Kỳ 2: Thủy binh chúa Nguyễn – vang dội Biển Đông

10/06/2010 12:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhìn cảnh cờ xí rợp trời, chiến thuyền trải đầy mặt sông trong “Cuộc thao luyện thủy binh thời các chúa Nguyễn” hôm 7/6 vừa qua, tôi có cảm giác như được sống lại với những trang sử hào hùng của hơn 400 năm trước, khi các vị chúa Nguyễn ngang tàng giương buồm trên sông, biển miền Trung để bảo vệ giang sơn. Tôi như được thấy cảnh chúa Nguyễn Phúc Tần cầm gươm dẫn đầu đoàn chiến thuyền Đàng Trong nhỏ và nhẹ tấn công trực diện vào hạm đội tàu chiến của phương Tây khiến cho chúng phải kinh hồn bạt vía.

>> Chuyên đề: Festival Huế 2010

Những tài liệu về trận hải chiến này do chính các nhà nghiên cứu phương Tây đưa ra trong cuốn Sư tử và Rồng xuất bản gần đây.

1. Người Việt vốn thạo về thủy binh, nhưng thủy binh của chúa Nguyễn được coi là thiện chiến bậc nhất thời bấy giờ.
Một trong những lái buôn phương Tây đầu tiên cập bến Đàng Trong để đặt quan hệ thương mại với chúa Nguyễn là thương nhân người Hà Lan Woneraer. Ông này đã đến Hội An từ năm 1601, và ông đã được diện kiến chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa từng ban lệnh là sẽ trừng phạt bất kỳ ai gây rối với người Hà Lan. Nhưng ngay sau sự khởi đầu hết sức tốt đẹp với đầy tình hòa hiếu ấy là muôn vàn những rắc rối, hiểu lầm. Những người Hà Lan tin vào những lời đồn đại về một vụ tấn công của chính quyền đối với các tàu thuyền của họ, nên họ đã vội vã bỏ chạy. Trong quá trình rút chạy họ lại đốt cháy một ngôi làng của Đàng Trong.


Phác thảo mẫu bè trong thủy binh của các chúa Nguyễn
Thiện ý của vị chúa Nguyễn đầu tiên với những người lái buôn phương Tây đã không thể thực hiện được, từ đó và trong suốt những thập niên đầu của TK 17 do những rắc rối về thương mại cùng những sự hiểu lầm. Kết quả là rất nhiều các vụ tấn công nhỏ lẻ đã xảy ra giữa hai bên. Đỉnh cao là thời kỳ những năm 1636 - 1644, khi những người lái buôn thuộc Công ty Đông Ấn chuyển sang làm ăn với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và gây hấn với chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Mặc dù trên danh nghĩa là một công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Đông Ấn thời bấy giờ trên thực tế là biểu tượng quyền lực của thực dân châu Âu, với phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở châu Á mà ở cả châu Phi và Tây bán cầu. Công ty cũng có trong tay những hạm đội chiến thuyền rất mạnh với các vũ khí tối tân nhất.

Ngày 31/5/1642, một hạm đội gồm 5 chiếc tàu chiến với 152 thủy thủ và 70 binh lính được đưa đến Đàng Trong dưới sự chỉ huy của tướng Jan van Linga. Hạm đội đã tấn công một ngôi làng Đàng Trong thuộc Quy Nhơn ngày nay và bắt giữ 50 người dân làm con tin. Hai trong số các chiến thuyền là do Van Liesvelt chỉ huy đã cập vào phía Nam Hội An với ý đồ tấn công táo bạo, nhưng kế hoạch của họ đã thất bại. Binh lính của chúa Nguyễn đã tấn công và giết chết Van Liesvelt cùng toàn bộ binh lính trên tàu. Tướng Jan van Linga phải đưa các chuyến thuyền rút khỏi Hội An, kết thúc ý đồ chinh phạt Đàng Trong lần thứ nhất.

Hà Lan quyết định cử thêm một hạm đội gồm 5 chiến thuyền nữa tới liên kết với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (khi đó đang là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh) nhằm xây dựng một chiến dịch quân sự chống lại “những người Đàng Trong xấu xa” (như lời họ viết). Tiếp theo viên toàn quyền và Hội đồng lãnh đạo, Công ty Đông Ấn vẫn quyết định gửi thêm 3 tàu chiến nữa dưới sự chỉ huy của tướng Pieter Baeck. Các chiến thuyền này đều hợp với quân đội của chúa Trịnh lúc bấy giờ đang tập kết ở bên sông Gianh. 


Tái hiện lực lượng thủy binh của các chúa Nguyễn
2. Ngày 7/7/1643, trận hải chiến lịch sử nổ ra, một đội hùng binh của chúa Nguyễn gồm 50-60 chiếc thuyền có trang bị vũ khí từ bên kia bờ sông tiến ra. 3 chiếc tàu chiến của tướng Pieter Baeck bị tấn công. Chiếc tàu chỉ huy của tướng Pieter Baeck mang tên Wijdenes với sức chứa 160 tấn bị trúng đạn và nổ tung. Tướng Pieter Baeck tử trận, toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. 7 người khác bị thủy binh chúa Nguyễn bắt sống. 2 tù binh khác bị xử tử ngay trên bờ. Hai chiếc tàu còn lại trốn thoát được ra biển, nhưng cũng chịu thiệt hại vô cùng nặng nề.

Cuộc hải chiến nói trên là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa Đàng Trong với phương Tây. Một thế kỷ rưỡi sau đó, các vua Nguyễn vẫn nhớ về cuộc chiến này như một niềm vinh quang và đã cho ghi vào biên kiên kỷ chính thức của hoàng triều. Điều thú vị là trong trận chiến này có sự tham gia của cả 2 cha con chúa Nguyễn Phúc Lan. Sau khi tận mắt nhìn thấy chiếc tàu địch bị bắn cháy, chúa Nguyễn Phúc Lan đã quyết định đợi con trai (sau này là chúa Nguyễn Phúc Tần) lên bờ. “Sau khi trách con về sự liều lĩnh, Chúa khen ngợi con trai rất nhiều và quay trở lại Huế”.

Cay cú trước thất bại đó, năm sau, lãnh đạo Công ty Đông Ấn, Hà Lan lại chuẩn bị một cuộc viễn chinh quân sự nhằm phục thù những tổn thất mà họ phải gánh chịu. Giữa năm đó, 5 chiến thuyền được trang bị vũ khí hạng nặng bắt đầu tiến vào vùng biển Đàng Trong. Nhưng đáp lại họ chỉ là sự im lặng. Họ không tìm được thủy binh nào của các chúa Nguyễn. Trong khi đó dưới sự chỉ huy của tướng Ongsouma Ongadagh (tướng nhà Trịnh theo cách phiên âm của người phương Tây?), một đoàn chiến binh gồm 15 ngàn người và một số lượng lớn voi, ngựa di chuyển đến ranh giới với Đàng Trong để tấn công chúa Nguyễn. Tuy nhiên, quân chúa Trịnh đã không hợp lực được với các chiến thuyền Hà Lan. Cuộc hành binh chẳng thu được kết quả nào đáng kể. Trở về Thăng Long chúa Trịnh phải phàn nàn về đồng minh của mình là “bọn người Hà Lan nhút nhát”.

3. Trong các năm 1642-1643, đã có 3 chiến dịch của người phương Tây chinh phục Đàng Trong với 13 tàu chiến và khoảng 1.000 người tham chiến; nhưng tất cả các ý đồ đó đã bị thủy binh của các chúa Nguyễn đập tan. Những trang sử hào hùng được viết trên biển Đông từ hơn 400 năm trước lại một lần nữa âm vang trong Fesitval Huế năm nay.

Nguyễn Mỹ (Tổng hợp từ các tài liệu lịch sử)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm