Trừu tượng.vn@...

13/04/2010 07:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 tại Hà Nội bởi V.Tardieu, đồng liêu của H.Matisse, một chủ soái của modernism thì cuộc chiến giữa nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật hàn lâm đã im tiếng súng. Modernism đã ca khúc khải hoàn. Tuy nhiên nhịp giao thoa của mỹ thuật Việt Nam với các trào lưu phương Tây thường chậm khoảng nửa thế kỷ.

Ở trường Mỹ thuật Đông Dương các nghệ sĩ Việt thực hành các nguyên lý hàn lâm cổ điển châu Âu và những người tiên phong nhất chỉ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng có từ 1870.

Với các môn nghệ thuật đương đại đang nở rộ ở ta hiện nay ta cũng thấy rõ sự lỗi nhịp nửa thế kỷ như vậy, nếu tính từ các tác phẩm của J.Beuy những năm 1960. Với tranh trừu tượng cũng không khác. Kể từ khi nó ra đời thì 50 năm sau những con sóng đại dương trừu tượng mới vỗ bờ Việt Nam. Chẳng có gì phải mắc cỡ vì đó không phải là một quy luật “lỗi nhịp định mệnh” nào mà chỉ là chuyện phổ biến ở nhiều nước đang phát triển – “ngoại biên” trên thế giới trong tiến trình tiếp biến nghệ thuật kiểu Eurocentric - lấy châu Âu (phương Tây) làm trung tâm - của một thế kỷ qua. Tình hình hiện nay đã khác, có cơ khác đi, do toàn cầu hóa và truyền thông. Các nghệ sĩ đương đại (contemporary) trẻ của chúng ta đang dàn hàng ngang cùng các đồng nghiệp quốc tế. Họ không bị chậm chân, họ mất đi sự chỉ lối của các bậc thầy cùng áp lực của các kiệt tác nhưng họ lại phải/được chịu áp lực của đồng đại.


Tác phẩm Ánh sáng, 90x90cm, tổng hợp, 2008, của Nguyễn Tấn Cương
Giới chuyên môn cho rằng Tạ Tỵ, một sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là người đầu tiên vẽ và bày trừu tượng vào năm 1952. Một số bức của ông đơn giản đến bất ngờ. Nguyễn Gia Trí có bức trừu tượng sơn mài, có lẽ là lớn nhất Việt Nam, treo trong Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, với các mảng màu sơn mài lộng lẫy và những nhát bút to khỏe khác hẳn những nét mềm mại điệu đà trong các tranh thiếu nữ nổi tiếng của mình. Ở miền Bắc XHCN, một thời kỳ trừu tượng bị vào khuôn “nghệ thuật tư bản, suy đồi, nấm độc…” cần cấm đoán và phê phán. Tuy nhiên trong triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Xuân Phái 1984 đã xuất hiện vài bức trừu tượng với tiêu đề là Thể nghiệm. Những tranh này được dẫn dắt bởi các ký họa địa tầng vùng than Quảng Ninh khi họa sĩ đi thực tế ở đó. Loạt tranh giấy khoảng 30 bức của ông sau đó đã gần như dứt hẳn mối dây nhợ nối với các đối vật cụ thể. Trong các học sinh khóa kháng chiến, Lưu Công Nhân khi vào miền Nam đã thể nghiệm trừu tượng biểu hiện khá mạnh mẽ để sau đó ông từ bỏ nó và khuyên lớp trẻ không nên đi vào ngõ cụt này! Trần Lưu Hậu có lẽ là người vẽ trừu tượng lâu bền nhất và tất cả các loạt sáng tác đầy chất duy sắc và biểu hiện của ông đều có thể coi là bán trừu tượng. Tòa nhà bảy tầng “xưởng họa” của ông ở Hà Nội có lẽ là nơi ta có thể xem nhiều tranh trừu tượng nhất của một họa sĩ Việt Nam.
 
Cuối những năm 1980 một nhóm 10 họa sĩ TP.HCM đã bày các triển lãm trừu tượng quy mô. Và triển lãm trừu tượng toàn quốc do phòng tranh Hồng Hạc tổ chức tại TP.HCM năm 1992, quy tụ trên 40 nghệ sĩ cả nước đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của trừu tượng Việt Nam. Nó cũng là một cột mốc đánh dấu sự “toàn thắng” về thẩm mỹ của nghệ thuật đổi mới trong hoàn cảnh còn nhùng nhằng giữa bảo thủ và tiên phong, giữa bao cấp và độc lập, giữa thị trường hóa, toàn cầu hóa, chuyên nghiệp hóa và phong trào, địa phương, nghiệp dư và tuyên truyền theo kiểu cũ đến tận hôm nay.


Tác phẩm Đông phương, 115x130cm, sơn dầu, 2000, của Đỗ Hoàng Tường.
Nguyễn Trung có lẽ là “tay cự phách nhất”, người triệt để và thành công nhất với sự hấp thu các thành quả trừu tượng cổ điển quốc tế và những xúc cảm quê hương, nhân tình chân thực. Trần Văn Thảo, Hoàng Tường, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Lê Thánh Thư… ở miền Nam; Trương Bé, Võ Xuân Huy… ở miền Trung; Đỗ Minh Tâm, Bích Thủy, Phạm An Hải, Lê Anh Quân… và rất nhiều họa sĩ trẻ khác đang làm cho “tranh trừu tượng Việt Nam” trở thành một đề tài nghiên cứu và đối tượng sưu tầm thú vị.

Khoảng một thập niên trở lại đây, cũng như các làn sóng khác của nghệ thuật đổi mới trừu tượng có phần bị thương mại hóa, hời hợt và đơn điệu, sa vào kiểu cách hoặc kỹ thuật tủn mủn. Đô thị mọc lên cung cấp hàng triệu m2 tường cần trang trí, các tòa nhà, văn phòng, khách sạn, khu giải trí... cao cấp và lớp mới giàu đang trưởng giả hóa cung cấp một thị trường tuy nhỏ lẻ nhưng hấp dẫn cho các loại tác phẩm - có tính chất chức năng mỹ phẩm (hơn là thẩm mỹ). Các thứ nghệ thuật ngụy tạo, trong đó có trừu tượng thương mại trở thành bên cung ứng dễ kiếm tiền ở thị trường này.

Đời sống nghệ thuật có chiều đồng đại, song giá trị nghệ thuật lại phi thời gian không có chậm trễ, lạc hậu hay tiến bộ, hiện đại… Thời gian sẽ lọc lại cho ta những thành tựu đích thực của truutuong.vn@... để tâm sự và tự hào.

Ông “tổ” tranh trừu tượng Việt Nam

Tạ Tỵ (1922-2004, thực chất ông sinh năm Tân Dậu - 1921), tên thật là Tạ Văn Tỵ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn. Năm 1951 ông thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên với 60 bức tranh tại Hà Nội. Năm 1956, triển lãm hơn 60 bức tranh tại Sài Gòn, có nhiều tranh lập thể. Năm 1961, triển lãm 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn. Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng nghệ thuật ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris…

“… Vào năm 1956, Tạ Tỵ tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn. Đây là cuộc triển lãm hội họa lập thể đầu tiên tại miền Nam. Tạ Tỵ là một họa sĩ làm việc cần mẫn và có kế hoạch. Ông hoạch định cho mình triển lãm cá nhân 5 năm một lần, mỗi triển lãm có khoảng 60 bức tranh. Rất tiếc, tác phẩm của ông triển lãm trong năm 1956 chưa được tìm thấy nhiều trên thị trường.

Tuy nhiên có thể nói Tạ Tỵ đã tìm ra một phong cách cho mình và tiếp tục con đường đó. Từ 1960 Tạ Tỵ chuyển hướng sang tranh trừu tượng. Vào tháng Một năm 1961, ông tổ chức một triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Cuộc triển lãm năm l961 được ghi nhận bởi nhiều tư liệu. Đề cập đến những họa phẩm mới của nhà danh họa, báo Sáng dội miền Nam giới thiệu: “Tạ Tỵ là một họa sĩ có cá tính đặc biệt trong ngành hội họa. Những tác phẩm của họa sĩ đều mang sắc thái tiến bộ. Tạ Tỵ là một trong những người có công xây dựng một nền hội họa mới Việt Nam”. Trong cuộc triển lãm này, một số tác phẩm được in và giới thiệu trong một số báo. Nhịp thời gian (1959, 75x56cm), Nhạc Calypso (1960, 80x80cm), Màu thời gian (1960, 95x180cm) cho thấy những cấu trúc hình học của giai đoạn lập thể bước hẳn sang trừu tượng với sự nhấn mạnh vào tiết tấu và sự khúc chiết của bố cục. Nhiều họa sĩ Sài Gòn sau này đã nhận xét tranh của Tạ Tỵ “quá lý trí”, điều không thường xảy ra với người Việt Nam, vốn quen với cảm tính nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là Tạ Tỵ đã bước ra khỏi quỹ đạo của kinh viện và vạch ra một con đường cho chính mình và cho những khám phá sau đó. Sự tách rời sáng tác mỹ thuật với chủ nghĩa tân cổ điển mà Trường Cao đẳng Mỹ thuật cổ xúy, đại diện cho phong cách này là họa sĩ Lê Văn Đệ, người sáng lập và hiệu trưởng (từ 1954-1966) của trường là một điều lành mạnh trong hội họa Sài Gòn mà Hà Nội trong cùng giai đoạn không hề có. Loạt bài phỏng vấn khoảng 40 họa sĩ của Nguyễn Ngu Í đăng trên báo Bách khoa trong năm 1962 cho thấy sự đối lập của hàn lâm với trừu tượng”, trích từ bài Tạ Tỵ (1922 - 2004) - Người tiên phong trong mỹ thuật Việt Nam của nhà nghiên cứu mỹ thuật Bội Trân.


N.Q

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm