Xã hội hóa sân khấu vẫn cần được hiểu đúng

28/06/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tại Đại hội Hội Sân khấu TP.HCM lần VI (nhiệm kỳ 2010 – 2015) diễn ra hồi tuần qua, tác giả Lê Duy Hạnh tiếp tục được bầu vào vị trí chủ tịch Hội. Được xem là nơi đi đầu và vẫn đang đi trước trong xu hướng xã hội hóa sân khấu, sân khấu TP.HCM hiện đang là niềm mơ ước của nhiều người làm nghề cả nước. Song, từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Hạnh không giấu nhiều suy tư về sân khấu TP.HCM và nhất là xu hướng xã hội hóa sân khấu.

* Người ta nói nhiều về thành công của sân khấu TP.HCM, song tôi muốn biết đánh giá của ông: theo ông, đâu là thành công nhất của sân khấu thành phố trong thời gian qua?

- Đó là việc tiếp tục công cuộc xã hội hóa hoạt động sân khấu có định hướng và thu được những thành công nhất định. Nhớ lại nhiệm kỳ III, IV, chúng ta còn đang tranh luận sôi nổi xem nhà nước có nên ủng hộ sân khấu xã hội hóa (SKXHH) hay không thì hôm nay mọi việc đã khác. Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP.HCM đã khẳng định trình độ chuyên nghiệp của SKXHH. Thành công về chất và lượng của SKXHH cho thấy tính chất đúng đắn của đường lối, tầm nhìn và cách ứng xử vừa thoáng vừa rất văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại những ngộ nhận về XHH cả trong lẫn ngoài giới sân khấu mà nhiệm kỳ này chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục.

* Đó là những ngộ nhận gì, thưa ông?

- Thứ nhất, cần xác định rõ XHH không phải là tư nhân hóa. Tư nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình XHH nhưng quản lý nhà nước giữ vai trò quyết định (như điểm diễn của các đơn vị là thuộc sở hữu nhà nước; anh bỏ vốn đầu tư làm tiết mục nhưng sản phẩm có ra được hay không là phụ thuộc vào hội đồng nghệ thuật, đại diện cho quản lý nhà nước…). Quan hệ giữa tư nhân và nhà nước ở đây là quan hệ cộng đồng trách nhiệm: đơn vị XHH phải thấy được vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước, biết mình cần gì từ phía nhà nước mà đề xuất hỗ trợ; nhà nước cũng phải hiểu và trân trọng vai trò của tư nhân. Thứ hai, mọi người quan niệm về quản lý nhà nước chưa đúng. Quản lý nhà nước không có nghĩa là nhà nước phải trực tiếp xuất kinh phí đầu tư cho một chương trình, một sân khấu nào đó, càng không có nghĩa là thiết lập một chế độ “độc tài” để “tóm gáy” các đơn vị. Cứ hình dung nền sân khấu như hoạt động giao thông. Tư nhân có quyền sắm xe xịn nhưng khi chạy trên đường phải tuân thủ quy tắc giao thông, phải theo biển báo tốc độ, đèn xanh, đèn đỏ chứ không phải muốn phóng, muốn lạng lách sao cũng được. Quản lý nhà nước chính là những biển báo, những cột đèn, những quy định xe ra vào đô thị sao cho đảm bảo trật tự chứ nhà nước không cử một ông công an ngồi trên xe bắt xe phải nhanh chậm, quẹo cua, đạp thắng ra sao. Cần hiểu quản lý nhà nước ở chiều rộng đó là hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho sân khấu phát triển, ở vai trò hỗ trợ, tiếp sức cho các đơn vị như: giúp đỡ về điểm diễn, giới thiệu tài trợ…

* Nhưng trong thời gian qua có vẻ nhà nước cũng chưa làm thật tốt vai trò của mình, điển hình là các đơn vị XHH vẫn có cảm giác bơ vơ, phải tự bươn chải tìm điểm diễn, và một nền sân khấu năng động bậc nhất cả nước như TP.HCM lại không có một rạp hát hiện đại nào?

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 10 SKXHH thường xuyên sáng đèn. Nhiều nghệ sĩ vẫn đang dự định xây dựng thêm nhiều sân khấu riêng của mình.

- Vấn đề nằm ở cả hai phía. Các đơn vị XHH còn tỏ ra e dè với nhà nước. Họ phải lên tiếng thì nhà nước mới biết đường mà hỗ trợ, cùng giải quyết vấn đề. Nhưng do sự ngộ nhận nêu trên, các đơn vị này thích tự thân vận động hơn. Ở phía ngược lại, để có một SKXHH như ngày hôm nay là cả một quá trình thay đổi có hệ thống tư duy, nhận thức, quan điểm nghệ thuật cũng như hình thành một cơ chế thông thoáng, phù hợp và có sự “gặp nhau” giữa quan điểm của nhà nước và các đơn vị XHH. Mọi người chỉ nhìn thấy kết quả mà quên đi cả quá trình cũng như chỉ thấy nỗ lực của các đơn vị XHH mà quên mất sự đóng góp của nhà nước. Việc thiếu rạp hát, điểm diễn là vấn đề phức tạp thuộc về cơ chế. Tuy nhiên, trong tương lai không xa vấn đề này sẽ được giải quyết khi UBND TP.HCM đã đầu tư xây mới rạp Hưng Đạo, còn Sân khấu 5B cũng được xây mới thành trung tâm biểu diễn hiện đại với vốn BOT. Trong nhiệm kỳ tới, Hội vẫn tiếp tục nỗ lực làm cầu nối để nhà nước và các đơn vị XHH hiểu nhau hơn nữa.


* Thời gian qua sân khấu TP.HCM phát triển rất nhộn nhịp nhưng chủ yếu về lượng chứ chưa phải về chất. Ông có đồng ý với nhận xét này không?

- Nhiều người phàn nàn rằng SKXHH hiện nay thừa những vở diễn nặng tính giải trí mà thiếu những tác phẩm nghệ thuật có tầm. Điều đó đúng vì các đơn vị XHH không làm gì sai cả. Mặc dù tác phẩm có nặng tính giải trí, có chọc cười nhạt nhẽo nhưng chỉ cần không sai đường lối chính trị, không phản thẩm mỹ thì hội đồng nghệ thuật vẫn phải cho ra thôi. SKXHH vẫn có thể làm được những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao như Ngàn năm tình sử, Nỏ thần…, nhưng những ông bà bầu quen “thắt lưng buộc bụng” để có thể duy trì một sân khấu phải bỏ ra cả 400, 500 triệu đồng thì xót lắm chứ. Khi các đơn vị XHH chưa đủ lực để cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật thật sự thì nhà nước cần phải phát huy vai trò của mình: có thể cấp vốn hỗ trợ thêm cho các đơn vị; nếu không hỗ trợ được vật chất thì nên ủng hộ về mặt tinh thần bằng cách cấp bằng khen, tặng tiền thưởng cho các đơn vị có tác phẩm tốt, có động thái hỏi thăm, động viên tinh thần anh em để họ phấn chấn mà làm tiếp. Những việc này tưởng như đơn giản nhưng vẫn cần thời gian để hình thành thói quen. Nhiều vị lãnh đạo không phải không có lòng đâu, chỉ là chưa quen thôi.

Thời gian qua, sân khấu TP.HCM đúng là đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhược điểm ngay trong những thành tựu ấy. Đó là sự thiếu tính bền vững, thiếu tính nền tảng, ổn định của một nền sân khấu. Các đơn vị XHH hiện nay có vẻ nhiều nhưng lại mang tính tự phát, hợp tan cao.

* Theo ông, làm gì để khắc phục những hạn chế này?

- Để sân khấu có tính bền vững thì mỗi đơn vị nghệ thuật phải xây dựng từ gốc. Trước đây, thời cải lương còn hưng thịnh, các đoàn hát đã làm được điều này. Trước khi cho ra đời một đơn vị, các ông bà bầu đã tính toán kỹ xem mình sẽ đi theo hướng nào, phải tập hợp những tác giả nào, những diễn viên nào để khác với các đơn vị đi trước. Tác giả và diễn viên đều được ký hợp đồng đảm bảo trong một thời gian dài chủ đầu tư có sự chủ động về lực lượng diễn viên cũng như nguồn cung ứng kịch bản. Đó là mặt chuyên môn, còn về tài chính thì họ phải chứng minh được tài sản đủ để duy trì một đoàn hát, thậm chí đề phòng cả trường hợp nếu chẳng may bị phá sản thì sẽ giải quyết như thế nào… Hiện ở một số đơn vị XHH, chỉ cần người bỏ vốn thấy không có lời là có thể sẵn sàng “thôi, dẹp!”. Đó là do việc thành lập một sân khấu quá dễ dàng, thiếu hẳn những điều kiện pháp lý ràng buộc. Dễ thấy nhất cho sự bất ổn của sân khấu TP.HCM là lực lượng diễn viên. Từ khi bỏ giấy phép hành nghề thì diễn viên hoàn toàn tự do, hầu như không có sơ sở gì để quản lý họ. Từ đó dẫn đến các sân khấu rất bị động về diễn viên khi diễn viên thoải mái chạy show, cùng một lúc có thể xuất hiện ở 2, 3 sân khấu khác nhau; có thể bỏ tập, bỏ vai để đi quay phim; chất lượng vở diễn cũng tỷ lệ nghịch với thời gian chạy show của diễn viên…

Đã đến lúc chúng ta cần có luật biểu diễn quy định rõ ràng những nguyên tắc mà SKXHH cần tuân theo như: điều kiện để thành lập một sân khấu mới, quy chế quản lý diễn viên, những chế tài cần thiết… Trong nhiệm kỳ này, Hội Sân khấu TP.HCM cũng sẽ tích cực bàn bạc với các cơ quan chức năng nhằm tạo ra hành lang pháp lý quy định những nguyên tắc để SKXHH phát triển tốt hơn, phát triển vì cái chung chứ không phải để bóp nó lại. Chúng ta đã có đường rộng, đường đẹp chỉ còn chờ những biển báo giao thông, những cột đèn tín hiệu là có thể hòa nhịp giao thông tự do, đúng luật, không sợ tai nạn nữa.

* Cám ơn ông! Chúc ông có một nhiệm kỳ thành công.

Ninh Lộc (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm