Tiếng Việt trên báo chí: khó tìm "chuẩn"

25/06/2010 07:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc tọa đàm Sử dụng chuẩn tiếng Việt trong báo chí đã diễn ra hôm qua (24/6) tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam (79 Lý Thường Kiệt, HN). Đây là buổi sinh hoạt nghiệp vụ do Liên chi hội nhà báo TTXVN tổ chức, với sự tham dự của PGS-TS Vũ Quang Hào, giảng viên khoa Báo chí của ĐH Quốc gia Hà Nội.


PGS-TS Vũ Quang Hào tại cuộc tọa đàm

Thông qua việc phân tích những lỗi thường gặp cũng như một số quy chuẩn chung của ngôn ngữ tiếng Việt, PGS.TS Vũ Quang Hào đã chỉ ra một số các vấn đề đang phát sinh trên báo chí tiếng Việt hiện nay: sử dụng tràn lan, lộn xộn và thiếu thống nhất về các cụm từ in hoa, viết tắt, cũng như việc phiên âm các từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

“Hiện nay chúng ta không có một chuẩn mực cuối cùng về vấn đề này. Và thực tế, một quy chuẩn như vậy cũng khó lòng xây dựng được, vì bản thân ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội và luôn có sự vận động theo thời gian”- PGS Hào khẳng định. Theo ông, năm 1984, Bộ Giáo dục khi đó đã thử nghiệm đưa ra một bản quy tắc về việc viết hoa/ không viết hoa trong tiếng Việt để sử dụng trong các công sở và trường học. Tuy nhiên, bản quy tắc này đã cho thấy sự hạn chế trong rất nhiều trường hợp, sau đó gặp phản ứng khá mạnh của dư luận và dần rơi vào quên lãng.

Qua phân tích của PGS Hào, thông thường trong tiếng Việt, việc viết hoa được áp dụng với các danh từ riêng, hoặc trong trường hợp thể hiện “tính chất tôn trọng”. Trường hợp thứ hai đã dẫn tới nhiều cách hiểu và cách viết khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của người viết. Đơn cử, cụm từ “bộ giáo dục - đào tạo” mang tính chất phổ thông, nhưng khi đưa lên báo chí sẽ được sử dụng dưới nhiều hình thức như: bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục Đào tạo hay bộ Giáo dục Đào tạo. Hoặc, cụm từ “bộ công thương” có thể được viết thành “bộ Công thương” hay “bộ Công Thương” - với cách lý giải rằng đó là ghép của hai từ Công nghiệp - Thương mại.

“Từ quan điểm riêng, tôi cho rằng chúng ta nên mạnh dạn áp dụng việc chỉ viết hoa chữ đầu của cụm từ (ví dụ Bộ giáo dục) và các tên riêng. Điều này sẽ tránh dẫn tới tình trạng một trang báo “lổn nhổn” quá nhiều từ viết hoa, gây ức chế cho người đọc. Tương tự, việc viết tắt trên báo chí có những quy chuẩn riêng với nghề làm báo và cũng không nên quá lạm dụng” - ông Hào nói.

Đông Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm