Bài 2: Dạ, Huế Festival...

13/06/2010 06:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà thiết kế Minh Hạnh, đạo diễn Đêm hội áo dài, Đêm phương Đông và đồng đạo diễn Lễ bế mạc Huế Festival 2010 sẽ diễn ra trên sông Hương tối ngày 13/6 tới đây, có nhắc lại kỷ niệm đến Huế 10 năm trước, khi lần đầu Huế làm festival. Lúc đó, 8 giờ tối đường phố Huế đã vắng tanh, con gái ra khỏi nhà sau 8 giờ tối bị xem là “con gái hư”! Bây giờ thì không thế, Huế đang được “đánh thức” sau 6 mùa festival. Tuy nhiên, từ một thành phố của “mưa bay tháp cổ” (Trần Tiến), của “đường phượng bay mù không lối vào” (Trịnh Công Sơn), để trở thành “thành phố festival” với công nghệ tổ chức festival chuyên nghiệp nhất của cả nước hiện nay, đến Huế Festival lần thứ sáu - Huế Festival 2010, vẫn còn là một câu chuyện dài...

>> Chuyên đề: Festival Huế 2010

“Vấn đề đầu tiên”

Festival Huế năm nay có 9 lễ hội chính được làm với quy mô khá lớn bao gồm: Lễ khai mạc, Chương trình tái hiện Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, Lễ hội áo dài, Lễ Tế giao, Lễ hội sân khấu hóa Hành trình mở cõi, chương trình Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Lễ bế mạc. Với 9 ngày diễn ra festival, trung bình mỗi ngày Huế có ít nhất một lễ hội lớn. Nhưng có lẽ cũng chính vì tính dàn trải này mà ở tất cả các chương trình lớn, nơi thường thu hút được lượng khán giả đông đảo hơn, lại dễ xảy ra những tai nạn bất ngờ.

“Kinh phí làm festival không được thoải mái cho lắm do đó khi làm chúng tôi phải suy nghĩ, tính toán để sao cho chi phí là tiết kiệm nhất, nhưng hiệu quả phải cao”, đạo diễn Lê Quý Dương, đạo diễn 4 chương trình trong số 9 lễ hội chính kể trên, chia sẻ. Cụ thể 4 chương trình (Hành trình mở cõi, Huyền thoại sông Hương, Đêm hoàng cung, Lễ Tế Giao) được cấp kinh phí khoảng 10 tỷ 500 triệu đồng, số đêm diễn tổng cộng của cả 4 lễ hội này là 7 đêm, bởi vậy số tiền chia cho các đêm diễn không được như mong muốn. Theo ý tưởng ban đầu, chương trình Huyền thoại sông Hương dự định đóng một đoàn thuyền rồng riêng, nhưng do không đủ kinh phí nên chương trình phải thuê lại thuyền của tư nhân vẫn hoạt động trên sông Hương, trang trí thêm vào để dùng tạm. Tương tự, chương trình Đêm Hoàng cung mong muốn ban đầu thực hiện trên khắp 360.000m2 của Đại Nội, mang đúng nghĩa của cụm từ Đêm Hoàng cung, phải rực rỡ và hoành tráng khiến người xem choáng ngợp, bước vào đây tựa như bước vào một thế giới khác... Nhưng kết quả là Hoàng cung chỉ sáng một cách... mờ tỏ. Thậm chí, để vào được các sân khấu xem biểu diễn tại đây, khán giả phải mò mẫm, vừa đi vừa nhắc nhau để đừng mắc phải dây điện chạy ngay trên mặt cỏ!


Điện Thái Hòa ban ngày mất vẻ trang nghiêm vì màn trình diễn khó coi này
Câu chuyện kinh phí không chỉ có thế. Tại đêm khai mạc ở Quảng trường Ngọ Môn, đúng lúc đồng hồ đếm ngược thì trời đổ mưa. Thực ra chuyện này không quá bất ngờ với BTC bởi hầu như Huế Festival năm nào cũng mưa. Có những năm mưa gió lớn như tại Huế Festival 2004, mưa trắng trời, gây ngập một số khu vực. Tuy nhiên, tới lần tổ chức thứ sáu, với nhiều hoạt động diễn ra ngoài trời, BTC vẫn chưa tìm được phương án khả thi nào ứng phó an toàn với sự đỏng đảnh của thời tiết. Các sân khấu ngoài trời vẫn chưa thể trang bị loại thảm chuyên dụng chống trơn trượt khi mưa (nghe nói do kinh phí lớn). Chứng kiến đêm khai mạc tối ngày 5/6, thấy thương cho ê -kíp làm sân khấu lẫn các diễn viên cả trong nước lẫn quốc tế, bị té ngã ngay trên sân khấu. Hiệu quả nghệ thuật mang tới cho công chúng vì thế cũng bị giảm sút một cách đáng tiếc.

Một chương trình thu hút rất đông khán giả khác là Đêm phương Đông, ý tưởng ban đầu là đêm trình diễn các trang phục Hoàng cung của 9 nước tham gia. Nhưng ngoài phía chủ nhà nổi bật về các trang phục tham gia trình diễn, các khách mời lại chỉ mang tới lễ hội những bộ trang phục... ngày thường. Như chia sẻ của ê-kíp đại diện cho Ấn Độ thì họ không ngờ chương trình được làm trang trọng như thế nên trang phục họ mang tới thực sự không xứng với chương trình này, bởi chúng đều là những trang phục đời thường của dân Ấn. Từ việc bất khả thi trong cách định hướng cho Đêm phương Đông, chương trình đành chuyển thành một chương trình diễn những trang phục dân tộc của các nước góp mặt.

“Tất cả các festival ở Việt Nam hiện nay đều không có Tổng đạo diễn mà chỉ có Ban tổ chức. Vì vậy các chương trình trong festival không có cùng một nhịp thở” - Nhà thiết kế Minh Hạnh

Cũng một phần bởi kinh phí hạn chế nên hầu hết các lễ hội lớn được chuẩn bị khá gấp gáp, thay vì phải được tập luyện và chạy thử trước ngày khai mạc hai, ba tháng nhưng do điều kiện không cho phép nên chỉ được tập luyện trong thời gian ngắn. “Với điều kiện eo hẹp như thế thì những gì mà BTC Festival Huế và ê-kíp dàn dựng các chương trình này làm được là quá cố gắng” - đạo diễn Lê Quý Dương trả lời cho những thắc mắc về chất lượng tổ chức cũng như chất lượng từng chương trình nghệ thuật tại festival.


No dồn đói góp

Ngoài các chương trình biểu diễn lớn, năm nay Huế Festival cũng gây ấn tượng mạnh về số lượng, sự phong phú của mảng triển lãm, sắp đặt và các hoạt động hội hè đường phố bằng rất nhiều hoạt động như: triển lãm Sébastien Laval, triển lãm hình ảnh các Cố Đô, nghệ thuật sắp đặt Denis Tricot Poitou Charentes, các chương trình trên đường phố của các đoàn nghệ thuật đường phố Siphon, Traine Savates, đoàn Cà kheo của Bỉ... Như lời ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Huế Festival 2010, sự kiện văn hóa này không chỉ là nơi quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam tới các bạn bè quốc tế mà còn là cơ hội giao lưu các nền văn hóa, đa số các chương trình “nội” và “ngoại” đều có chất lượng nghệ thuật khá cao, mang đến không khí đậm đặc văn hóa và nghệ thuật cho Huế. Song việc có quá nhiều chương trình (ví như với giá vé 50.000 đồng, vào Đại Nội khán giả sẽ được thưởng thức mỗi đêm khoảng 17 chương trình tại các sân khấu nằm rải rác khắp khu vực này) dẫn đến tình trạng khán giả không biết xem gì và cũng không xem được gì “ra ngô ra khoai”. Thời tiết tại Huế thời gian này ban ngày nắng nóng, do đó hầu hết các hoạt động của lễ hội đều tập trung diễn ra vào buổi tối. Mật độ quá dày, trong một đêm tất nhiên không ai có thể đi hết, nên cách mà khán giả hay chọn là tập trung vào các sân khấu chính như sân khấu trước Điện Thái Hòa. Kết quả, có khá nhiều chương trình nghệ thuật đáng xem đã bị bỏ rơi do chúng được diễn ra trên những sân khấu quá biệt lập không nằm trong tầm quan sát của khán giả. Cụ thể, nếu như sân khấu chính trước Điện Thái Hòa được trang hoàng sáng sủa long lanh bao nhiêu thì hai sân khấu bên cánh gà của nó là sân khấu Đông Thái Hòa và Tây Thái Hòa lại biệt lập và tối tăm bấy nhiêu.


Sân khấu chuẩn bị cho Lễ bế mạc vẫn còn những ngôi nhà chưa chịu di dời,
trong khi những cây đại trước Kỳ đài lại phải “hy sinh” cho Festival
Ngoài ra, mặt trái của một bữa tiệc quá nhiều món là sẽ nhanh ngán, dễ dẫn người ta đến tình trạng mất vị giác, xem cái gì cũng như nhau cả, khó thấy được cái nào hay, cái nào đáng xem.

BTC Festival Huế tham vọng muốn biến Huế thành điểm hẹn của các di sản thế giới và là điểm đến nơi những sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa. Chắc chắn quy mô của festival này sẽ ngày càng được mở rộng và ngày càng được quốc tế hóa cao hơn. Thực tế là tinh ý sẽ nhận thấy năm nay Festival Huế đã mạnh dạn đưa nhiều những chương trình mang tính đương đại và quốc tế vào hoạt động của mình hơn ngoài những chương trình mang tính lễ hội truyền thống. Việc phát triển theo chiều rộng này giúp chúng ta thỏa mãn được nhu cầu hoành tráng của lễ hội. Nhiều chương trình, tất nhiên không khí hội hè sẽ nhộn nhịp hơn. Nhưng thực tế quan sát tại các kỳ festival cho thấy lượng khách du lịch, đối tượng chính mà festival hướng tới, là không nhiều. Lượng khách có hạn, liệu làm cho hoành tráng, cho to có phải là bài toán kinh tế hợp lý?

Đến đây, vấn đề lại quay lại với câu chuyện “đầu tiên”, một câu chuyện thực ra không mới cho bất cứ hoạt động văn hóa lớn ở Việt Nam. Và vấn đề đặt ra cũng không mới là: Chúng ta nên tiết kiệm kinh phí cho mỗi chương trình hay nên tiết kiệm số lượng chương trình trong mỗi festival? Hay nói cách khác, festival của chúng ta hiện nay nên “phình to” hay nên “đào sâu”?

Dạ Huế Festival...

Trở lại với nhà thiết kế Minh Hạnh, một người con của Huế, chị có nói nửa đùa nửa thật về tính cách Huế qua một tiếng “dạ” rất dễ thương và cũng rất dễ giận. Dễ thương vì trước bất cứ một yêu cầu nào, người Huế cũng đáp lại bằng tiếng “dạ”. Nhưng bạn nên nhớ rằng, dù có nghe tiếng “dạ” tới vài lần, chưa chắc yêu cầu của bạn đã được đáp ứng.

Bài kết: Festival chưa làm tăng trưởng khách du lịch

Việt Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm