Đọc lại thơ của "một anh hùng, một thi nhân"

26/04/2010 15:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ba mươi ba năm sau khi mất, năm 2010, tháng Tư, ngày 17, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Đó là một vinh danh xứng đáng cho một cuộc đời từng là võ tướng, văn nhân, gươm bút tung hoành ngang dọc như một trang hiệp sĩ huyền thoại trong những năm đất nước gian nan đánh giặc…

Bóng dáng người anh hùng trong tôi
 

 Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Ảnh: Tư liệu
Huỳnh Văn Nghệ từ lâu là huyền thoại về cuộc đời của một thi tướng. Trong ông, hai phẩm chất tuyệt vời luôn song hành là anh hùng và thi nhân. Vâng! Ông là võ tướng, nhưng ông cũng chính là một thi nhân đúng nghĩa: “Có ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Bài thơ với chất hào sảng ấy cùng những chiến công và binh nghiệp lẫy lừng đã đưa ông trở thành nhân vật huyền thoại.


Thế cuộc và hình ảnh người chiến sĩ, người dân miền Đông Nam Bộ và công cuộc kháng chiến đã đi vào thơ ca Huỳnh Văn Nghệ nhưng mang một giọng điệu khác thường. Tại chiến khu Đ, tên tuổi ông nổi lên bên cạnh Lê Duẩn, Nguyễn Bình, Hoàng Minh Viễn...

Ở Huỳnh Văn Nghệ, tư chất võ tướng và phẩm chất thi sĩ hòa quyện, khó biết rằng ông là tướng võ hay là thi nhân. Những vần thơ của ông đầy chất hào sảng, mang tâm hồn người Nam Bộ, luôn khao khát được chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ông là điển hình, là hiện thân của những người con đất phương Nam: Phóng khoáng lãng mạn và khi cần thì quyết xả thân vì nghĩa lớn.


Suốt những năm đánh Pháp ở bưng biền Nam bộ, ông là người chỉ huy quả cảm, nổi tiếng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Năm 1950, sau khi hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một sáp nhập, Huỳnh Văn Nghệ là ủy viên ban thường vụ, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận chiến đấu lớn.

Bốn mươi năm trước, Huỳnh Văn Nghệ trong tôi chưa rõ nét, nhưng với những thiếu niên như tôi, chất anh hùng lẫn mộng thi nhân của ông qua câu chuyện kể của cha, mà tôi đã nuôi lớn chí tang bồng muốn xung trận vệ quốc, mơ làm nên những chiến công lừng lẫy và cả giấc mơ làm thi sĩ... Tên ông nằm sâu trong ký ức như huyền thoại. Lắm lúc tôi đã đi tìm ông. Nhưng ông đã mất tại Sài Gòn hai năm sau giải phóng. Tôi gặp lại hai hình ảnh Huỳnh Văn Nghệ trong những câu chuyện kể, đó là một anh hùng và một thi nhân. Như ông từng viết: “Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/Không phân biệt lúc mài gươm múa bút...Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát...”.

Nhớ lần tôi ghé Thủ Dầu Một, người bạn văn đã nhiệt tình ôm cả một đống tài liệu về Huỳnh Văn Nghệ tặng để bày tỏ tình cảm với người bạn đất Bắc như tôi... Huỳnh Văn Nghệ - trước sau con người ấy đã cuốn hút tôi, hấp dẫn tôi. Nghĩ đến ông là tôi nghĩ đến hình ảnh một vị võ tướng dáng trầm ngâm suy tư bóng in lên nền trời ráng đỏ chiều hôm bên sông Đồng Nai, hoặc là sóng ngựa đôi bên tướng Nguyễn Bình súng, kiếm kề hông, bụi tung mù vó ngựa trên những trảng cát hay đồi hoang... Người chỉ huy chi đội 10 dũng mãnh với những chiến công vang dội cùng những trận thắng oanh liệt ở chiến khu Đ làm cho huyền thoại về ông ngày một nhiều. Rồi những trận chiến không gươm súng những khi Huỳnh Văn Nghệ một mình tay không lọt vào hang hùm Bảy Viễn - tướng Bình Xuyên. Thế rồi không biết do tài nghệ, sự mẫn tuệ, hay phẩm chất trượng phu của Huỳnh Văn Nghệ mà sau khi gặp ông, Bảy Viễn đã được cảm hóa.

Trái tim người chỉ huy

Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là võ tướng tài ba, mà còn là một cây bút lạ, trong văn chương báo chí và nhất là với thi ca. Đọc lại tác phẩm của ông chúng ta hiểu thêm về cuộc đời ông, tính cách ông, con đường sự nghiệp ông: “Có con sông chảy từ hướng Bắc/ Vượt núi rừng ghềnh thác/ Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao”.

Xưa nay chưa thấy ai viết về sông Đồng Nai mà lại viết với những vần thơ lạ như thế. Huỳnh Văn Nghệ đã viết về con sông quê hương, lại với nỗi niềm nhớ Bắc.

Bài thơ Tiếng hát giữa rừng của ông viết về người thương binh hát quốc ca trong khi các thầy thuốc đang cấp cứu anh bằng cách cưa bỏ đi chân gãy bằng cái cưa xẻ gỗ. “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc”/ Anh lịm đi/ Hồi hộp cả núi rừng/ Tiếng hát mới chịu ngưng/ Ảnh Bác Hồ rưng rưng nước mắt/... Trèo lên lên yên ngựa đi từng bước/ Cúi đầu nén nỗi đau thương/ Nhưng lửa căm hờn bỗng dựng cao đầu ngựa dậy/ Vang trời ngựa hý/ Chí phục thù cháy bỏng tay cương...”.


Bài thơ là nỗi đau trái tim người chỉ huy khi thấy chiến sĩ mình hát trong nỗi đau đớn. Chất anh hùng trong thi nhân bùng cháy và ta hiểu đó là Huỳnh Văn Nghệ...

Tại Tân Uyên quê ông, hiện còn ngôi nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ. Nhìn hàng chữ "Nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ” lòng tôi bỗng dưng mong nhớ quá chừng. Ước chi ông còn để được nắm bàn tay, để được ngắm dung nhan bậc anh tài từng được người đời phong là “Thi tướng”. Hai bên ngõ đi vào ngôi nhà là hai câu thơ của ông: “Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát/ Và giờ đây tôi qua bến lên đường”. Vâng ông đã “qua bến”, ông đã “lên đường” rồi, nhưng thơ ông gửi lại trên cát mấy triền sông ấy đã được chép lại, đã lưu trong trí nhiều người dân Việt. Ông đã “lên đường” vào năm 1977, lúc mới 63 tuổi trong sự thương tiếc của nhiều người...

Một con người mà cuộc đời đầy sóng gió ấy, tính cách đầy dũng mãnh ấy, hóa ra lại là một văn nhân đích thực. Nhìn những dòng lưu bút của ông trong sổ tay người con gái ông, ta có cảm giác đấy là nét chữ văn nhân, nắn nót, bay bổng... Nó ngoài sức tưởng tượng của tôi về tính cách ông, khác đường kiếm rạch trời, dáng bay như chớp của người võ tướng họ Huỳnh. Hóa ra, với văn chương, ông lẫy lừng một sự nghiệp mà không ít người theo mộng chữ nghĩa dám mơ... Những cuốn sách của ông, mang tính cách Huỳnh Văn Nghệ: Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió...


Lăng mộ Huỳnh Văn Nghệ
Đọc lại “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Thơ văn ông in các báo lớn Sài Gòn những năm 1932. Nhưng có lẽ bài thơ nổi tiếng Nhớ Bắc viết năm 1946 là một tuyệt tác được xem là thần thi. Nó được viết bởi một tình cảm lớn, một tư tưởng lớn: “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long/ Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương...”.

Bài thơ làm ta giật mình. Hồn thơ thức tỉnh những mơ hồ về Tổ quốc. Đó là một khẳng định lịch sử trong dài lâu dựng nước và giữ nước của ông cha. “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” ấy là tâm hồn tư tưởng người Việt tự ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi... Thăng Long còn đó sông núi còn đây. Một Việt Nam ngàn đời bền vững. Tình cảm ấy vô cùng cao đẹp. Ấy là tình Bắc - Nam ruột rà để non nước Việt trường tồn... Tố chất Huỳnh Văn Nghệ đặc trưng Nam Bộ, gân guốc ngang tàng phóng khoáng nhưng nặng sâu ân tình. Chuyện làm thơ và đánh giặc ở ông đều tài ba như nhau. Phẩm chất anh hùng hảo hán cùng với những vần thơ trữ tình hào sảng lấp lánh trí tuệ và tâm hồn của ông đã ghi dấu son vào lịch sử văn học nước nhà. Thật hiếm thấy một sĩ quan quân đội mải mê theo binh nghiệp với năm tháng ròng rã chiến trường mà thơ văn người ấy được xếp hàng đỉnh cao, được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

“Hóa ra tất cả như mây ảo/ Còn lại thiên thu một chút tình”. Vâng! Đó là những vần thơ cuối cùng của ông gửi lại. Huỳnh Văn Nghệ đã sống một cuộc đời oanh liệt, dâng hiến đến tận cùng và ra đi thanh thản như vậy.
 
Bây giờ trước nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, thơ ông lại được đọc lên bằng tất cả tâm cảm tự hào. Một trùng hợp ngẫu nhiên hay sắp đặt lịch sử nữa: Những ngày giỗ Tổ năm nay, ngày 17/4/ 2010, Huỳnh Văn Nghệ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Một sự vinh danh đủ làm ấm lòng người đương sống để thêm một lần tưởng nhớ người anh hùng - thi sĩ mến yêu.

Vài nét về Huỳnh Văn Nghệ

Huỳnh Văn Nghệ sinh năm 1914 tại ngôi làng bên sông Đồng Nai. Lớn lên ông ra Sài Gòn học trung học rồi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932. Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ông lánh sang Thái Lan tham gia chống Nhật. Tại đây ông xuất bản báo Hồn cố hương. Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ trở về nước hoạt động, được kết nạp vào Đảng.


Ông bà Huỳnh Văn Nghệ
Khởi nghĩa tháng Tám 1945, ông tham gia lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền tại quê nhà. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Văn Nghệ là sĩ quan dưới sự chỉ huy của tướng huyền thoại Nguyễn Bình, từng giữ chức Trung đoàn trưởng, khu trưởng Khu 7, Tư lệnh khu 7.

Trận La Ngà là một trận “Giao thông chiến” lớn. Sau chiến thắng, Trung đoàn 310 của Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Hai, riêng chỉ huy Huỳnh Văn Nghệ được Bác tặng cho một chiếc áo trấn thủ...


Tân Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm