Trò chuyện với Đặng Thái Sơn (Kỳ cuối): Những kỷ niệm thơ ấu và Hà Nội

17/07/2010 10:33 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - “Lần nào về cũng ngắn ngủi thôi nhưng tôi đều qua lại những nơi là kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi gọi đó là “vùng của tôi” - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ những kỷ niệm về gia đình và tuổi thơ Hà Nội của ông.

Concours Chopin giúp bố tôi sống thêm được 10 năm

* Trong gia đình, ông chịu ảnh hưởng từ ai nhiều nhất? Từ mẹ ông - một nghệ sĩ piano hay cha ông - một nhà thơ?

- Về thời gian thì hai mẹ con luôn ở bên nhau. Trong suốt quãng đời của mình cho đến giờ, mẹ chỉ xa tôi 3 năm khi tôi ở bên Nga (từ năm 1977 - 1980). Không sống gần bố nhiều nhưng tôi chịu ảnh hưởng từ bố rất lớn. Đọc những tác phẩm của ông (Đặng Đình Hưng - PV), có những điều đến giờ tôi mới nhận ra, vì lúc nhỏ tôi chưa nhận thức được. Nếu ai đã từng tiếp xúc với những tác phẩm của bố tôi, có thể thấy thơ của ông cũng có sự tương đồng với âm nhạc về cách thể hiện qua những biểu tượng.

Phải nói thêm rằng, nhờ có Concours Chopin 1980 mà bố tôi được sống thêm 10 năm. Vì lúc ấy bố tôi bị ung thư phổi nặng, đang phải sống trong cảnh ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa mà đưa vào viện thì cũng chỉ nằm chờ chết. Đúng hôm thi concours, bố tôi vào viện. Ở nhà điện sang nói tôi thi xong phải về ngay. Lúc đó tôi tính nếu ở trong nước mà không chạy chữa được cho bố thì tôi sẽ đưa ông ra nước ngoài. Cuối cùng thì GS Tôn Thất Tùng và GS Hoàng Đình Cầu đã chữa chạy cho bố tôi sống thêm được 10 năm nữa. Concours Chopin đã đem lại nhiều thay đổi không chỉ với cuộc đời tôi mà cả gia đình tôi.




Hà Nội - “vùng của tôi”

* Ông đang sống cùng với mẹ ở Canada? Một ngày của ông diễn ra thế nào? Ngoài âm nhạc, ông có thể chia sẻ về những sở thích trong cuộc sống hàng ngày của mình?

- Mẹ tôi đang ở Việt Nam. Tôi có mua một căn hộ ở khu Golden Westlake - Hà Nội cho bà và cũng để thuận tiện cho tôi mỗi khi về Việt Nam. Vậy là tôi cũng có hộ khẩu ở Hồ Tây rồi đấy (cười). Cuộc sống tôi của về cơ bản là không theo một lịch trình nhất định nào cả. Hồi trẻ, tôi thích dậy muộn và tập đàn khuya. Nhưng bây giờ thì đã thay đổi. Tôi thường tập đàn vào buổi sáng để cảm thấy yên tâm nếu sau đó mình phải thực hiện những hoạt động khác. Chiều tôi thường dạy học. Khi nào đi lưu diễn thì sau đó về nhà dạy bù, lúc ấy thì dạy liên tục.

Trước đây mẹ đã giúp tôi rất nhiều nhưng năm nay mẹ tôi đã 93 tuổi nên mình phải biết làm nhiều thứ hơn. Thế nên tôi cũng biết đi chợ mua đồ ăn thức uống. Về khoản nấu ăn tôi không giỏi lắm nhưng tôi biết “phán”. Tôi thích làm những món đặc biệt khi nhà có bạn bè đến chơi. Còn bình thường thì chỉ làm những món nhanh mà đảm bảo dinh dưỡng. Một bữa cơm đơn giản của tôi chỉ cần có rau chần, sốt với nước chấm ngon là được. Đồ ăn của xứ mình ngon lắm, tôi về có mấy hôm mà tăng ký đây này (cười).

Sau một ngày làm việc, tôi thường mò mẫm lên Internet. Tôi cảm giác một ngày không vào mạng thấy bứt rứt thế nào ấy. Tôi rất thích trang Youtube và thấy nhờ có những phương tiện này mà bây giờ ai học nhạc cũng đều rất thuận lợi.

* Ông nghĩ sao về Hà Nội?

- Thay đổi nhiều và nhanh. Mỗi lần về là mỗi lần khác.

* Ông thường làm gì khi về Hà Nội?

- Lần nào về cũng ngắn ngủi thôi nhưng tôi đều qua lại những nơi là kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi gọi đó là “vùng của tôi”. Bây giờ thì thấy tất cả đều nhỏ xíu trong mắt mình. Mà cũng khác trước. Vì giờ ngôi nhà trước kia tôi ở cũng đã là một nhà hàng. Trước đây, sau nhà tôi có đường tàu hỏa. Hồi ấy, trước khi tàu vào ga thì chỉ có rú còi thôi, không như bây giờ, có nhiều ký hiệu. Mà mỗi lần tàu chạy qua thì rung cả nhà lên. Tôi ghé qua cả công viên mà hồi bé thường ra đó chơi. Ngày
xưa nhà chật mà trẻ con thì cần có không gian để vui chơi nên toàn ra công viên chơi nhặt búp đa, hoặc lang thang ra tới tận cầu Long Biên. Rồi những đêm lạnh,
tôi nhớ đến những tiếng rao của người bán rong “chí mà phù, lục tàu xá” đi qua nhà. Tiếng rao của người ta hay lắm.

Tôi còn trở lại cả nơi sơ tán, lần đầu là ngay sau năm 1980. Hồi ấy vẫn còn nghèo, chỉ toàn đồi sắn mênh mông, tôi gặp lại cả ông bà chủ nhà khi tôi ở đó. Lần về ấy, hãng NHK (Nhật Bản) cũng xuống đó làm phóng sự.

Sau 10 năm tôi trở lại đó lần nữa thì đời sống đã được cải thiện, nhà mái ngói mọc lên nhiều hơn. Đó là một điều đáng mừng nhưng với riêng một người nghệ sĩ như tôi thì kỷ niệm vẫn là hình ảnh của những đêm trăng, không có điện, không gian hoang sơ nhưng có tiếng trẻ con hát hò, thấy được hương vị đồng quê, có cả núi và “sông Thương nước chảy đôi dòng”, ôm thân cây chuối tập bơi và bắt cua đồng khi trời nắng.

Tôi đã chứng minh được mình

* Năm 1984, ở tuổi 26, ông là một trong những người đầu tiên được phong tặng NSND. Ông nghĩ sao khi mình là NSND trẻ nhất trong lịch sử?

- Tôi nghĩ đấy không phải là cái đích đối với một người nghệ sĩ mà quan trọng là những việc làm tiếp theo của người nghệ sĩ đó là gì? Lúc đó có nhiều luồng phản ứng, nói tôi còn quá nhỏ và quá trẻ. Đây cũng là một quyết định mạnh bạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng thời gian từ 1984 đến nay tôi đã chứng minh được mình là người như thế nào.

* Xin cảm ơn NSND Đặng Thái Sơn!

Lưu Ngọc Minh - Trần Thế Vinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm