Bài kết: Festival chưa làm tăng trưởng khách du lịch

14/06/2010 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Lãnh đạo của một đơn vị du lịch lữ hành lớn cho hay đã sớm nối lại tour Bangkok ngay từ đầu tháng Sáu nhưng lại không mấy quan tâm đến tour đi Huế trong những ngày festival. So với mùa lễ hội trước cách đây 2 năm, lượng khách đăng ký tour dự Festival Huế 2010 của công ty Saigon Tourist tăng 25%, song ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Du lịch nội địa, vẫn cho rằng hiệu quả thu hút khách du lịch sau 6 mùa Festival Huế vẫn thấp hơn mong đợi. Hãy cùng ông Bảo “mổ xẻ” chi tiết hơn câu chuyện này.

>> Chuyên đề: Festival Huế 2010

* Cụ thể, lượng khách mua tour dự Festival Huế năm nay của Saigon Tourist, công ty du lịch lữ hành lớn nhất cả nước, ra sao thưa anh?

- Chúng tôi đã quảng bá rộng rãi chương trình trên báo, đài, website cách đây hơn 2 tháng. Hiện số khách đoàn vào khoảng 500 người, số khách lẻ ít hơn, chừng 300-400, so với mùa festival trước (cách đây 2 năm) có tăng khoảng 25% nhưng không được như mong đợi. Ở Saigon Tourist, các tour đi Huế vào dịp festival so với thời gian không có festival không khác nhau bao nhiêu.


Đêm trình diễn của đoàn nghệ thuật Đan Mạch tại Huế Festival 2010
* Theo anh, sự không được như mong đợi là do đâu?

- Năm nay du lịch Huế dịp Festival có một vấn đề khó khăn, đó là thời tiết. Đà Nẵng thời gian qua có ngày 42 độ, Huế cũng thế, bởi vậy mà nhiều du khách không mặn mà, háo hức. Nói chung, Festival Huế làm vào dịp tháng Sáu vốn là tháng nắng nóng, năm nay còn khắc nghiệt hơn năm trước. Ở Huế mùa này đi tham quan phải sau 4 giờ chiều, nếu không, có đi khách cũng không muốn ra khỏi xe vì nắng nóng. Phần lớn khách du lịch mùa này muốn đi biển là chính. Đà Lạt mọi năm rất đắt khách mùa này nhưng năm nay do hồ Xuân Hương bị rút nước nên khách cũng chuyển hướng. Năm nay Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo đang là những điểm đến du lịch rất “hot”. Huế mặc dù có biển Thuận An nhưng ít khi bãi biển này được đưa vào tour Huế vì nó hơi xa thành phố, nhưng nay chúng tôi cũng phải đưa thêm chương trình này vào tour cho khách.

* Được biết, BTC Huế Festival chọn thời gian tổ chức là tháng “thấp điểm” của du lịch, nhắm đến du khách nội địa, nhất là khi Hè đến.

- Đúng là như vậy. Nhưng theo tôi, lễ hội văn hóa cần nhắm đến đối tượng khách du lịch chính là khách nước ngoài, họ là những người thích tìm hiểu, khám phá văn hóa. Trên thực tế, khách nước ngoài đa số nếu có mặt tại Festival Huế nếu như sự kiện này rơi đúng vào thời gian đi tour của họ chứ không phải họ đặt tour để đến với Festival. Festival Huế sau nhiều mùa tổ chức, theo quan sát của tôi, càng về sau khách nội địa lại là chính. Khách nội địa và khách quốc tế có một khác biệt rất lớn, theo quan sát của chúng tôi. Đa số khách du lịch người Việt hiện nay thích hưởng thụ, không thích khám phá. Đi tour, khách Việt quan tâm tới phòng xịn, máy lạnh, dịch vụ tốt, nhưng ít quan tâm tới văn hóa, nếu khám phá mà cực một tí là có vấn đề rồi. Ngược lại, khách nước ngoài có thể chấp nhận đi xe không được tốt lắm để khám phá văn hóa. Đi lễ hội mà chen lấn thì người Việt mình sẽ kêu ca, nhưng khách nước ngoài lại rất thích.

Thời điểm này đa số học sinh đã nghỉ Hè rồi. Hè là một thời điểm tăng trưởng du lịch tốt trong năm. Và hiện nay, trẻ con đang trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu của các công ty du lịch. Cha mẹ nào có điều kiện chẳng chiều con, con đi du lịch cũng có nghĩa là cha mẹ cũng đi. Nhưng trẻ con khi du lịch thường thích biển, chúng thậm chí còn chưa hình dung ra festival là cái gì.

* Nếu được tham gia ý kiến cho việc tổ chức những lễ hội văn hóa, từ góc độ người làm du lịch, anh sẽ đóng góp gì?

- Điểm này tôi muốn nói chung cho việc tổ chức các lễ hội, các festival ở ta hiện nay.

Thứ nhất, cần kéo giãn thời gian tổ chức hơn nữa, 2, thậm chí 3 năm/lần để có thời gian chuẩn bị tốt, để khán giả, du khách thấy thèm thuồng, háo hức. Nếu như năm nào cũng làm, hoặc chương trình lần nào cũng na ná, thiếu đột phá thì có khi còn gây phản ứng ngược.

Thứ hai, là công tác dịch vụ chuẩn bị. Cứ đến mùa lễ hội là có cao trào mọi dịch vụ đều “hot”: hàng không khó khăn, điểm lưu trú tăng giá không cần biết hiệu quả của lễ hội thế nào…, các hãng lữ hành đều ngán ngẩm. Khi bán tour, các công ty du lịch phải xác nhận với khách từ chương trình đến giá cả từ sớm, nhưng khi triển khai thì lại không được như vậy, máy bay không xác nhận được chỗ, khách sạn thì thế này thế khác…

Và thứ ba, thời gian gần đây có hiện tượng, có thể nói là, lạm phát lễ hội. Tỉnh nào cũng đưa ra lễ hội, tới mức khách du lịch dị ứng với lễ hội, băn khoăn không biết có gì mới mẻ hấp dẫn hay lại chỉ làm phiền thêm. Ở nhiều nước, ngay đi chơi những ngày cuối tuần bình thường, các điểm du lịch cũng được tổ chức như lễ hội, khiến du khách ai nấy đều háo hức và tham dự ai cũng cảm thấy vui vẻ, hào hứng. Đi mới thấy, lễ hội của chúng ta dường như thiếu một chương trình hấp dẫn từ đầu tới cuối. Người cứ đông ngút ngàn, tập trung hết tại một chỗ, ngồi từ đầu tới cuối, rồi không biết đi đâu. Nhiều người dự lễ hội pháo hoa, chỉ xem 1-2 đội rồi về nhà bật ti vi xem nốt!

* Từ trước tới nay, có sự kiện nào mang lại sự tăng trưởng lượng khách du lịch theo quan sát của anh?

- Cho tới nay, đối với khách Việt Nam, thời điểm du lịch tăng trưởng mạnh rơi vào các dịp Hè, ngày lễ được nghỉ và Tết. Quan trọng là mọi người được nghỉ. Như Huế Festival này, có người thích nhưng nếu không rơi vào ngày được nghỉ thì cũng không đi được.

P.T.T.T (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm