Nhà thơ Nguyễn Đỗ lần đầu về thăm quê hương Nguyễn Trãi

03/02/2010 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Là người bị chinh phục bởi thơ Nguyễn Trãi và nổi tiếng với các công trình dịch và phổ biến thơ cụ Nguyễn ra thế giới, nhưng hôm qua, 2/2/2010, nhà thơ Nguyễn Đỗ (hiện đang sống ở Mỹ) mới có cơ hội về thăm quê nội Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).

Thắp hương trong đền thờ Nguyễn Trãi, chiêm ngưỡng di ảnh cụ trên bàn thờ, rồi bên ấm trà, Nguyễn Đỗ say sưa đọc thơ cụ Nguyễn bằng tất cả tấm lòng, như thể đang được “hạnh ngộ” với người muôn năm trước vậy.


Nhà thơ Nguyễn Đỗ tại đền thờ Nguyễn Trãi
Không gian tĩnh lặng của ngôi đền thờ đã “đánh thức” trong anh những tứ thơ bất hủ mà cụ Nguyễn đã viết từ 600 năm trước. Tựa vào chiếc ghế gỗ, anh đọc: Có những ngày buồn tựa ghế dường như quên cả nói năng/ Thử hỏi giữa đám mây trắng trên đầu kia và ta ai là kẻ có nỗi niềm hơn (tạm dịch ý thơ chữ Hán). Nhìn ra ngoài sân đền, anh đọc tiếp: Nghe tiếng kêu cửa. Vội vàng xỏ lộn giày, chạy ra đón khách (tạm dịch ý thơ). Hoặc “Góc thành Nam, lều một gian/ No nước uống, thiếu cơm ăn”...

Không phải lần đầu, Nguyễn Đỗ khẳng định rằng Nguyễn Trãi là thi hào đã viết thơ từ đáy lòng mình. Và anh cho rằng, nhà thơ cổ điển Nguyễn Trãi thật ra rất hiện đại, rất gần gũi đến mức anh tưởng như cụ là một nhà thơ hàng xóm của mình vậy; để mỗi buổi sáng anh có thể ra cửa cúi chào và gặp lại nụ cười rất đẹp đẽ, rất rạng rỡ của cụ. Anh cũng thành thật nói rằng, khi dịch nhiều nhà thơ hiện đại Việt Nam, anh muốn chọn dăm ba bài đã khó, nhưng với cụ Nguyễn Trãi, anh chọn ngay được 148 bài. Nghe anh đọc thơ Nguyễn Trãi trong đền thờ cụ có nhà thơ Giáng Vân - Trưởng ban Thẩm định giải thơ Bách Việt và vợ ông Nguyễn Thông - hậu duệ của cụ Nguyễn - cả hai người phụ nữ này đều gật gù thừa nhận là thơ cụ Nguyễn hay thật, gần gũi thật.
Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm