48 tiếng ở Hà Nội theo nhịp sống phố phường

02/05/2010 07:14 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Bài viết của François Simon-đặc phái viên báo Le Figaro (Pháp), đăng trên phụ trang Du lịch của Le Figaro nhân dịp Hà Nội chuẩn bị đón Đại lễ 1000 năm. Chuyên mục Những góc nhìn Hà Nội xin giới thiệu phóng sự này qua bản dịch tiếng Việt của CTV Tường Nguyễn.

Hà Nội, “thành phố bên trong dòng sông”, đã ra đời cách đây đúng 1.000 năm. Sau nhiều bước thăng trầm, thành phố này hiện trở nên thu hút, quyến rũ, và huyền bí hơn bao giờ hết…

Diện mạo thành phố này, Hà Nội, luôn cô đọng trong tâm khảm chung của chúng ta. Và nói đúng hơn, như một ký ức thân thương, sâu lắng. Hà Nội mang trong mình một ma lực mạnh mẽ, một uy lực khiến chúng ta bị thôi miên khi đang rảo bước ngay giữa một đại lộ đông đúc với những dòng xe xích lô lướt nhanh như một đàn cá. Hà Nội vươn mình lên giữa một miền đồng bằng vốn được sinh ra từ một dòng sông luôn chuyển dịch theo hoạt động của các bãi đất bồi. Nơi này đã được lựa chọn bởi tốt về vị trí địa lý, cảnh quang và tính toán địa hình.


Bài học về cuộc sống

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng trên vùng đất này một kinh đô. Rồi sau đó, thời gian cứ tiếp tục làm công việc bồi lắng cho những gì mà người dân có được cho đến ngày nay. Người Pháp đã góp thêm vào không gian Hà Nội một vài công trình kiến trúc và dân dụng, như nhà hát, cầu đường, khu dinh thự, khách sạn Métropole, các biệt thự và một ngôi giáo đường. Tiếp theo đó, như một “định mệnh”, thành phố này đã chịu một nghịch cảnh, bị ném bom oanh tạc, bị cày xới trong lửa đạn. Song, chúng tôi vẫn tự hỏi rằng, bằng cách nào mà Hà Nội ngày nay đã trở thành một thành phố náo nhiệt, năng động, và đầy nhựa sống đến như thế.

Khám phá một Hà Nội của ngày hôm nay là cách tốt nhất để chúng ta có được một bài học tuyệt vời về nghệ thuật sống và quy hoạch đô thị (thành phố được thiết kế dành cho người đi bộ và xe đạp). Và chúng tôi thấy người dân làm đủ mọi việc ngoài đường, như cắt tóc, giặt giũ, đến ma chay. Kể cả hôn nhau, nhưng ít ra là tại khu chung quanh Bờ Hồ thôi.

Ngoài phố, hẳn nhiên người ta cũng ăn, những hàng quán có khắp nơi, và đây có lẽ một nét mới mà những thành phố khác trên thế giới sớm muộn gì cũng làm theo. “Phở” là một đặc trưng ẩm thực Việt Nam trong đó có tất cả những gì mà chúng ta - những người phương Tây - đang loay hoay tìm kiếm, bởi đây là một món ăn đơn giản, bổ dưỡng với nhiều loại rau tươi, một món ăn nhẹ bụng nhưng cân bằng về mặt dinh dưỡng, một món ăn nhanh và rẻ.

Nhưng hình ảnh của Hà Nội không chỉ gói gọn trong một bữa ăn. Mà đối với những ai có cái thú lang thang hàng giờ liền ngoài phố, biết đắm mình vào nhịp sống tại đây và biết chờ đợi, thì thành phố này còn lung linh huyền ảo hơn trong từng ngõ hẻm góc phố, nơi phảng phất hình ảnh từ bộ phim về chiến tranh Việt Nam “Ngày tận thế”, từ những tác phẩm văn học của Marguerite Duras hay Somerset Maugham,…

Hà Nội là một thành phố đi lên không ngừng, một thành phố luôn trăn trở, luôn tìm kiếm bản thân mình, để rồi có thể bình thản cho một cuộc sống tự tại, hồn nhiên trong hoài bão của mình.


2 ngày ngao du Hà Nội

Ngày thứ nhất

9g45. Khách sạn Métropole. Một nơi nghỉ hoàn hảo, bởi bạn sẽ trú chân ngay trung tâm thành phố, và vì đây là một khách sạn hiện đại rất được du khách châu Á ưa thích, đồng thời có một khu vực phong cách cổ điển mà người châu Âu không thể bỏ qua.

10g30. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Chúng ta có thể lang thang cả ngày trong không gian trưng bày được khánh thành năm 1997 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp tại Việt Nam, với nhiều hiện vật quý và một cửa hàng lưu niệm phong phú.

12g30. Ăn trưa tại nhà hàng Sen. Một không gian ẩm thực hoành tráng sát bên hồ Tây. Khu buffet có thể chứa hơn 1.000 thực khách. Cuối tuần đến đây thì còn gì bằng!

16g. Massage tại Body & Soul. Hãy tận hưởng cuộc sống sau một chuyến đi dài, tại một địa điểm lý tưởng là “Body & Soul”.

18g. Mua sắm, đặt may quần áo. Cũng nên đi may mặc một chút gì đó tại Hà Nội. Thế nên, hãy đến khu chợ vải ở phố Hàng Gai. Hãy tìm một chút thi vị và yêu cầu thợ may giao hàng trong vòng 2- 3 ngày là vừa.

20g. Ăn tối tại “Chả Cá Lã Vọng”. Hãy đến đây nếu bạn muốn “có được 1.000 trải nghiệm trong cuộc sống”. Khi đó, bụng sẽ cồn cào, nhưng chú ý, có nhiều quán ăn cùng tên, bạn hãy chọn đúng số 14, phố Chả Cá nhé!

23g. Dạo đêm quanh Bờ Hồ. Thật là những khoảng khắc đúng nghĩa của đời sống Hà Nội. Tay cầm que kem mua tại quán Fanny và dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Những đôi tình nhân, những gia đình, và những ông bà cụ… Đó chính là cái hồn của thủ đô nước Việt.

Ngày thứ hai

10g. Chợ Đồng Xuân. Các mặt hàng phong phú vô kể. Bạn có thể bị lôi cuốn ít lâu bởi kiểu kiến trúc cổ của khu chợ này.

11g30. Thăm Văn Miếu. Một chuyến ghé thăm để trầm tư và chiêm nghiệm.

13g. Ăn trưa ngoài phố. Bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra cách ăn uống đặc trưng ở Hà Nội. Khi bạn lần tìm ra được những quán ăn đường phố tại đây, điều thú vị là bạn như lạc vào khu ẩm thực quốc tế, phong phú nhưng bỗng bạn không tìm thấy cái chuẩn nào để so sánh. Hấp dẫn là thế đấy!

15g. Nghỉ trưa, như tất cả mọi người… Một thành phố như Hà Nội vẫn thích được mọi người lãng quên trong giây lát để sau đó được mọi người tìm gặp lại.

17g. Dạo quanh Bờ Hồ. Để thưởng thức hương vị của một buổi cuối ngày. Trên vỉa hè, người ta chơi cầu lông, nói cười rôm rả. Trên ghế đá, mấy “bác” xích lô đang làm vài ván domino. Từng nhóm thanh thiếu niên đeo tai nghe nhạc. Những cặp tình nhân khắng khít nhau bên bờ hồ và chẳng màng gì đến nhân tình thế thái phía sau lưng, bởi họ đang thả hồn mình bay bổng trước làn nước phẳng lì của hồ Gươm.

21g. Ăn tối sang trọng. Trong số những nơi phục vụ các món ăn phương Tây, phải kể đến quán của ông chủ Didier Corlu ở số 19, đường Ngô Văn Sở, ông là một người yêu nghệ thuật ẩm thực và yêu Việt Nam.

Thế rồi, tôi rời Hà Nội với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Xem chưa đủ. Thấm chưa sâu. Nhưng mặc kệ… tôi đã bị mê hoặc bởi thành phố này, qua cái dân dã của các món ăn, qua cái nóng hầm hập. Tôi như thẫn thờ. Nhưng, chuyến bay sắp cất cánh…

Còn 23 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.


François Simon

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm