Gốm phồn thực

30/10/2010 11:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan - gốm và tranh khắc là triển lãm cá nhân lần đầu tiên mà Âu Cơ Gallery tổ chức riêng cho một tác giả sẽ khai mạc chiều 31/ 10 tới tại số 1, ngõ 124/22, Âu Cơ, Hà Nội. Đây là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật tiếp xúc với các tác phẩm trong 10 năm trở lại đây của Nguyễn Trọng Đoan - một khuôn mặt thành danh trong làng gốm đương đại VN.

1. Gốm và tranh của Nguyễn Trọng Đoan luôn đậm đà tính dân gian, nhưng tuyệt nhiên không có sự sao chép, khiên cưỡng. Ông vẽ đủ mọi đề tài, cây cối, cỏ hoa, động vật, nhưng có lẽ hơi thở phồn thực trong gốm Đoan thật độc đáo. Hơn 200 tác phẩm độc bản, đa dạng trong hàng ngàn tác phẩm của ông khiến người xem có cảm giác mơ hồ, nhưng ngồ ngộ, hân hoan.

Từ kiểu dáng, hình khối, nét chạm khắc trang trí trong gốm và tranh đều chứa đầy ẩn ý, gợi nhớ cách đặc tả tài tình cùa Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Sức sống phồn thực thể hiện bản năng giống nòi, thể hiện cái huyền diệu của “linh tinh tình phộc’’ trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian, lễ hội dân gian được thể hiện trong tranh và gốm Đoan khiến ta nhiều khi phải ngó nghiêng, tủm tỉm cười, ngó đi ngó lại. Nhiều hình khối, kiểu dáng, cách điệu tưởng chừng trìu tượng, không rõ là cái gì. Tưởng như chỉ là bắt chước thiên nhiên, nhưng những khối tròn lớn nhỏ trong nhiều tác phẩm của ông ẩn chứa những mầm sống đang cựa quậy...

Ông chia sẻ: “Phồn thực là vấn đề trai gái, nhưng chưa đủ, còn là sự sinh và dưỡng. Và đây mới là vấn đề quan trọng. Chính vì thế, tín ngưỡng phồn thực đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thể hiện tính nhân văn, nói lên khát vọng sống, sự phồn vinh của đời sống con người’’.


Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan
2. Nguyên là giảng viên khoa Gốm ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Trọng Đoan tâm sự rằng, quanh năm suốt tháng làm việc với 3 yếu tố: đất, nước và lửa, ông đã hòa quyện và hồn nhiên truyền tải tính phồn thực cho chúng để tạo nên các tác phẩm gốm và điêu khắc đẹp, duyên dáng. Đã có thời ông đốt gốm bằng ga, làm những tác phẩm lớn, hoành tránh. Nhưng giờ, ông lại trở về đốt củi, than... Tất nhiên mỗi cách làm có những vẻ đẹp khác nhau, và nghệ thuật phải sáng tạo, chứ không phải là sao chép.

Thời nghèo khó, ông Đoan thường làm tác phẩm để bán, và những tác phẩm này đã “bị tẩu tán, hoặc biến mất’’ hết. Triển lãm này là những tác phẩm được làm trong vòng 10 năm lại đây. Có điều kiện, có người yêu quý giúp sức, ông làm để giữ chơi, chứ chả bán cho ai nữa. Mỗi tác phẩm của ông là một sự khác biệt, cho nên, đưa gốm vào chuẩn mực là rất khó. Dòng chảy sáng tạo của ông luôn tươi mới, như ông từng nói: “Tôi muốn đi và không bao giờ đến’’.

“Sự định hướng và chỉ đạo sáng tạo sẽ không bao giờ thành. Có một viện nghiên cứu từng xây lò mời tôi về sáng tác, rồi bảo tôi tuần này phải sáng tác cái này, tuần sau phải làm cái kia, và tôi bỏ luôn. Khi về nhà, tôi tự do, muốn làm gì thì làm, chán thì vẽ tranh...’’ - ông Đoan chia sẻ - “Phải có cảm hứng mới sáng tác được. Tôi cũng không thể biết trước được mình sẽ làm gì, làm như thế nào, hoa văn ra sao... Người xem cũng có sự hình dung thoải mái, phóng túng. Nhưng dù thế nào, những tác phẩm của tôi vẫn hài hòa tự nhiên’’.

Chính vì thế, nói đến gốm Đoan, đã từ lâu, giới phê bình mỹ thuật đều thừa nhận ông là một trong những người tiên phong mở cánh cửa mới cho dòng gốm hiện đại, để những sản phẩm gốm không chỉ dừng lại ở giá trị sử dụng đẹp mắt, mà hiện diện độc lập, độc bản như mọi tác phẩm điêu khắc khác, có đời sống thẩm mỹ riêng, có vị trí riêng...

H.Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm