Bài kết: Vùng trũng thiếu người san lấp

27/07/2010 23:23 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Các nhân vật phát biểu trong bài này tuy xuất phát từ điểm nhìn cá nhân, nhưng vì những kinh nghiệm giao lưu thực tế mà họ tích lũy được, đã vẽ nên được một phần diện mạo của giao lưu văn học ở Việt Nam.

Nhà thơ Inrasara: Còn nghi ngại...

Mở cửa, văn chương Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu. Giao lưu đúng nghĩa là đến với nhau trong tinh thần mở, bình đẳng và không kiêng dè. Tiếng Việt với nhau, ta vẫn chưa giao lưu. Các tạp chí văn chương quan trọng của người Việt ở nước ngoài vẫn chưa được phát hành chính thức ở trong nước. Các tác phẩm của các tác giả lớn cũng vậy. Chúng ta vẫn còn nghi ngại cái gì đó, thậm chí, còn phân biệt đối xử.

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, văn chương của các dân tộc thiểu số, cả cổ điển lẫn đương đại, gần như bị coi là ngoại biên. Chúng ta vẫn chưa có sự giao lưu thích đáng như đòi hỏi phải thế. Tạp chí Văn hóa dân tộc của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam ra mỗi tháng một kì, gồm nhiều bộ môn khác nhau, chứ không dành riêng cho văn học. Mà hầu hết được viết bằng tiếng Việt. Tạp chí Văn nghệ dân tộc và miền núi (sau đó đổi tên là Văn nghệ dân tộc) là phụ trương của báo Văn nghệ, đã chết 3 năm qua, hết cơ may sống lại. Thì lấy đâu cơ hội giao lưu để có thể gọi là hiểu biết lẫn nhau.

Nhìn rộng ra Đông Nam Á, dù trên bình diện kinh tế và chính trị chúng ta đã mở, riêng văn học của khối này vẫn cứ đóng. Trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan nhân dịp nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005, tôi nói: Trong 9 anh chị em được coi là đại biểu xuất sắc nhất của văn chương đất nước mình năm nay, có ai biết đến nhau? – Không ai cả! Không biết tên tuổi hay sáng tác của nhau, thì làm gì có chuyện đọc nhau. Văn học các nước Đông Nam Á tự xem thường mình và xem thường lẫn nhau. Chúng ta có thể đọc các tác giả Tây Âu hay Hoa Kỳ, biết nhiều về văn học Nga hay văn học Nhật Bản, thậm chí Hàn Quốc, nhưng văn học các nước trong khu vực thì không! Văn học Đông Nam Á vẫn còn là vùng trũng của thế giới. Mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa nỗ lực san lấp vùng trũng đó.

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Như “người mù sờ voi”

Dù đã ít nhiều giao lưu với văn học thế giới trong mấy thập niên gần đây (tạm lấy mốc từ sau 1975), thực trạng văn học nước nhà, đặc biệt trên lãnh vực thi ca vẫn trì trệ và lạc hậu so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, chứ chưa dám so sánh với các “cường quốc thi ca” như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc… Sau hiện tượng Thơ Mới đến nay, chúng ta vẫn chưa có hệ thống lý luận cập nhật, hoàn chỉnh về các hiện tượng văn học trong nước cũng như các khuynh hướng bên ngoài, để nhìn nhận, đánh giá và định hướng cho thơ Việt đương đại. Khuynh hướng thi ca cũ kỹ, cách đây gần một thế kỷ, hiện vẫn thống trị trên văn đàn, định hình quan niệm thẩm mỹ cho bạn đọc, làm khuôn mẫu cho sách giáo khoa từ bậc tiểu học đến đại học và cao hơn nữa… Có thực trạng này là do yếu kém về giao lưu, dịch thuật. Do không có đủ nhận thức lý luận kịp thời, nên đa số bạn đọc Việt Nam hiện nay không phân biệt được “chân - giả” trước những hiện tượng đổi mới. Họ chỉ đưa ra những khái niệm mơ hồ, áp đặt cho tất cả những tác phẩm khác với lối mòn thẩm mỹ của họ, như: tắc tị, rối rắm, phản cảm, đánh đố, làm dáng, xa lạ, dẫm phải “phân Tây”.

Internet bùng nổ ở Việt Nam đã mang lại nhiều sắc màu hơn trong giao lưu quốc tế, cả giao lưu văn học. Nhưng các nhà thơ và bạn đọc nước ta vẫn tiếp xúc với thi ca thế giới như những “người mù sờ voi”. Internet cũng như các phương tiện truyền thông giúp chúng ta ra được biển lớn, nhưng nếu không có hệ thống lý luận, chẳng khác gì người không biết bơi bị ném xuống nước. Tôi mong chờ các cơ quan chuyên trách, Viện Văn học… sớm có kế hoạch chiến lược về vấn đề này. Chúng ta nên tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng khuynh hướng, đăng lại các chủ thuyết, nhận định, tuyên ngôn hay tiêu chí, quan trọng hơn là các tác phẩm tiêu biểu cho từng trường phái. Điều đó tạo cho các nhà thơ và bạn đọc tầm nhìn phổ quát mang tính định hướng về thi ca thế giới, tạo cơ hội để phát huy và làm phong phú thêm giá trị của văn học Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thiếu một chiến lược...

Nền văn học chúng ta chưa phải là một nền văn học lớn nhưng lẽ ra nó phải được thế giới biết đến nhiều hơn so với thực tế. Nguyên nhân chính dẫn đến việc văn học Việt Nam xuất hiện một cách rời rạc và không có hệ thống trên thế giới là do chúng ta không có một chiến lược cho việc này.

Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài mà Hội Nhà văn tổ chức đầu năm 2010 nhìn một cách kĩ lưỡng và công bằng mới chỉ là khởi xướng. Bởi thực tế, Hội Nhà văn hay bất cứ tổ chức nào của Nhà nước chưa bao giờ thực thi công việc đó như một chiến lược văn hóa. Hầu hết những tác phẩm văn học có tiếng vang của văn học Việt Nam trên thế giới từ sau 1975 đến nay là do các cá nhân dịch và giới thiệu, mà phần chủ động hầu hết do cá nhân nhà văn và dịch giả nước ngoài chủ động.

Tôi nhớ cách đây khoảng mươi năm gì đó, Hội Nhà văn ra mắt tạp chí The Vietnamese Literature bằng tiếng Anh. Tôi đã rất hào hứng tìm đọc số 1 tạp chí đó và thất vọng ê chề. Có quá nhiều trang dịch tiếng Anh sai một cách nghiêm trọng và vô cùng ngớ ngẩn. Điều đó cho thấy những người làm tạp chí này và những người quản lý nó rất kém cỏi và vô trách nhiệm. Việc giới thiệu văn học như kiểu làm tạp chí này vô cùng phản tác dụng.

Dịch giả Cao Việt Dũng: Cần môi trường cởi mở

Nếu xét dịch thuật văn học theo các tiêu chí mức độ đa dạng, chất lượng, sự tham gia tích cực của giới trẻ thì tôi cho rằng chưa bao giờ dịch thuật văn học tại Việt Nam “được mùa” như hiện nay. Sự đa dạng tăng lên đáng kể với rất nhiều Sydney Sheldon và Agatha Christie, một không khí dịch thuật mềm mại hơn chứ không còn căng cứng với toàn là Liên Xô và “các nhà văn có cảm tình với chúng ta”, nhưng chất lượng dịch thì vô cùng đáng bàn với vô số bản dịch không chính xác và bị cắt xén tùy ý, chất lượng in ấn thì nhìn chung là rất tồi tệ. Cho đến gần đây tôi tin là tình hình đã được cải thiện rất nhiều; việc tham gia Công ước Berne cũng là một yếu tố quan trọng.

Tôi không nói được nhiều về tình hình dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài vì lĩnh vực này không nằm trong mối quan tâm của tôi, nhưng tôi cho rằng nhà xuất bản và các cá nhân dịch giả là hai thành tố quyết định sự phát triển của dịch thuật và giao lưu văn hóa. Điều tốt nhất mà các thiết chế có thể làm là hỗ trợ, tạo ra một môi trường cởi mở.


Nhà văn Đặng Thân (trái) và Dịch giả Cao Việt Dũng
Nhà văn Đặng Thân: Chưa đúng diện mạo

Vấn đề dịch và phổ biến văn học Việt Nam ra tiếng Anh chưa phản ánh được diện mạo của văn học hiện nay.

Thứ nhất là do đội ngũ dịch thuật. Phần lớn các bản dịch văn học ra tiếng Anh đã có đều kém. Nguyễn Huy Thiệp đã phải kêu giời vì ông được người Ý trao giải thưởng chỉ là nhờ bản dịch hai truyện ngắn do một dịch giả Úc thực hiện, còn lại các bản dịch khác đều vứt đi cả. Các dịch giả ngoại khó mà truyền tải hết được mọi ý của một tác phẩm văn học Việt là chuyện tất nhiên. Các dịch giả nội thì gặp nhiều khó khăn cả về trình độ lẫn điều kiện. Tôi thấy những người dịch tiếng Anh giỏi thực sự ở trong nước đều chưa tham gia vào dịch văn học. Lý do cực đơn giản: những người giỏi thì họ có quá nhiều việc nên không còn thời gian tham gia vào một hoạt động với những đồng “nhuận dịch” rẻ bèo như hiện nay, cộng với cách làm ăn tùy tiện, lật lọng của giới làm sách.

Tôi thấy cái Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới vừa rồi rất là phù phiếm và tốn kém. Bỏ ra cả đống tiền để lôi kéo các dịch giả ngoại là điên rồ. Họ không thể nào hiểu hết tiếng Việt và văn hóa, đời sống Việt để dịch cho tốt được. Cách tốt nhất là dùng số tiền đó chi cho các dịch giả nội tài giỏi, đào tạo và nâng cao trình độ các dịch giả văn học, tổ chức các hội thảo dịch thuật… Muốn có các bản dịch tốt chỉ có thể dựa vào sự tinh thông của các dịch giả trong nước.

Thứ hai là hầu hết các tác phẩm được dịch đều không gây được sự chú ý đối với độc giả ngoại. Văn chương Việt đương đại rất phong phú nhưng lại đang nằm ngoài sự chú ý của các giới chức sắc. Tôi được biết có một số nước quan tâm đến văn học Việt Nam, thế nhưng khi các dịch giả của họ đến tìm hiểu các tác giả Việt Nam thông qua Hội Nhà văn giới thiệu thì họ đều lắc đầu chán ngán. Không tạo điều kiện cho các tác phẩm văn học thực sự được ra đời thì lấy cái gì để mà dịch ra cho thiên hạ đọc?

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm