"Binh đoàn tên lửa" âm nhạc giữa Sài Gòn

28/04/2010 13:49 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Thời gian đầu sau ngày giải phóng, bên cạnh việc ổn định trật tự của thành phố Sài Gòn, lĩnh vực văn hóa văn nghệ cũng rất được chú trọng. Nó như một mặt trận mà chiến sĩ là những người nghệ sĩ. Có hàng chục đoàn văn công chuyên nghiệp biểu diễn tại đây và đặc biệt là sự có mặt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Khi bản giao hưởng Định mệnh (Beethoven) vang lên tại Nhà hát TP.HCM vào 1/6/1975, có người đã ví rằng dàn nhạc giao hưởng như một “binh đoàn tên lửa” - hùng tráng, anh dũng và là niềm tự hào của thành quả văn hóa cách mạng thời kỳ ấy…

Để biết thêm về không khí văn nghệ của những ngày đầu sau giải phóng, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Thành, Chánh văn phòng Hội Âm nhạc TP.HCM, nhưng năm 1975 ông là Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng của Cục Chính trị Miền.

Những bước chuẩn bị cho “tấn công” văn nghệ


 Nhạc sĩ Vũ Thành
* Thưa ông, hẳn là chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo để phục vụ văn nghệ cho quân dân Sài Gòn sau ngày giải phóng (30/4/1975)?


- Đầu tháng 3/1975, Cục Chính trị Miền triệu tập lãnh đạo các đoàn nghệ thuật quân giải phóng về để “tập huấn” nghiệp vụ, nhưng thực chất đó là việc chuẩn bị lực lượng và phương án để biểu diễn văn nghệ khi Sài Gòn được giải phóng.

Đây là thời điểm đang diễn ra chiến dịch Tây Nguyên, ai cũng cảm nhận ngày giải phóng Sài Gòn như đã gần kề, các ngành đều chuẩn bị rầm rộ.

* Ngày 30/4/1975 ông đang ở đâu và cảm xúc của ông - một người lính làm nghệ thuật - như thế nào?

- Cũng như bao người khác, đó là cảm xúc rộn rã, niềm vui mừng phấn khởi tột độ, bởi nó chấm dứt những ngày tháng gian lao của cuộc đời quân ngũ sống chết kề nhau trong gang tất. Lúc đó tôi đang cùng đơn vị đóng tại Cục Hậu cần ở Lộc Ninh. 11h30 ngày 30/4/ 1975 chúng ta cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, giải phóng thành phố Sài Gòn thì ngay sau đó Cục Chính trị Miền đã tiếp quản cơ quan tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn ở số 2Bis đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Ngay đầu giờ chiều 30/4, tôi được lệnh cấp tốc vào Sài Gòn để nhận nhiệm vụ mới.

Khoảng 14h, tôi và một lái xe đi trên chiếc xe Jeep từ Lộc Ninh qua Bình Dương để vào Sài Gòn, trên đường đi còn ngổn ngang xe tăng, xe quân đội Sài Gòn bốc cháy, quân trang, quân dụng của họ vứt bừa bãi. Khoảng hơn 17h thì tôi đến 2Bis đường Hồng Thập Tự để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

* Như vậy ông là nhạc sĩ cách mạng đầu tiên từ vùng căn cứ vào Sài Gòn ngày 30/4/1975?

- Không phải, có thể nói nhạc sĩ Xuân Hồng là người đầu tiên, vào trước tôi mấy tiếng đồng hồ, lúc này ông là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn của Cục Chính trị Miền đi cùng đoàn tiền phương của Cục Chính trị.

Đến 2Bis Hồng Thập Tự, gặp nhạc sĩ Xuân Hồng và ông Lê Thế Thưởng (Phó phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Miền), 2 ông giao nhiệm vụ cho tôi là tổ chức cho các đoàn văn công nói trên tập kết về Sài Gòn và lo chỗ ăn ở để các đoàn hoạt động.

Chiều 1/5 tôi trở về lại Lộc Ninh để tổ chức đưa các đoàn văn công về Sài Gòn. Ngày 5/5 bắt đầu và đến ngày 8/5 thì kết thúc.

Cuộc “tổng tấn công” trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ

* Các đoàn văn công cách mạng đã hoạt động như thế nào trong những ngày đầu giải phóng?

- Các đoàn văn công thuộc các đơn vị và các sư đoàn thì về ở và biểu diễn ở những địa điểm trong phạm vi mà đơn vị của mình hoạt động, còn Đoàn Văn công Quân giải phóng với danh nghĩa là đoàn của Ủy ban Cung quản thành phố Sài Gòn hoạt động nhiều nơi trong thành phố. Có thể nói đêm biểu diễn đầu tiên của một đoàn văn công cách mạng tại Sài Gòn là đêm 8 hoặc 9/5 (tôi không nhớ rõ lắm) ở Dinh Độc Lập. Đêm đó, Đoàn Văn công Quân giải phóng biểu diễn phục vụ cho các cán bộ chiến sĩ đồng thời cũng là để lãnh đạo duyệt chương trình.

* Lúc đó các đoàn văn công biểu diễn như thế nào?

- Các đoàn văn công chủ yếu là biểu diễn các bài ca cách mạng, những bài hát được biểu diễn nhiều nhất như: Bài ca hy vọng (Văn Ký), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Qua sông (Phạm Minh Tuấn), Cây chông tre (Trí Thanh), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ - Lê Giang)...

Lúc đó không có đàn điện mà chủ yếu là các nhạc cụ như violin, cello, kèn đồng, kèn gỗ, accordion, đàn t’rưng... Ngoài ca nhạc còn có múa, kịch múa, ca cổ... Nhưng có thể nói, đó là những buổi biểu diễn rất ấn tượng và sâu sắc đối với các chiến sĩ văn nghệ thời đó.

Đối với đồng bào vùng mới giải phóng các buổi biểu diễn đã để lại hình tượng đẹp về anh bộ đội và nó cũng là một dòng âm nhạc khá lạ lẫm đối với người dân thành phố Sài Gòn. Những giai điệu, tình cảm, nội dung trong sáng yêu đời khác với những bản nhạc “vàng” mà họ đã nghe trước đây.

* Ông có thể nói khái quát không khí biểu diễn văn nghệ của những ngày ấy?

- Hầu như tại Sài Gòn đêm nào cũng có biểu diễn của văn công cách mạng, ban đầu chủ yếu là phục vụ cho cán bộ chiến sĩ, nhưng sau đó nhân dân cũng đến xem rất đông, không khí tưng bừng, náo nức.

Ngoài những đoàn văn công của Cục Chính trị Miền, từ 19/5 còn có nhiều đoàn khác từ miền Bắc vào như Đoàn Văn công giải phóng, Đoàn Ca múa miền Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị... và đặc biệt là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Trọng Bằng chỉ huy... Biểu diễn văn nghệ muôn màu, muôn sắc, vừa gần gũi với công chúng vừa có tính chất “bác học”.

Đặc biệt dàn nhạc giao hưởng trình diễn những tác phẩm của Beethoven, Tchaikovsky đã làm nhân dân và trí thức ở Sài Gòn ngỡ ngàng. Tất cả đã tạo thành một dòng thác văn nghệ cách mạng, một cuộc “tổng tấn công” về văn hóa văn nghệ không thua kém cuộc “tổng tấn công” mà chúng ta vừa giành thắng lợi.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

GS-NSND Trọng Bằng: “Mặt dù đã chỉ huy nhiều buổi hòa nhạc giao hưởng ở Việt Nam và nước ngoài, nhưng đêm 1/6/1975 tại Nhà hát TP.HCM vẫn để lại cho tôi một cảm xúc khó tả. Chưa bao giờ tôi lại có cảm xúc hào hùng, xao xuyến, xuất thần và niềm tự hào như thế. Đó là lần đầu tiên loại âm nhạc cao cấp nhất của thế giới được những nghệ sĩ cách mạng biểu diễn giữa thành phố Sài Gòn. Giữa âm vang thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại, nó cũng là buổi biểu diễn “quang vinh” của ngành giao hưởng nước ta. Gần 2 tháng biểu diễn giao hưởng tại Sài Gòn, nó mang một ý nghĩa lớn: chúng ta không chỉ đánh giặc giỏi mà còn đạt được những thành tựu văn hóa cao của nhân loại”.


Hữu Trịnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm