Lật lại cuộc “bút chiến” về chuyện “thủ tiết” của đàn bà

26/02/2010 15:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Ngày nay, chuyện phụ nữ tái hôn là chuyện hết sức thường tình. Thế nhưng, cách đây 70-80 năm thì đó lại là chuyện không bình thường chút nào. Có một cuộc “bút chiến” hết sức lạ lùng giữa một bên là thi si Tản Đà và một bên là “nhà nho” Phan Khôi. Ai cũng tưởng một thi sĩ phong tình như Tản Đà sẽ rất ủng hộ những người đàn bà lỡ làng phải đi bước nữa. Nhưng trái lại, thi sĩ chẳng những phản đối kịch liệt mà còn muốn “nọc” người ủng hộ là nhà nho Phan Khôi ra đánh đòn ở Văn Miếu vì tội “vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong hóa”.

Lật lại báo cũ

Khi đọc lại các báo cũ, tôi tình cờ gặp một chùm bài ký tên tác giả là Nguyễn Văn Huyên: đó là một chùm bài đăng trên tờ báo Đông Pháp ở Hà Nội đầu năm 1934, trong đó đáng kể nhất là bài khảo sát điền dã dân tộc học nhan đề ‘Các giống người và chế độ thổ ty ở châu Chiêm Hóa’ đăng liên tục 19 kỳ báo (từ 7/1/ 1934 đến 31/1/1934).

Theo suy luận thông thường, tôi nghĩ đây là tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Huyên mà về sau sẽ là Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1975). Tôi gọi điện thoại nói chuyện với anh Nguyễn Văn Huy, con trai cố Bộ trưởng, hỏi gia đình đã sưu tầm được tác phẩm đăng báo này chưa. Anh Huy nghe tôi thông tin một lúc rồi từ chỗ ngờ ngợ đi đến khẳng định đó không phải tác phẩm của thân phụ mình, là vì vào thời gian đầu năm 1934 ấy, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Huyên còn đang trong thời kỳ viết và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, Pháp.

Vậy là tôi buộc phải tin rằng còn có một tác gia nữa ký tên Nguyễn Văn Huyên trên báo chí Việt Nam, hay ít nhất là trên báo chí bằng chữ Việt xuất bản ở Hà Nội vào năm 1934 ấy; tác giả Nguyễn Văn Huyên này trình bày rất hay về tình trạng hôn nhân và gia đình của người Thổ (nay ta gọi là dân tộc Tày hoặc Nùng) ở vùng Chiêm Hóa, lại so sánh với tình trạng hôn nhân gia đình của người Kinh (Việt) dưới xuôi.

Tôi quan tâm đến điều này là vì vào những năm 1932-34 đó, trên báo chí tiếng Việt nổi lên dư luận khác nhau xung quanh bài ‘Tống Nho với phụ nữ’ của Phan Khôi, - bài báo phê phán thái độ khắt khe bắt nguồn từ quan điểm của các đại diện Tống Nho Trung Hoa đối với vấn đề cải giá của phụ nữ bị chồng bỏ hoặc góa chồng. Với luận điệu “chết đói chỉ là việc nhỏ, thất tiết mới là việc trọng đại” (Trình Hy), Tống Nho đề ra một thái độ miệt thị sâu sắc đối với những phụ nữ góa chồng dám đi bước nữa; - Phan Khôi coi thái độ đó là “bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi của đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế trừ đi là phải”.


Nhà nho Phan Khôi (trái) và thi sĩ Tản Đà
Thế nhưng thái độ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu lại khác hẳn, ông viết đến 3-4 bài báo lên án Phan Khôi, coi chính phản ứng kể trên của Phan Khôi là “vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong hóa”, gọi Phan Khôi là “một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ”, và đề nghị cho Phan Khôi một bản án “trảm, giam, hậu”, đánh roi Phan Khôi tại 3 nơi: Văn Miếu Thăng Long, Huế, Quảng Nam!

Lấy chuyện người đàn bà Thổ cải giá làm “dẫn chứng”

Ở loạt bài điền dã dân tộc học kể trên, tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng dành một đoạn đề cập đến cuộc xung đột tư tưởng nói trên, ông góp vào đề tài đang được bàn luận một so sánh giữa tục kỳ thị sự cải giá ở người Kinh với tục cải giá bình thường ở người Thổ Chiêm Hóa:

“... Người đàn bà nào bất hạnh, chồng mất sớm, con thơ nheo nhóc, cửa nhà neo đơn không có người quản cố, tự mình có thể dạm lấy một người chồng. Người chồng sau đến ở (cũng như cách đi ở rể) phải trông nom di sản, nuôi nấng đàn con, bảo tồn lấy cơ nghiệp cho người đã khuất.

Một người đàn bà góa An Nam ở trường hợp này thì đối với họ nhà chồng cũ sẽ bị tước hết quyền lợi, có nơi đến di sản chồng để lại cũng không được hưởng ít nhiều, chẳng những thế, đối với họ hàng làng mạc lại mất hết giá trị, nói tóm lại người ấy đã thất tiết với chồng thì bị khinh bỉ vì tập quán xã hội đã hình như cấm đàn bà “cải giá”.

Người đàn bà Thổ ở cảnh ngộ ấy thì khác hẳn, đối với công chúng bạn bè không tổn hại tới “thanh danh” mà đối với họ hàng chồng trước vẫn không kém vẻ thân tình. Mình vẫn được nuôi con, vẫn được hưởng của cải của chồng để lại mà vui vầy cá nước duyên ưa với người chồng mới.

Viết tới đây lại nhớ tới ông Phan Khôi. Vì bài “Tống nho với phụ nữ” đăng trong báo Phụ nữ tân văn mà bị ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phản đối kịch liệt trong tạp chí An Nam. Đại ý ông Phan thời chú trọng về nhân đạo, về cái đời thực tế mà cho cái “luật cấm cải giá là vô nhân đạo, nên phế trừ đi là phải”. Ông Tản Đà thì cho rằng người ta không cải giá là vì lòng tiết nghĩa thanh cao mà tự mình thủ tiết chứ nào ai bắt buộc gì.

Đã hay rằng không có luật nào cấm người đàn bà “cải giá”, song khinh bỉ và rẻ rúng người cải giá là tự cổ nhân nêu ra trước, rồi răn dạy người đời thủ tiết với chồng, truyền cho tới ngày nay “không cải giá” đã thành một đạo luật tự nhiên (loi naturelle), do tục lệ tập quán xã hội trải bao thế kỷ nay cấu tạo ra.

Bị chồng rẫy mà “cải giá” hay chồng chết mà “tái giá”, ở trường hợp nào người đàn bà Việt Nam cũng tổn hại giá trị về hạnh kiểm. Song cứ bình tĩnh mà nói, nếu Tản Đà tiên sinh được mục kích những cảnh gia đình êm đẹp của người đàn bà Thổ cải giá (hay tái giá), cái cảnh tượng yên vui của người “chú dượng” gây dựng cho con riêng vợ, thờ phụng tổ tiên và trông nom di sản cho người đã khuất, thời chẳng những tiên sinh không nỡ gọi ông Phan Khôi là một cái “nạn” mà có lẽ Trang Tử tái sinh cũng không thổ lộ được những giọng chua cay trong bài hát cổ bồn. Mà thực vậy, tuy “ruộng người, cày; ngựa người, nuôi; con người, mắng mỏ; vợ người, yêu đương” thực, nhưng chẳng qua ông chồng mới đó chỉ lao tâm nỗ lực mà mưu hạnh phúc cho vợ con mình, chẳng hơn là con côi không người dạy dỗ, ruộng nương không kẻ cấy cày, để người quả phụ cô phòng tịch mịch một đời phôi pha!”

(Nguyễn Văn Huyên, ‘Các giống người và chế độ thổ ty ở châu Chiêm Hóa’: IV. Ái tình và hôn nhân cuả người Thổ // Đông Pháp, Hà Nội, 11 Janvier 1934)

Tác giả Nguyễn Văn Huyên là ai?

Có thể nói, trong nửa đầu năm 1934, tác giả Nguyễn Văn Huyên in một dấu ấn riêng trên các trang văn của báo ‘Đông Pháp’ . Sau bài điền dã dân tộc học dài hơi kể trên là một loạt sáng tác văn xuôi khác:



“Nhà văn Lan Khai (1906-1945), tên thật là Nguyễn Đình Khải (còn có bút danh là Lâm Tuyền Khách), quê quán tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, là tác giả của Lầm than, Đỉnh non thần, Truyện đường rừng...

- Đời người (ĐP. 1/2/1934)


- Ngày xuân nhớ tuổi thơ (ĐP. 25/2/1934)

- Danh hoa bí sử (chuyện ngắn) (ĐP. 9/3/1934)

- Thằng điên (chuyện đời) (ĐP. 18/3/1934)

- Nhình Thu (chuyện đời) (ĐP. 22/3/1934)

- Tôi đi học (ký ức lục) (ĐP. 27/ 3/1934)

- Bạn gái tôi (chuyện ngắn về tâm lý) (ĐP. 7/4/1934)

- Bảy bức thư (chuyện đời) (ĐP. 27/6/1934)

Nhưng tất cả dường như đến đấy là chấm dứt; từ sau đó cái tên tác giả Nguyễn Văn Huyên hoàn toàn không xuất hiện trên báo ‘Đông Pháp’ nữa. Thay vào đó, trên báo này xuất hiện một cái tên khác, cũng thường ghi rõ (ở cuối bài) nơi viết tác phẩm là Chiêm Hóa: tác giả mới ấy ký tên Lâm Tuyền Khách, kể từ truyện ngắn ‘Tình lụy’. Có vẻ như Lâm Tuyền Khách là bạn, nếu không phải là một bút danh khác của chính người từng ký là Nguyễn Văn Huyên trước đó.

Nhà giáo Trần Mạnh Tiến ở khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội, là người đã và đang thực hiện những nghiên cứu sưu tập về nhà văn Lan Khai cho rằng chùm tác phẩm trên báo ‘Đông Pháp’ kể trên là thuộc ngòi bút nhà văn Lan Khai. Tôi đành tạm tin như vậy, nhưng tin như một giả thuyết hơn là một khẳng định.

Nếu sự việc lại liên quan đến nhà văn Lan Khai thì nó lại càng nên được tìm hiểu chi tiết hơn, là vì hồi những năm 1932-34 ấy, hình như tuy vẫn còn sống ở Tuyên Quang nhưng Lan Khai đã cộng tác với vài ba tờ báo ở Hà Nội, ngoài ‘Đông Pháp’ còn có tờ ‘Ngọ báo’ , sau đó là một loạt tờ báo khác. Đối với sự hiểu biết dân tộc học, bài khảo cứu điền dã nhắc tới ở trên cũng rất đặc sắc, nên được giới sử học và dân tộc học biết đến và khai thác.

24/02/2010

Lại Nguyên Ân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm