Thiên Hạ Bá Xướng - hiện tượng văn học mạng Trung Quốc

15/12/2009 16:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Thiên Hạ Bá Xướng tên thật là Trương Mục Dã, 33 tuổi, người Thiên Tân. Anh vốn học ngành mỹ thuật, song không phát triển được ở lĩnh vực này, từng đi làm ăn khắp các tỉnh thành trong nước, sau đó góp vốn với bạn bè mở công ty tài chính, rồi một cơ hội ngẫu nhiên đến, anh bắt đầu viết tiểu thuyết Ma thổi đèn, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng cư dân mạng. Trong tác phẩm đứng đầu 10 tiểu thuyết mạng được tìm kiếm nhiều nhất năm 2006 này, anh kể lại những câu chuyện “trộm mộ” lôi cuốn, khiến cho rất nhiều bạn đọc tò mò, thậm chí nghi ngờ, không biết anh có phải là một mô kim hiệu úy (người trộm mộ) không. Anh phải thanh minh một cách hóm hỉnh rằng: “Tất cả những chuyện đó đều do tôi bịa ra cả. Bản thân tôi nào đã trộm mộ bao giờ, ngay cả Thập tam lăng cũng chưa từng tới tham quan ấy chứ”.

Từ thế giới ly kỳ, quái dị dưới lòng đất ở tám tập Ma thổi đèn đến lũ "mèo dị hợm" trong tác phẩm mới nhất Mèo giặc, những trải nghiệm trong đời thực của Trương Mục Dã cơ hồ chẳng liên quan gì đến sách anh viết ra cả. Và dẫu rằng được hàng chục triệu bạn đọc trên mạng say mê, song anh không tự đề cao tư chất nhà văn hay nghệ thuật sáng tác của mình, cũng như chưa muốn biến việc viết văn trở thành một nghề chuyên nghiệp.

Xin giới thiệu cuộc trò chuyện gần đây giữa Thiên Hạ Bá Xướng với báo chí Trung Quốc xung quanh công việc viết văn và tác phẩm ăn khách đang chuẩn bị được đưa lên màn ảnh của anh.

Tôi chỉ là người  "giỏi bịa"  


Thiên Hạ Bá Xướng với bản Ma thổi đèn - Thành cổ tinh tuyệt (tiếng Việt). Ảnh: t.Y
* Rất nhiều bạn đọc thích truyện của Thiên Hạ Bá Xướng, song các trải nghiệm thực tế của bản thân anh lại nói với mọi người rằng, anh và những câu chuyện "trộm mộ" kỳ bí được đề cập tới trong sách hoàn toàn không có gì liên quan.


- Vâng, tất cả các câu chuyện đó đều do tôi bịa ra cả, chắc khả năng bịa chuyện của tôi khá giỏi nhỉ (cười)!

* Thường ngày anh viết văn thế nào?

- Tôi cho rằng viết văn có thể giảm stress. Tôi không bao giờ phác thảo sẵn bộ khung và kết quả cho câu chuyện, mà cứ viết thẳng một mạch, cảm thấy rất thích thú. Hồi ấy mỗi ngày tôi viết được 4.000 từ. Bộ gõ mà tôi sử dụng hơi phức tạp. Nghe nói có nhà văn mỗi ngày viết được hai - ba chục nghìn từ, tôi thì không thể. Viết xong, về cơ bản tôi cũng chẳng có sửa đổi gì, trừ trường hợp bị yêu cầu sửa lại như khi Ma thổi đèn được xuất bản.

* Anh nói rằng mình đọc rất ít các tác phẩm văn học danh tiếng, vậy anh thích nhất thể loại sách nào?

- Tôi rất ít đọc văn chương hiện đại, lúc còn đi học chỉ xem sách của Kim Dung và Quỳnh Dao thôi. Trong Tứ đại danh tác, tôi thích nhất Thủy hử và đã đọc hơn 20 lần. Tôi cũng rất hứng thú với lịch sử, đặc biệt là về thời Tống và Thanh.

* Anh đã bao giờ nghĩ vì sao tác phẩm của mình được nhiều người ưa thích không?

- Tôi nhớ có một thầy giáo trong chương trình Bách gia giảng đàn từng nói, mọi người đều thích nghe câu chuyện ông ta kể bởi ông chỉ là một giáo viên lịch sử ở trường trung học, các câu chuyện lịch sử gần gũi, dễ hiểu luôn có sức hấp dẫn nhất. Tôi nghĩ bản thân mình cũng vậy, khả năng cảm nhận văn học giống như đa số bạn đọc, chỉ dừng lại ở mức độ đại chúng, bởi vậy cho nên mới có nhiều người đồng cảm.

Không nên coi tác phẩm của tôi là văn học  

* Ma thổi đèn kéo theo hàng loạt tác phẩm "văn học trộm mộ" khác, cảm nhận của anh thế nào?

- Đầu tiên xin nói rằng, không nên coi tác phẩm của tôi là tác phẩm văn học, bởi cho đến tận lúc này tôi vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm đó. "Văn học trộm mộ" chắc là một cách gọi của nhà xuất bản đối với các tác phẩm ăn theo mà thôi. Họ muốn gọi thế nào thì gọi, tôi cũng chẳng hỏi làm gì.

*Nhưng sau đó, hàng loạt tiểu thuyết "trộm mộ" xuất hiện và biến mất cũng rất nhanh...

- Hiện giờ tiểu thuyết "trộm mộ" tuy nhiều nhưng viết đi viết lại cũng đều theo một lối mòn cả. Ngay từ đầu, cơ bản tôi đã không viết Ma thổi đèn dưới dạng tiểu thuyết “trộm mộ”. Những tác phẩm tôi viết về sau cũng không còn là “trộm mộ” nữa, có rất nhiều đề tài thú vị khác, chẳng hiểu vì sao cách nghĩ của mọi người lại bó hẹp như vậy.

* Với anh, điều khó khăn nhất trong quá trình sáng tác là gì?

- Đó là sự hạn chế về đề tài và nội dung. Khi viết Ma thổi đèn, tôi chẳng nghĩ là sẽ ra sách đâu, sau đó có nhà xuất bản tìm đến và ban đầu, họ bảo rằng không cần phải sửa chữa gì hết. Thế nhưng sau khi ký hợp đồng, họ lại yêu cầu sửa từ đầu đến cuối, lúc ấy tôi hối hận cũng muộn rồi. Song đối với tôi, điều đó cũng chưa hẳn là không tốt, bởi bây giờ xem lại những gì mình viết trước đây, có không ít thứ thô kệch, bạo lực, cảm giác chẳng có chút nghệ thuật nào.

* Nghe nói Ma thổi đèn sắp được dựng thành phim...

- À, đạo diễn Đỗ Kỳ Phong muốn chuyển thể cuốn sách này lên màn ảnh. Chúng tôi từng gặp nhau ở Bắc Kinh và Thượng Hải để bàn về kịch bản.

Viết lách không phải là công việc chính của tôi

* Ma thổi đèn gây “sốt” mấy năm nay nhưng anh thường tỏ ra rất kiệm lời...
 
- Chẳng qua tôi chỉ viết được một cuốn sách mà mọi người tương đối yêu thích, không có gì đặc biệt cả. Có nhà xuất bản mời tôi tham gia tọa đàm, nhưng họ nói kiểu mập mờ, kết quả là khi tới nơi có hàng tá phóng viên đợi sẵn, khiến tôi chẳng biết xoay xở ra sao.

* Công việc ở công ty quan trọng hơn chuyện viết văn sao? Anh có định làm nhà văn chuyên nghiệp không?

- Đối với tôi hiện giờ, chắc chắn công việc ở công ty quan trọng hơn, còn khả năng theo hẳn nghề viết lách hầu như không có. Bởi tôi rất hiểu mình, cứ việc gì muốn làm tới nơi tới chốn thì đều hỏng cả, chẳng thà vừa làm vừa chơi cho xong.

* Anh luôn muốn phát triển sự nghiệp của mình ở Thiên Tân?

- Tôi là người Thiên Tân chính gốc. Bạn bè lẫn đối tác làm ăn phần lớn đều ở thành phố này, bản thân thì không phải là người dễ thích ứng với môi trường lạ, bởi thế chẳng có lý do gì để tôi rời Thiên Tân cả.

     Năm 2006, một chàng trai Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu lượt người đua nhau vào mạng tìm đọc tác phẩm của anh. Đó chính là Trương Mục Dã, sinh năm 1976, với bộ tiểu thuyết Ma thổi đèn kể về cuộc phiêu lưu của những người săn tìm mộ cổ dựa vào bí thuật phong thủy và huyền thuật. Sau khi đứng đầu mười tiểu thuyết mạng được tìm kiếm nhiều nhất vào năm đó, Ma thổi đèn lại tạo ra một cuộc chạy đua trong giới xuất bản, cuối cùng NXB Văn nghệ An Huy giành được quyền ấn hành. Chưa hết, sau Ma thổi đèn, trên mạng lẫn thị trường sách in đã xuất hiện cả một trào lưu sáng tác theo chủ đề “trộm mộ” đến giờ vẫn chưa dứt. Ma thổi đèn gồm hai phần, mỗi phần bốn tập, mỗi tập là một cuộc phiêu lưu ly kỳ, rùng rợn của Hồ Bát Nhất cùng hai người bạn. Ngoài những tình tiết dồn dập, Ma thổi đèn còn hấp dẫn ở những kiến thức phong thủy và huyền thuật được đan cài vào một cách vô cùng khéo léo.

     Năm 2008, cùng với Totem sói, Hồng lâu mộng, Tây du ký, bộ tiểu thuyết phiêu lưu kinh dị này lại tiếp tục lọt vào danh sách 10 tác phẩm được người Trung Quốc tìm đọc nhiều nhất. 


Đức Quang (theo www.guichideng.com)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm