Nhà văn Phạm Quang Đẩu: Giải thưởng VH sông Mê Kông là một bất ngờ

06/04/2010 16:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn Phạm Quang Đẩu cùng hai nhà văn Việt Nam đã giành Giải thưởng văn học sông Mê Kông với tiểu thuyết sử thi Một ngày là mười năm. Cuốn sách viết về trạng thái hấp hối kì lạ trong buổi hoàng hôn đời người. Thực và ảo, quá khứ, hiện tại đan xen…

TTVH có cuộc trò chuyện về điều bất ngờ mà văn chương đã đem đến cho ông.

* Cuốn tiểu thuyết của ông đi vào dòng văn học sử thi, một đề tài tưởng chừng như dễ nhưng thực ra rất khó, rất hiếm trong đời sống văn chương đương đại. Ông có thấy mình hơi “liều” khi đưa văn học sử thi đến với Giải thưởng sông Mê Kông?

- Thú thực, tôi (và có thể với nhiều nhà văn khác) chưa biết đến một định nghĩa chính thức, rạch ròi nào về tiểu thuyết sử thi. Nhưng khi bắt tay vào viết Một ngày là mười năm, tôi đã chủ ý tìm hiểu, tham khảo nhiều tư liệu để dựng lại các nhân vật trên nền những sự kiện có thật trong lịch sử từng diễn ra trên nước ta và nước bạn Lào.

Nhân vật chính, xuyên suốt trong cuốn sách của tôi là Nhị Nguyễn, một chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam, trải qua cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ, thực ra được ghép ba nguyên mẫu mà tôi từng biết và tiếp xúc (đến giờ ba bác ấy đều đã mất, tuổi ngót 90 cả).

Bên cạnh nhân vật hư cấu, tôi còn đưa vào tiểu thuyết những nhân vật lịch sử, giữ nguyên tên thật, các điều về đời tư đều được rút ra từ chính hồi ký của họ, chẳng hạn các vị: giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp; ông Nguyễn Chính Cầu, nguyên Chính uỷ Quân khu Nam Lào, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương... Tất nhiên, những nhân vật thật ấy đều có mối liên quan mật thiết đến nhân vật chính đã nói ở trên.

* Tiểu thuyết sử thi về đề tài tình hữu nghị vẫn còn khá mới mẻ trên văn đàn Việt. Phải chăng đó cũng là một lợi thế cho Một ngày là mười năm?

- Giải thưởng văn học sông Mê Kông nói về tình hữu nghị của ba nước trên bán đảo Đông Dương và được viết theo ngôn ngữ của mỗi nước. Điều cốt lõi của tác phẩm vẫn là nền văn hoá với những bản sắc riêng cùng tính nhân văn cao cả của ba dân tộc có chung dòng Mê Kông hùng vĩ. Giải lần này do Lào đăng cai, hai lần trước đã diễn ra ở Việt Nam và Campuchia. Giải thành công là do sáng kiến của ba vị Chủ tịch Hội Nhà văn, đồng thời có sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Chính phủ ba nước.

Để viết về đề tài này, tôi phải đào sâu tìm tòi bằng nhiều cách. Thời chiến, tôi từng biết đến nước bạn khi còn là trợ lý kỹ thuật của quân đội ta, giúp bạn xây dựng doanh trại, hầm ngầm, nhà cửa ở vùng giải phóng Bắc Lào. Sau ngày nước nhà thống nhất, tôi chuyển sang làm báo lại được nhiều lần sang Trung, Nam Lào. Những năm tháng ấy cho tôi vốn sống kha khá, đủ để hiểu về đời sống tinh thần, tình cảm và bản sắc của con người trên đất nước Triệu Voi.

* Được biết đến giờ ở nước ta còn khá nhiều sáng tác về Lào, Campuchia, song với hai nước bạn thì số tác phẩm (viết về Việt Nam) khiêm tốn hơn nhiều. Vậy có cách nào để giữ giải thưởng văn học rất có ý nghĩa này được lâu dài?

- Vừa rồi tôi trong đoàn nhà văn Việt Nam sang Lào nhận giải thưởng, thấy điều bạn vừa hỏi cũng là một trăn trở lớn của trưởng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. Nhà thơ Hữu Thỉnh có cho chúng tôi biết, đã bàn bạc cụ thể với hội nhà văn bạn hàng năm sẽ có các đoàn nhà văn đi thực tế trao đổi lẫn nhau để có chất liệu cùng cảm hứng mới cho sáng tác của mình. Cụ thể, đến cuối năm nay sẽ có đoàn nhà văn Lào đi thực tế tại nước ta.

* Một nguồn tin tiết lộ, những “cảnh nóng” đẹp nhất trong Một ngày và mười năm suýt chút nữa bị biên tập NXB cắt bỏ. Dường như khái niệm “cảnh nóng” đẹp và “cảnh nóng” dung tục vẫn chưa được đánh giá đúng mức trong văn chương?

Nhà văn Phạm Quang Đẩu giành Giải thưởng sông Mê Kông lần thứ ba, năm 2010 cùng hai nhà văn Ngọc Tự (Thoong BC) và Nguyễn Chiến Thắng (Thăng Sắc).

- Có chuyện ấy, nhưng rồi ông giám đốc NXB đã kịp thời chấn chỉnh, bản thảo được giữ nguyên không cắt xén. Theo quan niệm của tôi, “cảnh nóng” thường được mô tả trong tác phẩm của bất cứ người viết nào, vấn đề là nó có được đặt đúng chỗ và đúng liều lượng hay không.


* Được biết, ông đến với Giải thưởng sông Mê Kông lần này hoàn toàn bất ngờ, nhưng cuối cùng lại là người chiến thắng?

- Ba năm về trước, Bộ Quốc phòng đã có cuộc vận động để một số nhà văn trong và ngoài quân đội viết về đề tài chiến tranh, đáng lẽ cuốn này in ở NXB Quân đội, song do việc giám định muộn nên không thể ra mắt trong năm 2009. Rồi NXB Lao Động nhận in ngay. Khi có sách đã là cuối năm 2009. Sau đó đã diễn ra sự kiện Hội nghị quốc tế dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài, tôi nhờ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh gửi tặng một cuốn cho vị Chủ tịch Hội Nhà văn Lào tham dự hội nghị. Nhà thơ Hữu Thỉnh giữ lại đọc trước khi gửi, và anh đã gọi điện thúc tôi dự giải. Như thế, đã có một ngẫu nhiên may mắn, quả tôi bất ngờ khi biết tin trúng giải.

Trần Lâm (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm