Giải mã Trường Lũy dài nhất Đông Nam Á

23/04/2010 14:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tuần qua, cuộc hội thảo đầu tiên về di tích Trường Lũy dài 200km từ Quảng Ngãi tới Bình Định đã thu hút sự quan tâm tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo nhận định của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và Viện KHXH Việt Nam, di tích trên là một công trình độc đáo, một di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị. Đó đơn thuần chỉ là kiến trúc phòng vệ quân sự dạng trường thành được dựng lên để ngăn chặn xung đột, hay còn vì một mục đích nào khác?

Trường thành 200 km với 115 đồn bảo vệ

Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình kiến trúc lớn và đa dạng, có chiều dài khoảng 200km bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Lũy được đắp bằng đất hoặc xếp bằng đá, nhiều đoạn còn khá nguyên vẹn. Những người tham gia xây lũy là người Hre bản địa, người Việt và thực tế là trường lũy được đắp thêm, được sửa sang suốt thời kỳ nó đóng vai trò là một công trình quân sự (thế kỷ 19).


Các nhà khoa học xác định diện tích của một khu bảo tồn (đồn bảo vệ) Trường Lũy
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng, lũy không phải là một công trình chỉ do người Việt xây dựng. Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên giữa người Việt và người Hre. Hai bên đã cùng tham gia vào quá trình xây dựng lũy, với việc sử dụng kỹ thuật xếp đá của người Hre. Quá trình hợp tác liên quan đến việc xây dựng Trường Lũy - một trong những điểm đặc biệt của di tích này. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh: Trường Lũy là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín.

Mặc dù, một số tài liệu cho rằng Trường Lũy được xây dựng vào thế kỷ 19, song trên thực tế khai quật ở các điểm Thiên Xuân, Rừng Đồn và đèo Chim Hút (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), bước đầu các nhà khoa học xác định nó được xây dựng từ thế kỷ 17. Hiện nay trên dọc lũy vẫn còn những đoạn lũy khá nguyên vẹn như ở Thiên Xuân, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Dọc lũy, thời triều Nguyễn có hệ thống đồn bảo vệ mà qua tài liệu có đến 115 đồn.

Con đường giao thương Bắc Nam

Nhận định về Trường Lũy, Quảng Ngãi - Bình Định, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia nêu ý kiến: Theo ghi chép của sử sách thì người xây dựng đầu tiên là tướng Lê Văn Duyệt, sau đó là tướng Nguyễn Tấn, 2 người đều quê Quảng Ngãi. Như vậy thì sử chép Trường Lũy chỉ xây dựng trong thời Gia Long - Minh Mạng, nhưng kết quả khai quật đã cho thấy các lũy này được xây dựng vào thế kỷ 17. Các mảnh gốm tìm được có xuất xứ từ nước ngoài, rồi có cả gốm sứ ở Quảng Ngãi, gốm Bát Tràng, gốm phía Bắc. Điều này cho chúng ta thấy lịch sử của Trường Lũy này không chỉ có dưới thời nhà Nguyễn. Lũy này có lịch sử lâu dài, là kết quả của sự xây đắp và tu bổ qua nhiều đời.


Khai quật thám sát tại điểm di tích đèo Chim Hút, xã Hành Dũng,
huyện Nghĩa Hành (Quảng ngãi)

Điều làm GS Phan Huy Lê tâm đắc nhất là tính đa chức năng của lũy. Thời nhà Nguyễn, lũy thể hiện rõ chức năng quân sự. Nhưng, không chỉ có thế, bên trong mỗi đồn có lối giao thông. Và, ngay mỗi đồn như vậy đều có con đường giao thương, tức là giao thương giữa miền biển với miền núi. Đó là giao thương rất cần thiết trong đời sống của nhân dân, tức là đưa gạo và các hải sản ở đồng bằng ven biển lên miền núi và các sản phẩm miền núi xuống đồng bằng. Hành lang giao thương ở miền Trung, trong đó Quảng Ngãi, có 2 chiều, mà chiều Đông - Tây dựa theo các dòng sông. Ở đây có các cơ quan thu thuế, thời nhà Nguyễn gọi là các sở tuần ty. Các đồn này vừa kiểm soát thu thuế nhưng đồng thời cũng bảo đảm an ninh cho hệ thống giao thương. Điều đó có nghĩa là ngay thời nhà Nguyễn, lũy cũng không thuần túy có vai trò quân sự mà có kết hợp giao thương và giao lưu văn hóa.

GS Lê nói: Một lần tôi đi với anh em khảo cổ khảo sát ở phía Nam Quảng Ngãi thì thấy những đồn này gần như trùng hoặc đi song song với một đường giao thương cổ, tức là đường thượng đạo - đường miền núi. Ngày xưa, con đường thiên lý hình thành dọc theo ven biển, nhất là miền Trung vì có rất nhiều sông mà sông chảy dần xuống biển thì mở rộng và do không có cầu cho nên con đường giao thông chủ yếu ngày xưa là con đường miền núi. Đây là con đường thông thương Bắc- Nam, đồng thời cũng là con đường chiến lược. Con đường này chạy từ Quảng Ngãi ra đến Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Đường thượng đạo của quân Tây Sơn

GS Phan Huy Lê cũng rất tâm đắc với một phát hiện lịch sử. Đó là năm 1786, khi quân Tây Sơn từ Bình Định đánh ra giải phóng Thuận Hóa, sau đó, tiến ra Bắc để thống nhất đất nước là đi theo con đường thượng đạo này. Cuộc hành quân theo đường thượng đạo của quân Tây Sơn đã gây bất ngờ cho quân Trịnh ở Thuận Hóa. Và không chỉ có thời Tây Sơn, kể cả trong các cuộc kháng chiến sau này, chúng ta cũng dựa vào con đường Trường Lũy này.

Có thể khẳng định Trường Lũy này có từ lâu đời, là con đường giao thông, giao thương mang tính chất văn hóa, xã hội và có thời mang tính chất quân sự. Trên cơ sở đó, rõ ràng đây là một di tích có giá trị hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, đây là Trường Lũy duy nhất dài tới 200km. So với các nước Đông Nam Á thì đây là trường lũy dài nhất.

Đoàn Hữu Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm