí nghiên cứu lịch sử về miền đất Nam bộ. Tuy nhiên, GS Trần Văn Giàu vẫn chưa hài lòng lắm vì giải cho lĩnh vực Lịch sử tư tưởng chưa có (hiện mới có công trình thứ 5 nhận giải Trần Văn Giàu cho lĩnh vực Lịch sử). Nhiều người hiểu chưa thấu đáo ý GS Trần Văn Giàu, vì họ nghĩ rằng Lịch sử tư tưởng chỉ nằm trong triết học trong khi tư tưởng còn có ở văn hóa, tôn giáo, trong tác phẩm và hành động sống của các danh nhân Nam bộ nữa”.
Trong một lần trả lời TT&VH, PGS-TS Nguyễn Văn Lịch, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, lý giải: “Cụ Trần Văn Giàu có công trình nghiên cứu Lịch sử tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945. Cụ cho rằng, công trình đó của mình mới chỉ “vỡ ra” chứ chưa khám phá sâu vào nhiều lĩnh vực lịch sử tư tưởng khác đã hình thành ở nước ta nói chung và Nam bộ nói riêng. Quan điểm của giải Trần Văn Giàu về Lịch sử tư tưởng rất rộng chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực triết học. Các nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng Việt Nam không có một nền triết học riêng mà chỉ có những nhà minh triết. Chính vì những nhận định như thế cộng với điều lệ giải chưa được phổ biến rộng rãi nên nhiều người ngại nghiên cứu lịch sử tư tưởng Nam bộ”.
Trần Hoàng Nhân