Công khai quảng cáo… lén

01/09/2010 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Các chân dài chân ngắn sành điệu của đạo diễn Lê Hoàng liên tục trưng hàng Vera lên màn bạc, thậm chí còn đưa điện thoại di động vào sát ống kính quay phim để khán giả mắt mũi kèm nhèm đến mấy cũng đọc được dòng chữ Samsung. Giới quảng cáo ồ lên chê thô. Nhưng thực ra chuyện “đi đêm” với nhà làm phim để quảng cáo lén cho sản phẩm của mình là chuyện xưa như lịch sử truyền thông và mặc nhiên được chấp nhận. Có khác gì đâu, khi chỉ trong một phim, Die Another Day, James Bond ưa đi xe Jaguar và uống Vodka Finlandia mà đã kiếm về 120 triệu Euro đấy thôi.

Mẹo cũ trăm năm

Ai nhẹ dạ tin rằng ở New York không còn việc gì để làm cho ra hồn ngoài chuyện suốt ngày đi săn đồ hiệu, thì người đó, một là hơi thiểu năng trí tuệ, hai là - khả năng này cao hơn - đã xem quá nhiều Sex and the City. Cái serie dành cho các bà nội trợ Mỹ vừa là quần áo vừa hỏi bài về nhà của con cái vừa dán mắt vào tivi quả là có tiềm năng giải trí cao, và ít ai ngờ là chưa ra đến rạp nó đã kiếm bộn tiền cho nhà sản xuất. Bởi vì trước khi quay thước phim đầu tiên thì họ đã là bên A để ký một loạt hợp đồng với bộ phận tiếp thị B của các sản phẩm tên tuổi. Hoặc B ký với A. Hoặc tốt nhất là cả hai cùng bắt tay để ký sinh trên lưng nhau.


Sex and the City với những cô nàng sành điệu
Phát súng mở màn cho mẹo quảng cáo lén có lẽ là phim Défilé du 8e Battalion của anh em nhà Lumière hồi 1896, hai bậc tiên phong của thế giới hình ảnh động. Đoạn đầu chiếu cảnh một đô thị lớn, người ngợm đi lại tấp nập, đột nhiên một cái xe cút kít lao vào hình và trên đó là một hòm gỗ có in chữ Sunlight – tên một loại xà phòng của công ty Lever Brothers. Sản phẩm của họ vẫn được bán cho đến hơn 100 năm sau, cả ở đất ta (bột giặt OMO), dĩ nhiên không chỉ nhờ chất lượng. Hôm nay Sex and the City có đỡ trắng trợn hơn trong quảng cáo, song về bản chất thì tuy hai mà một. Nói công bằng thì Sex and the City đã nâng nghệ thuật tiếp thị bằng cách tuồn sản phẩm vào phim ảnh (thuật ngữ chuyên môn là Product Placement) lên một bậc mới: không phải lén đưa hàng vào phim, mà sáng tác kịch bản làm nền cho sản phẩm. Ngay từ khi còn là serie truyền hình, bộ phim dạy ta rằng phụ nữ chỉ có thể nâng cao giá trị của mình qua giày dép và váy hiệu; và phong cách sống sành điệu nhất là tiêu dùng không mệt mỏi.

Những tấm gương sáng

Không phải đợi lâu, một loạt sự kiện ăn theo bùng nổ. Trong phim A View to a Kill tài tử Roger Moore đeo đồng hồ Seiko, xài vali Louis Vuitton và đi ô tô Renault, giúp các tên tuổi đó lên bậc thời thượng. Người ngoài hành tinh E.T. được dụ dỗ ăn chocolate của hãng Hershey’s, ngay tháng sau hãng này tăng doanh số hơn 70%. Phim Risky Business đưa doanh số kính râm Wayfarer của Ray Ban tăng lên 83%. Bài hát Fortunate Son của ban nhạc Creedence Clearwater Revival được đưa vào tối thiểu 7 phim liền (Forrest Gump, Die Hard 4.0…) nhất định không chỉ vì có giai điệu bi thảm…

Phim Sex and the City xét cho cùng cũng chỉ nhai lại những mánh khóe này một cách khéo léo. Để rồi những gì các vai chính như Carrie (vai diễn của Sarah Jessica Parker) đắp lên người, xỏ vào chân, bôi lên mặt… sẽ được các fan tóc dài khắp thế giới noi theo. Dự đoán các hợp đồng quảng cáo sẽ dày hơn kịch bản gấp bội phần. Chuỗi 170 cửa hiệu giày Goertz (Đức) tạo hẳn một dòng giày dép mang tên Sex and the City và được dùng áp phích quảng cáp phim dán lên cửa kính mặt tiền. Mercedes cũng không kém cạnh khi trả một đống tiền để được đưa mẫu Mercedes mui trần mới tinh và bốn chiếc Maybach vào phim, thậm chí một cảnh tình tứ trên cốp xe cũng “sơ ý” để lộ ra ngôi sao ba cánh đặc trưng cho xe Mercedes địa hình! Rồi thì computer HP, sâm banh Moet & Chandon, pha lê Swarovski, rượu Campari, bim bim Pringles... vì dù sao các nhân vật cũng cần xe cộ để đi lại, đồ ăn thức uống và máy tính chứ! Có lẽ chỉ còn thiếu võng xếp Duy Lợi hay mái hiên di động Phú Thành.


Để chính xác như Bond chỉ có thể là Omega
Tiến thoái lưỡng nan

Xưa nay, ai trả tiền thì đăng quảng cáo, vì vậy cũng chả cấm được Product Placement. Liên minh châu Âu chỉ cấm quảng cáo lộ liễu (“Ôi, đi BMW mới tuyệt làm sao!”) vì ngại thương mại quá độ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật, chứ thực ra nếu cấm hẳn thì sẽ không còn xe Công thức 1 nào được lên đường đua, không huấn luyện viên bóng đá nào được họp báo trước phông màn in dày đặc những Adidas và Converse, hoặc phim ảnh sẽ chết đói vì thiếu nhà tài trợ. Tuy nhiên một số nước châu Âu đã chuyển sang dùng sản phẩm có tên hư cấu khi lên hình để khỏi mang tiếng quảng cáo lén.

Chỉ có ở Mỹ, xứ sở của những khả năng vô tận, là mọi việc vẫn tươi tỉnh tiếp diễn. Trong Sex and the City, Sarah Jessica Parker (SJP) “hét” được cát-sê 15 triệu USD (chỉ thua Angelina Jolie với 20 triệu trong Salt) cũng chỉ có tính tượng trưng, vì cô kiếm “bẫm” hơn nhờ quảng cáo lén. Trên áp phích quảng cáo, cô diện áo dài trắng của Halston Heritage, và hôm sau cửa hiệu cũng có bán đồ y hệt với giá 325 USD. Ai dám coi đó là “ngẫu nhiên”, khi Parker là giám đốc sáng tạo của Halston Heritage và ký được hợp đồng để 5 trong số 40 áo dài trong phim là do công ty cô cung cấp? Đúng dịp phim ra rạp lại còn có nước hoa “SJP” ra cửa hàng. Parker cả quyết với tạp chí Forbes là cô làm chuyện đó “không vì ham tiền”. Nếu vậy thì chỉ còn một vế để hiểu, cô làm thế là vì nghệ thuật.

Eclipse, tập mới của Chạng vạng, là một đỉnh cao bi thảm của thứ nghệ thuật lấy quảng cáo đè nội dung. Ma cà rồng Edward lần này sẽ không cắn vào cổ của nàng Bella xinh đẹp, bù lại thì chàng sẽ cắn vào... dồi nhồi tiết hay các loại xúc xích khác do công ty hàng thịt Zimbo cung cấp.

Tuy không có mẹo gì xuất sắc, song thành công tài chính của Sex and the City với một kịch bản nhạt như nước ốc sẽ lôi kéo bộ máy marketing của các phim trường khác vào cuộc đua mới. Eclipse, tập mới của Chạng vạng, là một đỉnh cao bi thảm của thứ nghệ thuật lấy quảng cáo đè nội dung. Ma cà rồng Edward lần này sẽ không cắn vào cổ của nàng Bella xinh đẹp, bù lại thì chàng sẽ cắn vào... dồi nhồi tiết hay các loại xúc xích khác do công ty hàng thịt Zimbo cung cấp. Cùng lúc với Eclipse ra mắt, Zimbo sẽ được phép dán nhãn Chạng vạng lên hai triệu gói xúc xích để lôi kéo trẻ con mua (theo thống kê, khách xem Chạng vạng nhiều nhất là các em gái từ 11 tuổi trở lên). Còn chuỗi đồ ăn nhanh Burger King hứa tặng mỗi khách hàng ăn gà rán kèm 0,4 lít nước ngọt một áp phích in hình các ngôi sao Chạng vạng. Thêm vài chục doanh nghiệp nữa xếp hàng; từ mỹ phẩm của công ty Essence đến điện thoại di động Eclipse của LG Electronics hay búp bê Barbie mới có nét mặt Bella. Tất cả quỳ phục trước cặp mắt cú vọ của Summit Entertainment là nhà sản xuất chuỗi phim Chạng vạng. Ở đó, bộ luật hà khắc của nước Mỹ tiết hạnh cấm quảng cáo thuốc lá và rượu trong phim trẻ em đã đành, song còn cấm cả... nước thơm lăn nách - vì nó gợi nhớ đến... da thịt, và qua đó sợ trẻ con liên tưởng đến sex (trong khi áp phích phim Sex and the City dán đầy đường phố thì lại okay!)


Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm