Đến 2025 mới có tác phẩm đỉnh cao?

03/04/2010 10:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua, 2/4, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm), Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô 2009 nằm trong hệ thống Giải thưởng Thăng Long của thành phố Hà Nội) đã được trao cho các văn nghệ sĩ có cống hiến cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô. 20 giải thưởng được trao cho 20 tác phẩm thuộc 8 chuyên ngành: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian và điện ảnh.

So với mùa giải trước, mảng văn học chỉ có duy nhất cuốn Trần Dần (thơ) được vinh danh thì giải thưởng văn học lần này có tới 3 giải dành cho các tác giả: Đỗ Lai Thúy với tác phẩm Bút pháp của ham muốn (lý luận phê bình), Nguyễn Thế Hùng với tác phẩm Họ vẫn chưa về (văn xuôi) và Đặng Thị Thanh Hương với tác phẩm Trà nguội (thơ). Còn riêng lĩnh vực kiến trúc không có giải thưởng do Hội Kiến trúc sư Hà Nội không đề xuất tác phẩm nào trong lần xét giải này.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù giải thưởng VHNT Thủ đô ngày càng khẳng định uy tín về chất lượng nhưng điểm qua tất cả các tác phẩm đoạt giải vẫn chưa có nhiều tác phẩm mang hơi thở thời đại. Trao đổi với TT&VH, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết:


Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội
- Hàng năm giải thưởng VHNT Thủ đô tập hợp các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm. Các tác phẩm rơi vào đề tài cổ hay hiện đại đều là do ngẫu nhiên chứ không do chủ kiến của hội đồng chấm giải. Thứ nữa là, mỗi tác phẩm xét giải đều do một hội đồng chuyên môn từng ngành đưa lên và hội đồng chung khảo chỉ xét giải những tác phẩm đã lọt qua vòng sơ khảo chứ không có quyền thay đổi danh mục các tác phẩm ấy.

* Đó hẳn là một cái khó cho hội đồng chung khảo. Vậy từ lần xét giải sau, theo ông thì nên như thế nào?

- Chúng tôi sẽ làm việc và đặt lại vấn đề với hội đồng sơ khảo của từng hội chuyên ngành là khi chọn tác phẩm nên chọn như thế nào đó để có cả cái xưa và cái nay, cái cũ và cái mới. Đặc biệt nên ưu tiên những tác phẩm có hơi thở của đời sống mới nhất của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của công chúng ngày nay...

* Đánh giá của ông về giải thưởng VHNT Thủ đô 2009?

- Tôi cho rằng Giải thưởng VHNT Thủ đô nói chung và giải năm 2009 nói riêng ngày càng xác định được uy tín và có giá trị nhất định trong lòng công chúng. Mặt bằng tác phẩm của giải thưởng năm nay nói chung tương đối đều đặn. Tuy nhiên, cũng phải nói thật là chưa có được những tác phẩm nổi trội, vượt tầm phong trào sáng tác hiện nay, thậm chí là chưa thể có được. Nhưng chúng ta cũng không nên quá thất vọng mà hãy bằng lòng, vui mừng với những gì chúng ta đã chọn, đã sàng lọc được trong cái “biển sáng tác” rất đông như hiện nay...

* Theo ông thì vì sao chúng ta “chưa thể có được” những tác phẩm đỉnh cao?

- Trước tiên chúng ta cần phải bàn kỹ và trả lời được câu hỏi thế nào là tác phẩm đỉnh cao? Thứ nữa là những tác phẩm ra đời, nhất là mang dấu ấn thiên tài không phải trong thời điểm nào cũng có được. Vì vậy chúng ta cũng cần phải có cái nhìn thực tiễn vào thời điểm này, để cho ra những tác phẩm tác phẩm đỉnh cao thì không phải là dễ...

* Vậy theo “trực giác” của ông thì khi nào chúng ta sẽ có được những tác phẩm đỉnh cao?

- Trong kinh nghiệm của lịch sử như ở thế kỷ 19, thế kỷ 20 của cả Việt Nam và thế giới thì trong khoảng 25 năm đầu thế kỷ thường xuất hiện những tài năng lớn, tác phẩm lớn có thể khẳng định cả một chặng đường đi cho cả một thế kỷ của văn học nghệ thuật. Trên kinh nghiệm đó, tôi hy vọng chúng ta cũng nên kiên trì một chút, cứ cho là đến 1/4 của thế kỷ 21 sẽ có những tác phẩm lớn ra đời...

Ngoài giải thưởng về văn học, hội đồng thẩm định còn trao các giải thưởng chính thức, tôn vinh các tác giả và tác phẩm xuất sắc hàng năm căn cứ theo số phiếu bình chọn quá bán.

Âm nhạc: Các ca khúc Kim Liên, Nam trấn Thăng Long (nhạc sĩ Đặng Nhất Mai), Phố trong làng (nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh), Mưa non (nhạc sĩ Lê Minh, phổ thơ Vi Thùy Linh).

Nhiếp ảnh: Sắc màu quê hương (Văn Tuân), Hành tinh xanh (Đình Hà) và Việt Nam chiến thắng (Lê Công Quang).

Sân khấu: Oan khuất một thời (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lễ mở xiêm áo (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Nàng Hến (Nhà hát Múa rối Thăng Long).


Mỹ thuật: Thăng Long mùa lễ hội (họa sĩ Nguyễn Tùng Ngọc), Dấu xưa oai hùng (họa sĩ Vũ Đình Tuấn).

Điện ảnh: Bí mật vụ án Lệ Chi viên (phim video tư liệu nghệ thuật, đạo diễn Phạm Hằng Giang), Thân phận và Thơ (phim video tư liệu nghệ thuật, đạo diễn Văn Bích Thủy, kịch bản và lời bình Xuân Sơn).

Múa: Liên hoan Múa cổ Hà Nội lần thứ III năm 2009 (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội).

Văn nghệ dân gian: Từ điển đường phố Hà Nội (soạn giả Giang Quân - NXB Hà Nội, 2009), Nghệ thuật Múa rối cổ truyền đất Thăng Long (tác giả Văn Học - NXB Sân khấu, 2009), Bí mật phía sau phép nhục thân của các vị thiền sư (nhà nghiên cứu, GS Nguyễn Lân Cường).
Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm