Nguyễn Tài – Người Anh hùng ở tuổi 75

05/06/2010 12:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ở tuổi 21, ông đã được bổ nhiệm làm Trưởng ty Công an Hà Nội, 10 năm sau là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (Bộ Công an), tình nguyện đi chiến trường trong những năm cả nước sục sôi đánh Mỹ, rồi bị địch bắt vào dịp tết Noel năm 1970. Mặt đối mặt với các nhân viên của CIA, suốt 4 năm, 4 tháng, 10 ngày trong nhà tù của Mỹ - Ngụy, ông vẫn giữ được khí phách kiên trung của người chiến sỹ Công an cách mạng.

“Tôi sống và chết trên mảnh đất Tổ quốc tôi”

Mùa xuân 1975, khi Sài Gòn giải phóng, ông được bộ đội ta giải thoát. Sau cảnh lao tù, ông trở lại với công việc của mình: Giám đốc Công an TP HCM. Năm tháng qua đi, vượt lên những thăng trầm và những vết thương thời hậu chiến, giờ đây mọi chuyện với ông đã được khẳng định. Cách đây ít năm ông được Nhà nước  phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội, hồi ông mới nghỉ hưu, thi thoảng người ta vẫn thấy ông đi chiếc xe đạp cà tàng đến thăm gia đình bà con lối xóm. Người ta cũng thấy, ông đứng tên tác giả trong khá nhiều những bài báo mà ở đó ông gửi những kiến nghị của mình đối với các cấp chính quyền Hà Nội với hy vọng xây dựng Thủ đô ngày một đẹp hơn.

Ngày ông mới nghỉ, bà Bắc (vợ ông) bảo: Quỹ tiền lương hưu của 2 vợ chồng vừa đủ để chi trả tiền điện, nước, sinh hoạt hàng ngày. Trước đó, ông đã nhượng căn hộ ở tầng 2, nhà B4 tập thể Trung Tự cho người khác để về sống với người con trai và dành tiền cho những chuyến đi thăm những người đồng chí, đồng đội và gia đình cơ sở năm xưa.


Ông Nguyễn Tài sau khi được giải thoát khỏi nhà tù Mỹ - Ngụy

Ở TP. HCM và nhiều tỉnh Nam Bộ, nhiều người vẫn gọi ông với cái tên trìu mến: anh Tư Trọng. Cái tên đó đã gắn bó với tên đất, tên làng của những người đồng chí, đồng bào nơi ông từng sống và hoạt động. Những kỷ niệm về một thời gian khổ, hào hùng luôn in đậm trong ông. Có lẽ vì thế mà sau khi về hưu, những năm sức khoẻ còn cho phép, như đã thành lệ, cứ một hai năm, ông lại vào Nam để về với những kỉ niệm buồn, vui ở miền đất này. Đến đâu, anh Tư Trọng cũng được đón tiếp như người thân trong gia đình. Nhiều bà má, người chị, người em đã bật khóc khi gặp lại ông.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định và từng có thời gian hoạt động với ông Nguyễn Tài đã viết thư gửi Thành uỷ TP HCM, đề xuất với Đảng và Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhận xét: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trung, mưu trí khi bị địch bắt trong thời kì kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy, đồng chí thực sự xứng đáng là một anh hùng. Sau giải phóng, đồng chí đã kiên trì, thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt, giam cầm và đã được các cơ quan của Đảng xác nhận. Việc đó càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”.

Những dòng nhận xét của đồng chí Võ Văn Kiệt khiến tôi nhớ đến một khí phách kiên trung. Ngay cả khi một mình đối mặt với các nhân viên sừng sỏ của CIA, trải qua những đòn tra tấn dã man và vật lộn giữa sự sống và cái chết, ông vẫn lạc quan và giữ trọn niềm tin vào ngày chiến thắng. Cả khi kẻ thù dùng thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc sau khi đã biết về bản lý lịch của ông, chúng gạ gẫm -  như lời ông kể lại - “Nếu tôi chịu nhận tên và chức vụ thì chúng sẽ đưa tôi sống lưu vong và cấp một biệt thự sang trọng ở nước ngoài. Trước thủ đoạn đê hèn đó, tôi trả lời chúng rằng: “Tôi sống và chết trên mảnh đất của Tổ quốc tôi”.

* Lòng mình sáng thì hoàn cảnh nào cũng sáng

Ông bị địch bắt vào ngày 23 tháng 12 năm 1970, trên đường đi công tác. Khi đó, ông đang là Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Được bộ đội ta giải thoát trong ngày đại thắng, song Sài Gòn và miền Nam vừa giải phóng với biết bao công việc bộn bề, ông tạm gác lại những nỗi niềm những ngày xa cách, cũng như những vết thương còn hằn sâu từ thời gian tù đày, tiếp nhận trách nhiệm Giám đốc Công an TP.HCM. Ít lâu sau, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và giữ cương vị này đến cuối năm 1981.

Có ai nghĩ rằng, con người ấy, trong suốt 11 năm từ cuối năm 1977, lại phải sống trong tâm trạng nặng nề bởi một tài liệu mà sau này được xác nhận là không đúng. Vì lẽ đó, ông bị đình chỉ công tác để thẩm tra về thời gian bị địch bắt. Có lẽ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ngoài những thách thức cam go mà ông đã gặp và vượt qua ở nhà tù Mỹ - Ngụy thì giai đoạn này được coi là khắc nghiệt nhất để đấu tranh có nguyên tắc trong nội bộ, đấu tranh với tư tưởng “chụp mũ” nhằm minh chứng cho chính mình, giảm bớt những tổn thương cho Đảng và Cách mạng. Đó là một đoạn trường mà ông vẫn gọi: “11 năm khúc khuỷu đường đời”.


Nguyễn Tài ( thứ 2 từ trái qua) trong lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND

Là con thứ hai của nhà văn Nguyễn Công Hoan, là cháu ruột đồng chí Lê Văn Lương, khi ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, song không phải vì thế mà ông chờ đợi sự trợ giúp của những tiếng nói có trọng lượng. Phẩm chất kiên trung của người công an cách mạng đã giúp ông bình tĩnh và tự tin để làm rõ sự trong sáng của mình.
 Trong câu chuyện với tôi, ông nhớ lại: “Lúc đó, tuy có buồn, nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào sự sáng suốt của tập thể Đảng. Lòng mình sáng thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng sáng, không thế thì làm sao có được ngày hôm nay!”.

Tại văn bản số 570 ngày 23 tháng 12 năm 1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VI đã viết: “Đồng chí Nguyễn Tài đã có tinh thần chịu đựng sự tra tấn dã man của địch, khôn khéo đối phó với địch, bảo vệ cơ sở và những bí mật của Đảng mà mình biết”.

Còn nhớ khi đến thăm ông khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, tôi có một cảm nhận, cả vợ chồng ông đều như trẻ ra. Bà Bắc, phu nhân của ông không giấu nổi niềm vui kể với tôi rằng: “Từ hôm ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, đồng đội, bạn bè gần xa nhất là bà con nơi ông ấy từng hoạt động liên tiếp điện ra chia vui”. Không vui sao được, bởi cuộc đời đã trả lại sự công bằng cho ông, vơi cạn đi những nỗi niềm trong quá khứ. Ông thanh thản bước vào mùa xuân mới, dẫu cuộc đời nay đã bước qua cái tuổi ngoài tám mươi.


Lưu Vinh (Phó TBT báo CAND)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm