Một xứ sở lạ lùng!

01/04/2010 07:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1944, Hilda Arnhold, một tác giả nữ người Pháp, làm việc ở Hà Nội có viết một cuốn ký sự nhan đề Tonkin - Paysages et impressions (Bắc Kỳ- phong cảnh và ấn tượng), dày tới 253 trang, trong đó có 31 trang minh họa của tác giả Mạnh Quỳnh, do Nxb Courrier ở Hải Phòng khi đó ấn hành. Sách ghi chép mọi mặt sinh hoạt, cảnh quan phong tục tập quán của vùng Bắc kỳ mà tâm điểm là Hà Nộ i, với đủ thứ chuyện: từ tiếng rao nước vối, tiếng guốc gỗ mà tác giả gọi là “bài ca guốc gỗ”, cho đến món phở đương nhiên không thể bỏ qua, rồi cả Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... Những hình ảnh đậm “nét riêng Hà Nội” được viết với tâm trạng xao xuyến trong nỗi nhớ quê hương, sẽ khiến bạn khó lòng bỏ qua. TT&VH Cuối tuần trích đăng ký sự này qua bản dịch của ông Trần Hữu Nhuận.

... Mùa Thu xứ này đến thật lạ lùng. Một đêm ngủ uể oải, bức bối, mình đầy mồ hôi. Sáng dậy, ta thấy đất trời như thay đổi hẳn. Sau cơn bão nhiệt đới cuối mùa với mưa như trút, và trước đó là không khí nóng nực của mùa nắng, thì hôm nay đây, ta cảm thấy mùa khô đã điểm. Tôi mở cửa sổ nhìn ra sân, hít thở bầu không khí khô ráo, trong trẻo và mát mẻ dễ chịu như khi đang giữa ngày nóng được uống đầy cốc nước mát lạnh. Da dẻ thân hình cũng khang khác, khô khan, thô ráp, nhưng ta cảm nhận một sức sống sôi động trong cơ bắp, mạch máu, khí huyết lưu thông như nhanh hơn. Trái ngược với mùa nóng ẩm, da như căng mọng, dãn ra và cử động của ta uể oải, lười nhác. Bây giờ đây, trong con người ta, thấy như có nguồn sinh lực mới.


Một góc phố Hà Nội
Mái tóc đột nhiên khô khan, rất khó chải cho phẳng mượt như mọi ngày, giày dép khô ráo cứng nhắc, chật chội khó xỏ chân. Tôi cũng thấy hơi ngần ngại khi bước vào phòng tắm, nơi mà trước đây người mẹ của tôi không thể sống nổi nếu không có cái phòng tắm này.

Xứ Bắc kỳ đã từng quen với phong thổ nóng ẩm hàng năm từ bao lâu rồi, nhưng cái ngày mùa thu quay về, vẫn làm người ta ngỡ ngàng, và tự hỏi không hiểu rồi thời tiết này sẽ ra sao, hoặc nóng bức ngột ngạt hoặc mát mẻ trong lành.

Buổi chiều Chủ nhật hôm ấy, trên chuyến tàu nhanh Hà Nội - Hải Phòng, tôi nhìn phong cảnh lướt nhanh qua khung cửa sổ toa tàu, gợi nhớ, một sắc thu với bao chi tiết riêng rẽ của cảnh sinh hoạt tạo nên bức tranh toàn cảnh gợi một nỗi u buồn.

Những ruộng lúa màu xanh sáng, hạt lúa chi chít trĩu nặng một vụ mùa tháng 10 phủ kín cánh đồng, trải dài tít tắp lan xa đến những rặng tre bao quanh làng mạc, xóm thôn. Khoảng không bao la mờ ảo một làn khói sương nhẹ mỏng. Bóng núi phía chân trời in hình lên bầu trời chiều hôm màu sẫm. Lác đác những mảng sáng như gương của các vùng, ao nước phẳng, dấu vết của trận mưa cuối mùa, những cánh cò phấp phới trên không gợi nỗi nhớ nhung. Vẫn còn sót lại những cánh sen trong đầm, lá sen đã khô cong, tàn úa, và cả những bông sen đơn độc lạc loài.

Hoàng hôn êm dịu phủ xuống ruộng đồng. Vài tia nắng chiều đỏ sẫm chiếu hắt xuống những đụn rơm vàng. mặt trời đã lặn. Những người nông phụ quây quần bên bữa cơm chiều, những chiếc mâm tre, những chiếc giường tre trong căn nhà mái rạ, đàn gà mái vẫn cục cục ngoài sân, xa xa tiếng chó sủa. Những con chó của nhà nghèo ngong ngóng chút thức ăn thừa của chủ nuôi. Và cả những đứa trẻ quê, chúng chơi đùa ngoài sân, thân mình có độc mảnh áo cũ, không mặc quần, mông đít lấm đầy bụi đất. những bờ ruộng chằng chịt, những người đàn bà nhà quê gánh những thúng lúa đầy nặng, đòn gánh oằn xuống vai. Những thằng bé dắt trâu, dắt bò. Tất cả, tất cả diễn ra một cách bình yên của mùa màng, no đủ.

Cho đến khi cảnh vật nhòa dần trong bóng tối chiều tà lan tỏa mặt đất, tôi mơ màng nhớ đến mùa thu trên đất Pháp, cũng cùng một vẻ dịu dàng, cũng u hoài một vẻ thê lương buồn nhớ và trong nỗi nhớ tha hương, tôi liên tưởng đến những cánh đồng nông thôn nước Pháp, cũng những con người lao động như ở đây, hóa ra nỗi niềm tha hương xứ người trong tôi trở nên nhẹ nhõm.

Nước vối, nước vối ! (*)

Còn 28 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

Thường vào những ngày hè nóng bức, qua khung cửa sổ căn phòng làm việc của tôi, từ ngoài phố vọng vào tiếng rao của đứa nhỏ bán nước, chỉ hai tiếng gọn gàng: “Nước vối! Nước vối!” Tiếng rao cứ lặp đi lặp lại, đều đều đơn điệu từ tận xa rồi lan toả lại gần, khác nào một đoản ca quãng 5 cung mi giáng trưởng: “Nước vối nóng ăn thuốc không?”.


Dẫu công việc bận rộn, nhưng trong trí tôi vẫn hiện rõ một cậu bé có dáng hình cực khổ, áo quần rách rưới, một tay xách cái ấm đất to tướng bọc bao tải giữ nhiệt, tay kia bưng cái mẹt đựng nào trầu cau, nào điếu cày bằng tre.

Tôi lại thấy một bác culi xe đang ngồi nghỉ trên vỉa hè, ông ta với tay ra hô một tiếng cộc lốc: “Nước!”. Chỉ một xu, ông ta ngả người trên hè phố, nhấm nháp từng ngụm món đồ uống ngon ngọt, tiếp đến rít một hơi thuốc lào, xong tuồn ra từ cái mồm tròn một luồng khói đặc sệt. Ông ta khoát tay ra hiệu cho thằng nhỏ có vẻ lưu luyến, cái nón của ông ta tạm ngừng chức năng là cái quạt, bây giờ ông ta úp vào mặt, ngả lưng xuống hai càng xe, coi như một quãng lặng trong bản nhạc đời lê thê, buồn nản, cuộc sinh tồn cực nhọc và tẻ ngắt... nhường chỗ cho một khoái cảm tuy khiêm nhường nhưng trân trọng: “Nước vối! Nước vối!”.

Nước vối rõ ràng là thứ đồ uống thông dụng ở vùng châu thổ Bắc bộ. Cây vối thuộc họ roi, cao chừng 8 -10 mét, mọc quanh bờ ao, trong vườn nhà. Người ta bán lá vối tươi hoặc khô.

Cũng như mọi thứ trà, nước vối phải uống nóng mới ngon, nên những đứa nhỏ bán nước rong thường lấy giẻ cũ, bao tải bọc quanh ấm để giữ nhiệt. Còn ở những quán nước vỉa hè, ngã tư, đường làng quê có những mái lá, nước vối được ủ trong các ấm đồng đặt giữa cái làn to nhồi bông, lá khô, hoặc vỏ bào, rơm hay trấu. Múc nước phải là gáo dừa cán tre.

Cái nghiệp của tôi phải xê dịch nhiều, nhất là những chuyến dạo chơi ngày nghỉ, không ít lần dừng chân nơi lữ quán. Có những cuộc đi dài để lại bao kỷ niệm, những may mắn ngọt ngào nơi tôi được thưởng thức món nước uống ngọt đắng như thứ nước cam lồ có phép màu: nước vối nóng.

Vào một ngày nóng bức, đang trưa, tôi phải đi công cán tận thị trấn Yên Viên ngoại vi Hà Nội, không may cho tôi, xe hỏng lốp, buộc tôi phải dắt bộ mất vài kilômet. Cái nắng xế chiều thực là khủng khiếp, mà quãng đường tôi đi thì trống trải giữa đồng không mông quạnh. Cơn khát hành hạ tôi, khát khô họng. Vừa may trong bóng râm vườn chuối cạnh đường, hiện ra một cái quán mái rạ, có hai bà già ngồi trên ghế băng đang bỏm bẻm nhai trầu. Thấy tôi, hai bà tươi cười chào hỏi, nhưng tôi cũng không hiểu được họ nói gì.

Tôi uống liền lúc ba bát nước đầy, mồ hôi toát ra đầm đìa, tôi thấy khoan khoái vô cùng trong lúc hai bà già vẫn huyên thuyên nói chuyện, vẫn những chuyện xưa cũ giữa những bà bạn già với nhau, như cách chào mời vị khách không mời là tôi. Tôi tự hỏi làm sao giữa cảnh hoang vu này, hai bà già chủ quán có thể sinh tồn với những “thương vụ” quá ư khiêm tốn: vài thanh đường miếng, vài gói thuốc lào, kẹo bột.

Mãi đến chiều xong việc tôi quay về con đường cũ. Lúc này mặt trời đã khuất chân trời, không khí đã bớt nóng nực, thoáng chốc tôi ngước nhìn chỗ khúc quanh con đường nơi có cái quán bằng liếp, cái quán đã biến mất. Ồ, trong cảnh hoàng hôn huyền ảo, tôi thoáng nghĩ đến câu chuyện cổ tích, rất nhiều cổ tích của người Annam, rằng hai bà già kia chắc là những người tiên nữ tạm thời từ giã thượng giới cung vàng điện ngọc, hiện xuống trần gian, nơi hoang vu này, hiện ra là hai bà già nghèo khổ để ban phước cho những bộ hành đơn độc, khổ sở như tôi

(* ) Đầu đề nguyên văn do tác giả viết bằng tiếng Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm