Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học VN ra nước ngoài - Cuộc quảng bá văn học VN lớn nhất!

16/12/2009 09:23 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Với sự tham gia của 108 nhà văn, dịch giả, 8 NXB của 32 nước, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài (diễn ra từ 5 đến 10/1/2010) được coi là quy mô nhất từ trước đến nay. Sáng 15/12, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, BCH hội đã tổ chức cuộc họp báo về hội nghị này.

Hoài bão lớn

Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ nhất đã được tổ chức vào năm 2002 với quy mô nhỏ. Sau hội nghị, BCH nhận được không ít những ý kiến phản đối (trong đó có cả người của BCH) - theo lời của dịch giả Hoàng Thúy Toàn, điều này đã gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức hội nghị quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam lần thứ hai. BCH đề xuất việc tổ chức hội nghị từ năm 2007, hai năm sau mới được phê duyệt.


Dịch giả Hoàng Thúy Toàn

Báo cáo của BCH Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ: “Văn học thế giới đến Việt Nam được mô tả là tấp nập và đa dạng nhưng văn học Việt Nam ra thế giới còn ít ỏi và chậm chạp. Ngoài những khó khăn về địa lý và ngôn ngữ còn có khó khăn về tổ chức và kinh nghiệm. Đã đến lúc phải đặt vấn đề giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế một cách có hệ thống, trên một tầm nhìn mới, với tư thế chủ động và tích cực”. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhằm mục tiêu đặt quan hệ với các nhà xuất bản, tháo gỡ những khó khăn về bản quyền, giao dịch.

Thông qua hội nghị, Hội Nhà văn cũng hy vọng nắm được tình hình đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam trong và ngoài nước, lập kế hoạch dài hạn đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài như: Đưa vào kế hoạch định kỳ tổ chức hội nghị này 5 năm một lần; kiến nghị thành lập viện hoặc trung tâm dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Chọn gấp 35 đại biểu “trẻ” để bổ sung thiếu sót

Nhìn vào danh sách hơn 100 đại biểu (nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả) của Việt Nam tham dự hội nghị lần này, có thể thấy chiếm hầu hết là các “cây đa cây đề” từ 60 đến 80 tuổi. Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, cao tuổi nhất là nhà phê bình Lê Trí Viễn (SN 1919), “trẻ” nhất là nhà văn Phan Triều Hải (SN 1969) và “trẻ” thứ nhì là nhà thơ Trương Nam Hương (SN 1963). Một số dịch giả tiêu biểu - những người đang trực tiếp làm nên sự sôi động, khởi sắc của nền dịch thuật Việt Nam trong mấy năm gần đây - vắng bóng. Mối quan tâm lớn nhất và tập trung hơn cả trong các tham luận của các đại biểu cũng như NXB nước ngoài là muốn tìm hiểu văn học đương đại Việt Nam cũng như tác phẩm của các nhà văn trẻ (như nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu) thế nhưng, chưa thấy có tên nhà văn trẻ nào trong danh sách. Đồng thời, hội nghị cũng thiếu cả đại diện của các nhà sách, nhà xuất bản, công ty truyền thông: Trẻ, Nhã Nam, Phương Nam... nơi có bề dày kinh nghiệm về mua bán bản quyền và ghi dấu ấn, làm nên những bước ngoặt ngoạn mục của việc chuyển ngữ các tác phẩm nổi tiếng.


Nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) và Trần Đăng Khoa trong cuộc họp báo về hội nghị

Giải đáp thắc mắc của một số nhà văn, nhà báo về vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Đây quả là thiếu sót. Chiều hôm qua (14/ 12) BCH đã có cuộc họp khẩn cấp và sửa chữa thiếu sót bằng cách nhờ Ban Công tác nhà văn Trẻ chọn riêng danh sách 35 nhà văn và dịch giả trẻ để tham gia hội nghị. 35 nhân vật này, mỗi người một lĩnh vực, và chắc chắn khi được tập trung lại cả trong một phòng hội thảo cùng những dịch giả của các nước bạn sẽ đem lại một buổi thảo luận đầy lý thú.

     Trong 6 ngày tổ chức hội nghị, đại biểu tham dự sẽ chia thành 4 nhóm: Văn học cổ điển Việt Nam; Văn xuôi Việt Nam hiện đại; Thơ Việt Nam hiện đại và cuộc gặp gỡ giữa các dịch giả (trong nước và nước ngoài) với nhà văn trẻ Việt Nam.

     Các tác phẩm Việt Nam được giới thiệu để tiến hành quảng bá ra nước ngoài được tiến hành theo hai giai đoạn: Đầu tiên là những tác giả cổ điển, sau đó là các tác phẩm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và toàn bộ các tác giả đã đạt Giải thưởng Nhà nước.

“Chúng tôi mời các dịch giả trẻ tiêu biểu cùng tham dự như Trần Tiễn Cao Đăng, Cao Việt Dũng... Đó là lực lượng sung sức và là nguồn trông cậy, hy vọng của chúng ta” - nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.


**

Hoài bão lớn , tuy nhiên giải quyết được đến đâu các mục tiêu của hội nghị thì hãy còn phải... chờ. Theo nhận xét của nhà thơ Hữu Việt, việc thành lập viện hoặc trung tâm dịch thuật là việc làm “quá sức”, đòi hỏi rất nhiều nhân lực, vật lực. Đồng thời, vấn đề bản quyền vẫn đang là “vấn nạn” đối với các nhà văn Việt Nam khi mà sách giả, sách lậu vẫn ngang nhiên có mặt ở hầu hết các sạp sách, nhà sách.

Không chỉ là lợi ích của Việt Nam

     “Chúng ta đã tiến hành những bước khởi sắc, nhất là những năm 1960, văn học Nga và các nước XHCN được dịch và xuất bản rộng khắp ở Việt Nam. Sau năm 1991 đến nay, việc giới thiệu văn học nước ngoài của chúng ta mở rộng và vô cùng phong phú. Thế nhưng việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài thì ngược lại. Các nhà văn của chúng ta đi nước ngoài thấy văn học Việt Nam được giới thiệu ở các nước rất ít hoặc nếu có chỉ là tùy thích, không có hệ thống, phương pháp. Việc dịch văn học Việt Nam ra thế giới không chỉ là lợi ích của Việt Nam mà nhân dân thế giới cũng muốn hiểu văn học Việt Nam”. (Phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Trưởng BTC hội nghị)

Không thiếu tác phẩm để giới thiệu ra thế giới

     “Năm 2010 là năm trọng đại với nhiều sự kiện văn hóa lớn, trong đó có văn học. Đây là hội nghị về dịch thuật nhằm giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay, là cuộc gặp mặt tôn vinh, đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới từ trước đến nay khó khăn không phải vì chúng ta không có tác phẩm, trên thực tế, nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, gần đây là “vụ việc” thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn dịch ra tiếng Trung được hàng chục ngàn độc giả Trung Quốc quan tâm”. (Phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó trưởng BTC)

Tự dịch tác phẩm để đưa ra thế giới

     “Trước đây, thơ của các tác giả cổ điển từ thế kỷ 15 đến 19 đã được dịch sang tiếng Nga và đưa vào Tuyển tập thơ Thế giới. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã tiến hành dịch các tuyển tập truyện ngắn (tập 1, tập 2) của nhiều tác giả Việt Nam. Thơ của ta cũng được dịch ở nhiều nước.

     Một điều mà tôi nhấn mạnh, Việt Nam có truyền thống “quảng bá” ra thế giới. Từ thời các ông Trương Vĩnh Ký, Hoàng Xuân Nhị cũng có ý thức dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Gần đây thì anh em nhà văn tự dịch các tác phẩm của mình, như nhà thơ Trần Nhuận Minh với tập song ngữ Anh - Việt dày hơn 800 trang Bốn mùa; nhà thơ Đặng Chân Nhân cũng tự mình sáng tác rồi chuyển sang tiếng Anh tập thơ đầu tay khi tác giả mới 14 tuổi. Tôi hy vọng với hội nghị này, một lần nữa thế giới sẽ quan tâm đến Việt Nam”. (Phát biểu của dịch giả Hoàng Thúy Toàn: Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - HNV VN)


Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm