Trừu tượng.vn@ & những chuyện đứt đoạn

15/04/2010 14:29 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Muốn đi trọn con đường trừu tượng phải có đủ ý chí, nghị lực và... cái bao tử bằng kim loại. Đó là một trong nhiều góc nhìn về hội họa trừu tượng của các họa sĩ, nhà sưu tập tranh Việt Nam.

Họa sĩ Thái Tuấn (1918 – 2007):

“… Cho rằng lối vẽ trừu tượng là một cách đơn giản hóa sự vật là nhầm. Không phải chỉ có bóng tối và ánh sáng mới tạo nên được bề sâu và bề dày của mọi vật. Những đường nét không, cũng gợi cho ta cảm thấy bề sâu, bề dày của sự vật. Những hình thể, màu sắc ở trong một bức họa, không cốt để đánh lừa con mắt, mà chỉ cốt gợi cho trí tưởng tượng của người xem tranh được phong phú hơn và đúng với mong muốn của nghệ sĩ” (Câu chuyện hội họa, 1967).

Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007):

“Tôi nghĩ nghệ thuật trừu tượng bị một số họa sĩ lạm dụng, dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện nay. Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều họa sĩ muốn bỏ trừu tượng cũng không được. Vì thể hiện cuộc sống xã hội là rất khó, ngoài tư duy, sáng tạo còn phải đi thực tế, mất nhiều thời gian, giá tranh cao đương nhiên bán chậm, do đó các họa sĩ đua nhau vẽ trừu tượng. Hồi trước, mỗi ngày tôi đạp xe hơn 40 cây số để đi thực tế tìm đề tài, thậm chí vẽ cả trong làn bom đạn. Nay có nhiều họa sĩ ngồi trong phòng máy lạnh sáng tác bằng cách tưởng tượng mơ hồ, không thực tế rồi cho đó là trừu tượng, siêu thực...” (báo Nhân dân năm 2002).

Họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Cung:

“Vài thập niên trở lại đây, hội họa nước nhà đi vào lối mòn do không thể hiện được những bản sắc thuần túy Việt Nam. Chúng ta chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phương Tây và cả Trung Quốc. Điều đáng nói là chúng ta không biết gạn lọc tinh hoa của họ mà bê nguyên áp đặt vào nền mỹ thuật Việt Nam bằng các thể loại trừu tượng, lập thể, siêu thực... với tên gọi là mỹ thuật đương đại, mà không biết (hay cố tình không biết) rằng thể loại trừu tượng ra đời tại phương Tây từ thế kỷ 19 và đến nay, đã thực sự bị diệt vong. Nền mỹ thuật của chúng ta vẫn luẩn quẩn, tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp còn bị nhiều họa sĩ xem nhẹ.”, (báo Nhân dân năm 2002).

Họa sĩ Trịnh Cung:

“Tôi thực sự vẽ tranh trừu tượng từ 1990. Duyên cớ ư? Vì không muốn sự soi mói về ý nghĩa của tác phẩm mà lối vẽ hữu hình thường gặp rắc rối từ những nhà cấp phép triển lãm. Cũng có thể là tôi muốn mình được tự do nhiều hơn trong sáng tác, tôi muốn mình không còn bị những ràng buộc bởi những đường ranh cụ thể của sự vật. Hay nói cách khác là khi ấy đã đến lúc tôi có nhu cầu thay đổi.

Hội họa trừu tượng là một ngôn ngữ của tự do, của độc thoại và của thế giới vô thức. Tuy nhiên để đi trọn vẹn với sự tự do này thì lại phụ thuộc rất nhiều vào tâm tính, bản lĩnh và sự xả thân của từng người. Tác phẩm trừu tượng thường khó tìm kiếm thị trường, nay các họa sĩ vẫn phải vẽ song song với những tác phẩm có hình để tồn tại. Chính vì thế, hội họa trừu tượng của Việt Nam chưa có bản sắc riêng, trình độ kỹ năng và kiến thức về hội họa trừu tượng cỡ như Nguyễn Trung chỉ đếm được trên một bàn tay”.

Họa sĩ Đỗ Minh Tâm:

“Hiện tại có rất nhiều xu hướng mỹ thuật mới mà theo tôi nó phù hợp với giới trẻ. Những ngôn ngữ nghệ thuật mới đó nói được tâm sự, suy nghĩ của họ trong cuộc sống thời nay. Tuy nhiên, vẫn còn có những sinh viên đam mê và lựa chọn ngôn ngữ nghệ thuật trừu tượng cho các tác phẩm của mình. Ngoài những bài học ở trường, họ vẫn sáng tác cho riêng mình, tìm tòi những thủ pháp nghệ thuật mới, đi tham dự những triển lãm, cập nhật thông tin mỹ thuật, tham gia những hoạt động mỹ thuật... Nhưng thực tế cho thấy luôn có nhiều con đường nghệ thuật rộng mở, nên không có gì để đảm bảo rằng họ sẽ gắn kết với hội họa trừu tượng trong suốt cuộc đời sáng tác của mình.

Không thể nói là nghệ thuật trừu tượng không được chào đón ở Việt Nam, mà ngược lại, nó được rất nhiều người quan tâm. Đã có không ít họa sĩ ở cả 2 miền theo đuổi lối vẽ không hình này. Vì rất tự do, thoải mái và không lệ thuộc vào bất kỳ một hình thức nào nên họa sĩ có thể bày tỏ rất tốt những cảm xúc của mình bằng màu sắc, nhịp điệu và không gian trên mặt toan vẽ”.

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường:

“Cuối những năm 1980 thế kỷ trước, tôi chọn trừu tượng như một lựa chọn của tự do. Chính sách mở cửa kinh tế cũng đồng thời hé mở cánh cửa của sự giao tiếp văn hóa. Họa sĩ trẻ như tôi thời đó chỉ được xem nghệ thuật thế giới qua sách của các họa sĩ Nga Xô viết, hoặc các họa sĩ Tây Âu thế kỷ 19, đầu 20… Lựa chọn trừu tượng giống như một tự giải thoát!

Năm 2000, tôi có một triển lãm cá nhân gọi là Phong cảnh đô thị / Lớp bên trong, bày hơn 30 tranh trừu tượng mà tôi đã vẽ trong vòng 2, 3 năm trước đó. Đây là một triển lãm khá “đẹp”. Kết thúc triển lãm, tôi bỗng thấy mọi thứ bên trong mình trống rỗng! Rồi tôi thấy mình không còn có thể vẽ trừu tượng được nữa, không còn có khả năng làm cho chúng hay hơn được nữa. Loay hoay hơn một năm trời, tôi chia tay trừu tượng, lại bắt đầu trở lại với hội họa có hình thể.

Trừu tượng như một lời nói thầm thì chỉ đến được với những người lắng nghe (lời thầm thì vẫn có những sức mạnh của nó), còn tôi thấy mình đã đến lúc cần phải hét lớn lên mới thấy thỏa mãn. Nhiều người gọi những gì tôi đang vẽ là hội họa biểu hiện, đó không phải là một cụm từ chính xác. Tôi không muốn lại bị bó hẹp trong một định dạng cố định.

Nhà sưu tập Lê Thái Sơn:

Sài Gòn gần như tiên phong về trào lưu này (trừu tượng), với quan niệm nghệ thuật tương đối nhất quán, có hệ thống và có nhiều tác giả có đóng góp nhất định vào sự phát triển, đặc biệt là Nguyễn Trung, người có tinh thần và quan niệm thẩm mỹ về trừu tượng xuất sắc nhất. Ông có ảnh hưởng nhiều tới các thế hệ kế tiếp và cả đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, bản chất của dòng tranh trừu tượng tại Việt Nam là thế nào thì sẽ còn nhiều tranh cãi về quan điểm sáng tác và ý niệm nghệ thuật. Theo phương Tây, trừu tượng là thể hiện cái bên trong, gắn liền với đời sống nội tâm của người nghệ sĩ, trong khi đa phần tranh trừu tượng Việt Nam là giải quyết bề mặt của tác phẩm là chính. Xu hướng làm đẹp bề mặt, chiều chuộng thị giác cho dễ nhìn, dễ gây xúc cảm… vẫn hiện diện trong suy nghĩ và cách vẽ của nhiều họa sĩ trừu tượng Việt Nam”.

Trần Thị Thu Hà (Họa sĩ, chủ phòng tranh Tự Do)

Hiện nay tranh trừu tượng bán phần lớn cho người nước ngoài, người trong nước ít quan tâm hơn. Lý do là người Việt Nam thường nói không hiểu tranh trừu tượng, vì không biết tác giả vẽ cái gì. Có nhiều người lại ưa nhìn ngắm các bức trừu tượng rồi cố hình dung ra các hình ảnh cụ thể như con người, cái nhà, cái cây, bởi họ không thể chấp nhận một bức tranh không diễn tả những vật cụ thể. Các tác giả vẽ trừu tượng ở Việt Nam hiện nay được quan tâm là: Nguyễn Trung, Rừng, Lâm Triết, Trương Bé, Đỗ Duy Tuấn, Trần Thị Thu Hà, Trần Hoàng Minh Đức, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo…Giá tranh trừu tượng của các tác giả này dĩ nhiên là chưa cao như những tác giả nổi tiếng nước ngoài cũng như cùng khu vực. Để đuổi kịp giá của tác giả trừu tượng nước ngoài chắc phải còn lâu.

Họa sĩ Rừng

Theo quan niệm riêng tôi, người họa sĩ trên con đường sáng tạo, giống như một người tu tập để đạt đến chánh quả, đi từ hiện thực đến trừu tượng. Người mới học vẽ, bắt đầu phải “vẽ theo” hình thể của con người, sự vật, càng giống càng tốt. Đến khi thành thạo rồi không “vẽ theo” nữa mà “phóng bút” thành hình, sau đó đến giai đọan phóng bút, nhưng không thành hình nữa mà thành “một cái gì đó”. ”Cái gì đó” này là bước qua thế giới trừu tượng.

Hội họa Việt Nam kỹ thuật Tây phương bắt đầu từ khi có trường Mỹ thuật Đông Dương do các giáo sư người Pháp dạy, theo trường phái Paris từ năm 1935, chưa có trừu tượng. Nếu có thì cũng chỉ vẽ chơi, một vài người chứ chưa trở thành một trào lưu. Mãi đến những thập niên 1960 -1970, ở miền Nam mới có thêm họa sĩ vẽ theo trường phái này.

Hiện nay số người vẽ chắc nhiều hơn nữa, tôi không ở trong nước, không có dịp biết hết các bạn đồng nghiệp hiện nay vẽ ra sao để có một đánh giá chính xác. Tuy nhiên,có thể nói chung nhất, mặc dù có nhiều cố gắng tìm tòi của các họa sĩ trẻ (rất có tâm huyết với nghệ thuật), tranh trừu tượng Việt Nam vẫn là một phó bản của tranh Tây phương. Khoảng cách khá xa.

Còn tại sao họa sĩ Việt Nam không đi đến cùng con đường trừu tượng mà chọn đi song song, vừa trừu tượng vừa có hình? Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo tôi trừu tượng thường là giai đoạn cuối trong con đường sáng tạo, lúc họa sĩ đã lớn tuổi. Thói quen vẽ có hình đã trở thành như một ám ảnh, khó dứt được (hoặc là trình độ giác ngộ chưa cao, đã “ăn chay” mà vẫn còn “thèm mặn!”). Thứ đến là do đời sống cơm áo. Vẽ tranh trừu tượng không bán được, nên phải vẽ tranh có hình dễ bán hơn, để sống.

Muốn đi trọn con đường trừu tượng phải có đủ ý chí, nghị lực và... cái bao tử bằng kim loại.

Văn Bảy - Thu Thủy (ghi và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm