Tôi thích ngồi một mình giữa “chợ” bia hơi

02/02/2010 14:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Người quan tâm đến văn hóa đọc ở Việt Nam lâu nay không còn xa lạ với tên nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, một người đọc (chừng như) lặng lẽ giữa chốn phê bình vốn thích sự ồn ào, nhưng cũng thường được gắn với nhận xét về một phong cách phê bình “rối rắm, khó hiểu”.

Tập sách mới của anh mang một cái tên đẹp và nhẹ nhõm Bút ký một người đọc sách, tập hợp bài viết của anh trong nhiều năm qua không chỉ về sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với tác giả.

* Tại sao anh lại đặt tên cuốn sách của mình là Bút ký một người đọc sách, vì những bài viết ở đây không chỉ về sách, mà còn về các triển lãm tranh, ảnh... Cái tên này cũng khiến người đọc chờ đợi một cuốn sách quan trọng về việc đọc sách (chứ không phải chỉ là giới thiệu, phê bình sách) của một nhà phê bình, đồng thời là một nhà thơ. Anh đặt kỳ vọng gì về cuốn sách của mình?

- Tôi nghĩ người viết nào cũng viết với một kỳ vọng được đón đọc. Vợ tôi hỏi: Có phải những ai đọc sách này của anh đều đã xem những quyển truyện mà anh nói đến? Tôi hy vọng như vậy. Nhưng tôi không mô tả một bông hồng khi người ta đã thấy bông hồng. Tôi nói những điều tôi nghĩ về nó. Vì thế tôi nghĩ đây là một tập bút ký. Một vài bài viết ngắn về triển lãm tranh, ảnh hay buổi hòa nhạc tôi đưa vào chỉ là kỷ niệm nghề viết báo. Tôi tin là trong văn chương có tất cả những yếu tố nghệ thuật đó. Bạn nói đúng, ở đây không chỉ là giới thiệu và phê bình sách, mà để nói về việc đọc sách như là một cơ hội công bằng nhất cho tất cả chúng ta.

* Tôi đã nghe độc giả “kêu lên” trước văn bản phê bình của anh: rối rắm, mù mờ quá, thậm chí còn đặt cho anh phong cách “phê bình hũ nút”. Anh nghĩ gì trước nhận xét này? Đó là cách anh lựa chọn hay chính nỗ lực thám hiểm tác phẩm nhiều khi đẩy người viết vào hành trình đuổi bắt một ảo tượng nào đó?

- Tôi cũng đã được nghe những nhận xét đó về một số bài viết của tôi, nhưng tôi cũng đã nghe được những nhận xét hoàn toàn ngược lại. Ấn tượng gọi là “rối rắm” hay “mù mờ” không quá xa lạ với các bài phê bình văn học. Theo phân loại thì đó là loại ấn tượng về những sự vật không bình thường: bạn sẽ không thấy những điều bình thường là mù mờ, hũ nút, phải không? Vậy mà các tác phẩm văn học đúng nghĩa thì đều là những hiện tượng bất thường.

Mới đây tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quanh tập thơ mới của anh; Nguyễn Quang Thiều có một nhận xét: cho đến tận bây giờ, chẳng ai dám nói mình đã thật sự hiểu hết Truyện Kiều... Tôi tin là đúng như vậy. Nếu tác phẩm văn học là một sự vật phức tạp bất thường thì tại sao ta lại trông đợi việc phê bình diễn giải về nó là bình thường và giản đơn?

Tuy nhiên, tôi cũng như bất cứ người viết nào, luôn cố gắng viết một cách giản dị, noi theo sự giản dị mà mình có thể học được ở các nhà văn tiền bối. Tôi luôn luôn thấy mình còn chưa đủ phức tạp khi đứng trước dù chỉ một cuốn sách mỏng. Nhưng tôi không nghĩ mình đuổi theo bất cứ một “ảo tượng” nào mỗi khi viết về “cái viết”, bởi vì các tác phẩm văn học dù phức tạp vẫn rất minh bạch, như một tấm bản đồ và vấn đề chỉ là đọc nó thôi.

* Bạn đọc cũng thường chờ đợi ở nhà phê bình một thái độ được bộc lộ mạnh mẽ, như khi anh viết về Bóng đè, nhưng các bài viết sau này của anh dường như lại có ý triệt tiêu hoặc ém kỹ cảm xúc cá nhân. Liệu có gì mâu thuẫn giữa ý thức “nói thẳng” của người phê bình và việc viết ra nó không? Có khi nào anh rơi vào trường hợp bị trói buộc bởi các quan hệ ngoài văn chương hay do thúc ép “phải viết”?

- Một thái độ mạnh mẽ như trường hợp với cuốn Bóng đè không phải điều tôi mong muốn. Tôi buộc phải làm.

Tôi luôn cho rằng mình đã bộc lộ thái độ, với tư cách một người phê bình, thông qua toàn bộ bài viết của tôi, từ việc lựa chọn một điểm nhìn vào tác phẩm cho đến sắc thái câu chữ khi bình luận. Chẳng phải chúng ta luôn thể hiện thái độ thông qua lời ăn tiếng nói, sắc thái giọng điệu hay sao! Tôi nghĩ con người là một khối mâu thuẫn biết đi lại, thì tôi cũng vậy thôi. Cũng như vậy, ai cũng có thể phải chịu sức ép của các quan hệ ngoài công việc. Tôi cố gắng tránh.


Nguyễn Chí Hoan
* Khối lượng các bài đọc sách, mức độ cập nhật sách mới và việc theo dõi đời sống văn học, văn hóa trong, ngoài nước nhiều năm qua của anh cho thấy một chân dung người đọc cần mẫn, kiên nhẫn. Anh có bao giờ cảm thấy mình là một “người đọc cô đơn”, khi hình như bạn đọc ngày nay ít có cảm giác được chia sẻ với những người làm công việc phê bình? Nỗi cô đơn của người phê bình, nếu có, đến từ đâu?

- Tôi có một người bạn vong niên rất thân thiết; có lần anh ta bảo tôi không thể hình dung một người ra quán bia ngồi uống một mình, hay ở nhà một mình rót chén rượu ngồi trầm ngâm v.v... Nhưng tất nhiên ta luôn có thể gặp những người uống lẻ loi như thế. Đôi khi tôi rất thích được ngồi một mình giữa “chợ” bia hơi. Tôi không thấy “cô đơn” chút nào những lúc như vậy. Việc đọc sách vốn là một việc cá thể và riêng tư, nhưng tôi cảm thấy (và tất nhiên, không chỉ “cảm”) rất nhiều người khác đang đọc ở quanh mình. Và chừng nào các bài viết về sách nói chung vẫn xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí thì tôi vẫn tin là người đọc không quay lưng với công việc phê bình.

Thật ra tôi không hình dung được một người phê bình lại cô đơn. Anh ta có sách để đọc. Nếu bạn định nói về sự lẻ loi không được chia sẻ trong các phê phán hay diễn giải về văn học thì đôi khi, tôi nghĩ, đó là nơi có những người đồng hành vô hình mà thỉnh thoảng bạn mới thấy mặt.

* Tôi muốn được biết ý kiến thẳng thắn của anh: Liệu đã thực sự có một “nghề phê bình” ở Việt Nam? Theo anh, điều gì là cản trở lớn nhất với sự phát triển của lĩnh vực này?

- Nghề phê bình văn học ở Việt Nam đã có từ lâu. Theo một số nhà nghiên cứu trẻ hiện đang tích cực tìm kiếm, tôi tin chúng ta sắp được chứng kiến những diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại đã từng khuất lấp do các điều kiện lịch sử.

Sự cản trở lớn nhất đối với phê bình văn học không nằm ở phía độc giả của phê bình mà ở chỗ còn nhiều chất cảm tính trong phê bình văn học. Văn chương có thể cảm tính hơn, nhưng phê bình văn học thuộc về phương pháp nhận thức cho nên không được phép chỉ dựa vào cảm tính.

* Xin cảm ơn anh!

Nhã Thuyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm