(TT&VH) - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra từ 4 - 6/8 tại Hà Nội. Đây là sự kiện làm nô nức cả làng văn trong thời gian vừa qua. Trước thềm Đại hội, TT&VH xin giới thiệu cuộc trò chuyện với một hội viên bình thường, đó là nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.
* Diễn ra cuối cùng và là ĐH toàn thể duy nhất của một Hội được chú ý nhất trong các Hội nghề nghiệp, ĐH nhà văn lần này cho anh cảm giác gì? - Lo lắng nhiều. Quan trọng nhất là chuyện bầu cử. Lá phiếu phải bầu ai xứng đáng đại diện mình, gìn giữ, phát triển ngôi nhà chung - hội nghề nghiệp uy tín, thu hút công chúng, báo giới... Hơn bao giờ hết, năm 2010, trách nhiệm lá phiếu liên quan tới sức sống, vị thế của Hội Nhà văn. Bắt buộc phải thay đổi cơ chế, tư duy, ngay từ việc bầu Ban chấp hành (BCH). * Tại sao anh lo lắng quá thế? - 921 hội viên, mà số lượng người yêu nghề thuần chất không nhiều. Những người biết xả thân, hy sinh vì đồng nghiệp để làm công tác quản lý, giúp đỡ tận tâm, càng hiếm. Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Nguyễn Tham Thiện là tác giả của 3 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, cây bút này sinh 1961, sống tại TP Việt Trì, hội viên Hội Nhà văn VN.
|
* Không hiếm bằng số lượng các nhà văn trẻ đi ĐH. Họ ít ỏi, lạc lõng giữa rừng muối tiêu và các lão làng. Họ không được coi là quý hiếm. - Trẻ, không chỉ đánh giá ở tuổi. Cần sự trẻ trong quan niệm. Vấn đề là tư duy thế nào. * Ở một Hội mà 70% hội viên tuổi trên 60, người ta tỏ ra hào phóng khi vẫn gọi một số tác giả 40, 50 tuổi là “nhà văn trẻ”. Anh có thích được gọi bằng từ này? - Nếu gọi theo sắc thái sức viết trẻ, cách tân, tôi rất sung sướng. Sự thật chẳng dễ chịu chút nào khi họ luôn đặt chúng tôi là “bọn trẻ”. Tôi đã cầm bút hơn 20 năm. * Chủ tịch Hội Nhà văn VN đã nhấn mạnh tại các ĐH khu vực rằng, ĐH toàn quốc lần này sẽ là ĐH sang trọng, xứng tầm, các nhà văn phải ăn mặc đẹp. Vậy sắp tới, công chúng sẽ được gặp các nhà văn rất thời trang, rất phong cách... - Không có phép màu cho tất cả! * Là một nhà văn thường xuyên được khen đẹp trai, anh vui chứ? - Có thể bớt giễu nhại đi không? * Tốc độ trẻ hóa là xu hướng thời đại toàn cầu. Trong khi đó, Hội Nhà văn lại giữ tình trạng lão hóa về tuổi tác. Có nhiều người về hưu là xin vào Hội bằng được, cho oai và cho vui. - Trừ số cực ít “gừng càng già càng cay”, theo quy luật sinh học, con người chỉ sung mãn theo thời kỳ, độ tuổi nhất định, nên mới có luật hưu trí. Với các nghệ sĩ, sự bùng nổ sáng tạo cũng khó... ở tuổi nên lão. Tôi không hào hứng nếu Hội liên tục kết nạp những người về hưu và nhiều đối tượng non kém chuyên môn. Tôi không muốn Hội Nhà văn thành “Hội bảo thọ”. * Tính chuyên nghiệp là đòi hỏi căn bản của một Hội nghề nghiệp đích thực, Xin anh cho đánh giá khách quan về Hội Nhà văn hiện nay? - Tất nhiên là tôi sẽ trả lời khách quan và trong sáng. Bởi tôi không có ý định ứng cử BCH, hay có động cơ gì ngoài văn chương. Chuyên nghiệp, trước hết phải sống được bằng nghề. Điều này rất ít nhà văn có được. Nghề văn khổ công, lao lực, niềm hứng khởi lại bị cắt vụn vì mưu sinh trên nền văn hóa đọc giảm sút. Không phải ai cũng sống bằng viết báo, số còn lại kiếm thu nhập bằng nhiều kiểu khác nhau. Thứ hai, phải thành thạo nghề nghiệp. Hiện không có một đội ngũ giỏi nghề, chưa nói tính đột phá. Như vậy, Hội Nhà văn đang là Hội bán chuyên nghiệp. * Nhiều năm, BCH thiếu vắng thành phần phê bình, do ít được chú ý hơn giới sáng tác. Bầu cử luôn là chuyện nóng bỏng. Song, nhiều khi hội viên bầu thiên cảm tính khi đánh giá các nhà văn quen tên vì hay viết báo, lên mạng hoặc lên ti vi, ngộ nhận về sự “nổi tiếng”. Anh kỳ vọng gì vào BCH mới? - BCH Đại hội 8 phải mở ra giai đoạn mới cho văn chương VN. Trọng trách ở lãnh đạo Hội, BCH. Cần thay đổi cơ chế đãi ngộ nhằm tăng tính trách nhiệm của các ủy viên. Những đề cử viên BCH vòng chung kết, nhất thiết phải trình bày và cam kết kế hoạch hoạt động nếu trúng cử. Đây là cú “test” trọng yếu cho các hội viên thêm cơ hội lựa chọn, không để lọt ủy viên vô thưởng vô phạt. * Ước mơ của anh? - Bằng sáng tạo và đam mê, tôi và những đồng nghiệp sẽ san phẳng sự cách biệt của văn chương VN - vốn được coi là vùng trũng - với thế giới. * Thế nào là một BCH sang trọng? - BCH mới phải kết tinh toàn bộ tinh thần 921 hội viên. Kết quả cao nhất của một ĐH thành công, là BCH những người biết liên tài, đội ngũ tinh nhuệ của các nhà văn uy tín, cấp tiến. * Xin cảm ơn anh!Vi Vi (thực hiện)